Khán giả “bắt lỗi” tình tiết vô lý trong tập cuối “Người phán xử”

(Dân trí) - Bộ phim “Người phán xử” đã phát sóng tập cuối cùng vào hôm 31/8. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, trên các diễn đàn, mạng xã hội và trang fanpage vẫn chưa ngớt những lời bàn tán. Nhiều khán giả thậm chí còn “nhặt” ra rất nhiều điều vô lý trong tập cuối này.

Trên trang fanpage “Những người phát cuồng vì “Người phán xử”, một khán giả chia sẻ rất thích bộ phim nhưng tập cuối lại khiến anh thất vọng.

Người này cho rằng, nhân vật Lương Bổng được yêu mến vì sự trung thành và có câu nói nổi tiếng: "Kẻ nào chống lại Phan Thị, kẻ đó phải chết". Vậy nhưng Lương Bổng đã không xử Bảo “ngậu” dù biết rõ thân phận của nhân vật này là công an ngầm từ trước. Thêm nữa, Lương Bổng được xây dựng là nhân vật trung thành với Phan Thị nhưng đến phút cuối lại “nộp” cuốn sổ bí mật của Phan Thị cho Bảo “ngậu” một cách rất dễ dàng. Điều này rất thiếu tính logic và thiếu tính thực tế.

Cảnh Bảo ngậu và Lương Bổng đối mặt dưới căn hầm bí mật trong tập cuối Người phán xử.
Cảnh Bảo "ngậu" và Lương Bổng đối mặt dưới căn hầm bí mật trong tập cuối "Người phán xử".

Điều bất hợp lý thứ hai là Thế “chột”, Phúc “hô” và đàn em đều là những tên giang hồ cộm cán, sành sỏi và lọc lõi nhưng lại để cho Lê Thành dễ dàng cài cắm tay chân vào trong buổi giao thương ma túy mà không hề có chút nghi ngờ gì. Và vì thế mà cái chết của những nhân vật này hiện lên trên phim vô cùng nhạt nhẽo, thiếu tính thuyết phục.

Một chi tiết khác, biệt thự của Phan Thị lúc nào cũng có vệ sĩ bảo vệ vậy 24/24 vậy mà khi Cu Bin chạy đi đâu không ai biết. Bản thân, cảnh Phan Hải và Diễm My bị công an còng tay bắt đi cũng rất khó hiểu.

Luật sư Trần Vũ Hải thắc mắc rằng, cảnh Phan Hải và Diễm My bị bắt giữ khi đôi vợ chồng này không thuốc diện phạm tội quả tang, cũng không thấy có lệnh bắt hay lệnh truy nã nào. Như vậy cảnh sát trong phim bắt giữ luật sư Diễm My và Phan Hải trái pháp luật? Chưa kể, người xem cũng không hiểu Diễm My phạm tội gì khi cô chỉ hành nghề luật sư và đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Cảnh Diễm My và Phan Hải bỗng dưng bị bắt.
Cảnh Diễm My và Phan Hải "bỗng dưng" bị bắt.

Một điều phi lý khác đó là trước khi tự vẫn, Mỹ Hạnh đã dùng máu viết lại mấy dòng nhắn nhủ anh trai mình là Trần Tú nhưng khi Trần Tú bước vào, máy zoom cận cảnh thì hai bàn tay của Mỹ Hạnh tịnh không một vết xước, một vết máu nào.

Ngoài ra, cuộc nói chuyện với Lê Thành và Thế “chột” diễn ra vào buổi tối, theo lẽ thường, nếu Phan Sơn dùng máy điện thoại bình thường đứng từ xa quay sẽ không xem được gì. Tuy nhiên, khi hiển thị trên phim thì clip lại rất sắc nét, thấy rõ mặt và cả nốt ruồi.

Một điều lạ nữa là trong cuốn nhật ký mẹ bà Tuyết (mẹ Lê Thành) để lại có ảnh bà chụp chung với Phan Quân. Vậy thì không có lý do gì Thế “chột” là bố đẻ Lê Thành vậy mà Lê Thành lại tin vào điều đó và để cho tên này “giật dây” trong mấy tập phim liền.

Cảnh Lê Thành cố gắng đưa tờ giấy xét nghiệm ADN cho Phan Quân trước khi nằm xuống.
Cảnh Lê Thành cố gắng đưa tờ giấy xét nghiệm ADN cho Phan Quân trước khi nằm xuống.

Lúc Phan Quân rút súng bắn Lê Thành là bắn vào vùng dưới ngực rất xa, tức thuộc vùng bụng, đáng lẽ ra nhân vật này sẽ không chết nhưng Lê Thành lại chết ngay khi chưa kịp đưa đi cấp cứu.

Và nhiều khán giả cũng nhận định, chi tiết Thảo (em gái Lê Thành) hẹn hò Bảo “ngậu” vào ngày anh trai mình vừa chết là vừa không nhân văn, vừa thiếu tính thực tế.

Không ít người cũng thắc mắc, một giang hồ thuộc dạng “cáo già” như Phan Quân mà để nhân vật như Bảo “ngậu” bên cạnh thì rất vô lý. Ngoài ra, với tính cách đa nghi và lọc lõi của Phan Quân, ông không thể dễ dàng để Thế “chột” lừa một cách ngoạn mục như thế.

Nhân vật Thảo hẹn hò với Bảo ngậu ngay khi anh trai mình vừa mới qua đời cũng khiến nhiều người cho là phi lí.
Nhân vật Thảo hẹn hò với Bảo "ngậu" ngay khi anh trai mình vừa mới qua đời cũng khiến nhiều người cho là phi lí.

Nhiều khán giả bày tỏ rằng, “Người phán xử” gay cấn, ly kỳ và hấp dẫn ngay từ những tập đầu tiên nhưng chỉ vì một tập cuối mà làm cho phim bị mất điểm rất nhiều.

Hà Tùng Long