Khi Facebook trở thành công cụ “choảng” nhau của sao Việt
(Dân trí) - Ngạn ngữ phương Tây từng có một câu đại ý là đã xem nhau là bạn bè, có gì chưa phải hãy ghé vào tai nhau mà nói. Tuy nhiên, trong giới showbiz Việt điều này có vẻ như vô cùng khó. Vì lẽ đó mà càng ngày càng có nhiều cuộc “khẩu chiến” đẩy hình ảnh của các sao Việt đi xuống trong lòng người hâm mộ.
“Vạch áo cho người xem lưng”
Thực ra, việc sao Việt “khẩu chiến” trên Facebook không còn là chuyện lạ với những người tham gia mạng xã hội. Những cuộc “khẩu chiến” của người nổi tiếng nhiều đến nỗi nó đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường đối với nhiều người. Tuy nhiên, dư âm của những cuộc chiến dai dẳng và gay gắt thì vẫn còn trong sự ám ảnh của nhiều người. Chẳng hạn như cuộc “khẩu chiến” của Đàm Vĩnh Hưng với Quang Lê; Đỗ Mạnh Cường với vợ cũ Huy Khánh; Dương Yến Ngọc với Pha Lê; Vĩnh Thuỵ với Doãn Tuấn; Thanh Thảo với Ngô Kiến Huy… nhiều năm trước.
Mới đây nhất là vụ “khẩu chiến” đầy căng thẳng giữa Duy Mạnh và Tuấn Hưng xuất phát từ một status đăng tải trên Facebook của Tuấn Hưng. Đỉnh điểm của cuộc khẩu chiến này là những lời đáp trả đầy chợ búa như “mày, tao”. Duy Mạnh thậm chí còn xưng là “bố” và đe dọa sẽ "khoá miệng" người hâm mộ của Tuấn Hưng nếu còn tiếp tục bênh nghệ sĩ của mình.
Thực ra, đây không phải là vụ ồn ào đầu tiên của Tuấn Hưng trên Facebook. Trước đó, anh chàng ca sĩ sinh năm 1978 này cũng từng đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi có những lời lẽ gay gắt chỉ trích BTC “Bài hát yêu thích” vì hình ảnh và tên của mình bị xếp sau một số ca sĩ trong vé của chương trình. Sự việc này thậm tệ tới mức diva Mỹ Linh đã bình phải lên tiếng nhắc nhở rằng không nên “vô văn hóa” như thế vì đã làm “bố trẻ con”. Không dừng ở đó, anh chàng ca sĩ này còn từng gây ầm ĩ với những status “đá xoáy” Thu Phương khi cho rằng nữ ca sĩ này sử dụng ca khúc độc quyền mà không xin phép.
Bản thân Đàm Vĩnh Hưng cũng rất nhiều lần khiến mạng xã hội dậy sóng với những câu status đầy “tính từ mạnh”. Mới đây, chỉ lướt qua một số thông tin chưa kiểm chứng mà anh chàng ca sĩ này đã có những lời lẽ xúc phạm một nhà báo trên Facebook như là “ngu”, “hạ lưu” đê tiện”... Mặc dù sau đó status này đã được xoá trên trang cá nhân nhưng dư âm của nó vẫn được nhiều người bàn tán.
Nhiều người có cảm giác như Facebook không còn đơn thuần là phương tiện kết nối và giải trí nữa mà đã thành nơi “choảng” nhau của những người nổi tiếng. Tất cả mọi cuộc nhỏ to đều bị phơi bày ra cho bàn dân thiên hạ bình phẩm. Và trang cá nhân bỗng trở thành nơi bộc lộ đầy đủ những thói hư tật xấu của nghệ sĩ. Trên thực tế, có những cuộc “khẩu chiến” đã khiến cho fan hâm mộ của hai bên trở thành đối đầu của nhau, xem nhau như kẻ thù. Fan bên nào cũng quyết “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ thần tượng của mình và nhất mực điều thần tượng mình nói là đúng.
Tự huỷ hoại giá trị của bản thân
Khoan hãy bàn đến chuyện đúng và sai mà hãy nói đến chuyện hay và dở. Phàm là người của công chúng nghĩa là nhất cử nhất động đều có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người. Bản thân những ca sĩ như: Tuấn Hưng, Duy Mạnh, Đàm Vĩnh Hưng... đều có hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu người theo dõi trên Facebook. Vì thế, chỉ một dòng chia sẻ thôi cũng đủ để gây “bão” trên mạng xã hội. Và một lời kích động thôi cũng đủ tạo nên một “cuộc chiến” giữa các fan hâm mộ từ trên mạng ảo ra đến ngoài đời thực.
Với người nghệ sĩ, việc xây được hình ảnh đã khó, giữ được hình ảnh càng khó hơn. Vốn dĩ người ta trân trọng nghệ sĩ không phải chỉ vì tài năng mà còn bởi họ còn là một “thần tượng” của nhiều người. Cho nên, sau mỗi một cuộc “khẩu chiến” trên Facebook, bất kể họ là người thắng cuộc hay người thua cuộc thì hình ảnh của họ cũng bị giảm đi rất nhiều trong mắt công chúng.
TS Mỹ học Thế Hùng cho rằng, bất kỳ một cuộc “khẩu chiến” nào cũng đều không đẹp chứ không nói là “khẩu chiến” trên Facebook. Mạng xã không khác gì một xã hội thu nhỏ, ở đó nghệ sĩ càng dễ bị theo dõi hơn ngoài đời rất nhiều. Vì thế, nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có những ứng xử chuẩn mực và khéo léo hơn bình thường.
“Đã nhận mình là nghệ sĩ, người của công chúng… mà chỉ vì nhất thời nóng giận, xong lại có những dòng chia sẻ hoặc những lời lẽ không đẹp trên mạng xã hội là khó có thể chấp nhận. Đó là hành động làm trò cười cho thiên hạ. Càng khó chấp nhận hơn khi cứ liên tiếp lặp lại hành động đó. Bởi mỗi trang cá nhân của nghệ sĩ có hàng nghìn người, hàng triệu người theo dõi… Nó dễ khiến những người theo dõi bị ảnh hưởng và fan hâm mộ bị kích động. Đó là chưa kể đến chuyện báo chí sẽ đăng tải những điều đó lên mạng. Xưa nay, tôi thấy, các cuộc “khẩu chiến” trên Facebook đều ở mức độ căng thẳng tăng dần rồi mới nguội chứ chẳng ai nguội từ đầu. Và càng như thế họ lại càng đánh mất đi những giá trị đáng ra họ phải giữ của người nghệ sĩ”, TS Thế Hùng nói.
Theo vị tiến sĩ này, nhiều nghệ sĩ đã từng khiến công chúng sụp đổ hoặc quay lưng cũng vì những cuộc “khẩu chiến” hơn thua này. Ông cho rằng, nghệ sĩ Việt đang bị thiếu các kỹ năng xử lý khủng hoảng, kỹ năng sống trong thời công nghệ số. Và việc biến mạng xã hội thành “chiến trường” cho những mục đích cá nhân là vô cùng nguy hiểm và không hề văn minh. Bởi vậy, nghệ sĩ nên tỉnh táo, chủ động kiểm soát cảm xúc và học cách xử lý khủng hoảng trong thời công nghệ số để xây dựng hình ảnh cũng như vượt qua được những scandal không đáng có.
Thực ra, trước đây, chính Dương Khắc Linh, Nguyên Khang… đã từng kêu gọi các đồng nghiệp nên hạn chế nổi giận trên trang cá nhân bởi đó là điều không lợi cho nghệ sĩ. Một số nghệ sĩ khác như: Lê Minh Sơn, Cẩm Ly… thậm chí còn kiên quyết nói “không” với Facebook để tránh những xáo trộn trong đời sống.
Khánh Toàn