Khai hội đền thờ Nữ tình báo đầu tiên trong chính sử Việt Nam

(Dân trí) - Đó là lễ hội thờ bà Lương Thị Minh Nguyệt, người in bóng vào lịch sử dựng nước và giữ nước đất Sơn Nam Hạ, trở thành nữ tình báo đầu tiên trong chính sử Việt Nam.

Chính sử kể lại rằng năm 1405, giặc Minh xâm lược nước ta. Để dễ bề kiểm soát Đại Việt, tướng Minh là Mộc Thạnh sai lấy đất ở núi Thiên Kiện (núi Bô) và phá tháp Chương Sơn (xây dựng từ đời Lý) đem về đắp thành Cổ Lộng thuộc đất xã Yên Thọ ngày nay, cách làng Ngọc Chuế chừng 3 cây số. Trước sự tàn bạo của giặc Minh, năm 1418, Lê Lợi giương cờ khởi nghĩa Lam Sơn truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên cứu nước.

Hồi ấy, tại thôn Ngọc Chuế thuộc xã Chuế Cầu, tổng Tử Mặc (nay là xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên) gia đình ông bà họ Lương sinh được một người con gái thông minh và xinh đẹp, vẻ mặt đằm thắm, hiền dịu như ánh trăng rằm, bèn đặt tên là Lương Thị Minh Nguyệt.

Khai hội đền thờ Nữ tình báo đầu tiên trong chính sử Việt Nam


Do ngày ngày chứng kiến mọi nỗi đau khổ của dân làng phải phục dịch giặc Minh, nên Nguyệt Nương rất căm phẫn. Bà bàn với chồng là Đinh Tuấn tìm cách mua chuộc, lấy lòng bọn quân lính trong thành để dò la tin tức, có dịp báo thù và góp công với nước.

Hai vợ chồng ông bà mở một quán bán quà bánh, rượu chè ngay ở bên thành để dễ bề lọt vào nội thành dò tin tức, nắm tình hình nhằm mưu việc lớn. Ông Đinh Tuấn thì ngầm liên kết với những người có tâm huyết trong vùng để chờ thời cơ hành sự. Lâu ngày, Nguyệt Nương đã làm quen được với một số lớn tướng sĩ cùng quân lính nhà Minh và quán của bà hầu như đã hút hết hồn vía của bọn quan lính người Minh đóng trong thành. Thậm chí, đầu lĩnh quân Minh còn cho phép Nguyệt Nương và người giúp việc mang rượu thịt vào bán cho quân lính trong thành, vì bận canh gác mà không ra quán được. Do đó, với con mắt “điệp viên”, mọi ngõ ngách, vị trí giặc Minh chứa chất quân lương, vũ khí trong thành, Nguyệt Nương đều biết tường tận.

Khi Lê Lợi trên đường tiến quân ra đánh thành Đông Quan, gặp thành Cổ Lộng chặn đường. Giữa lúc các tướng lĩnh đang tìm mưu hiến kế thì Nguyệt Nương tìm đến, xin vào dâng kế hạ thành. Bà cho biết sẽ bỏ thuốc mê vào rượu cho lính canh uống, nhốt vào bao bố thắt lại, rồi đốt lửa làm hiệu đồng thời trao tấm bản đồ những nơi chứa lương thực và vũ khí.

Vào một đêm cuối năm Bính Ngọ (1426), nhân tiết trời giá rét, bà Lương theo lệ thường đem rượu, thịt vào thành bán rẻ cho bọn giặc. Cùng lúc, đem theo một số thôn nữ trẻ, nói là để múa hát cho vui. Quân tướng giặc Minh vừa uống rượu say, vừa ngắm người đẹp nên lăn ra ngủ. Bà Lương mau chóng cùng các thôn nữ khênh từng tên giặc cho vào bao vải, quấn vòng thắt nút thật chặt. Xong việc, bà cho mở cửa thành. Ông Đinh Tuấn cùng nghĩa binh đã phục sẵn, dẫn đại quân xông vào. Tướng giặc là Trần Hiệp và bọn chỉ huy vội vàng đạp túi ngủ để chui ra nhưng do nút buộc quá chắc, chúng không sao thoát được.

Chẳng mấy chốc, nghĩa quân đã chiếm gọn thành, bắt sống tướng giặc mà không tốn giọt máu.

Năm Mậu Thân (1428), Vua Lê Thái Tổ hội quần thần ở điện Giảng Võ – Thăng Long để thưởng khao tướng sĩ, đã ban tước danh cho bà là Kiến Quốc Trinh Liệt Phu Nhân; ban cho ông Đinh Tuấn tước danh Kiến Quốc Trung Dũng Công Thần. Để ban thưởng dân chúng có công với nước, nhà vua truyền giao 200 mẫu ruộng tốt ở phía đông nam thành Cổ Lộng cho dân Chuế Cầu có thêm ruộng đất sinh sống làm ăn.

Dâng lễ trong hội đình Ruối - Yên Nghĩa năm 2012 (Ảnh: Ban Khánh tiết).

Dâng lễ trong hội đình Ruối - Yên Nghĩa năm 2012 (Ảnh: Ban Khánh tiết).

Ngày 25 tháng 11 năm Quý Sửu (1433) niên hiệu Thuận Thiên thứ VI, hai ông bà bỗng nhiên không bệnh mà qua đời. Vua Lê Thái Tổ sai quân về tang chế theo tước Vương, phong làm Nhị vị Phúc thần. Cho lập đền thờ Kiến Quốc, xây hướng chính nam ở làng Ngọc chuế, mộ táng sau đền, lại đem 100 mẫu ruộng tốt dâng vào việc tế tự. Đến đời Lê Thánh Tông, vua cho tu sửa lại đền Kiến Quốc, trong đó khắc đôi câu đối nổi tiếng: “Thiên cổ danh truyền thần nữ tướng;Ức niên trách nhuận cố hương nhân" và truyền Tiến sĩ Lê Tung (khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức) viết bài minh, ghi công đức bà Kiến Quốc, trong đó có câu: Vĩ tai liệt phụ; Khí hùng vạn binh !

Cũng từ đó, hàng năm, cứ vào ngày mất của vợ chồng Nguyệt Nương (25 tháng 11 Âm lịch), dân làng Ngọc Chuế lại cùng dân chúng khắp vùng liên kết bên nhau đứng ra tổ chức lễ hội tưởng nhớ và tri ân vợ chồng liệt nữ Minh Nguyệt tại đền Kiến Quốc - tục gọi đền Ruối, cho đến tận ngày nay.

Trước đây, lễ hội đền Kiến Quốc thường diễn ra 5 ngày, được tổ chức với sự tham gia rước kiệu, hành lễ của 8 thôn: Ngọc Chuế, Thanh Khê, Trung Cầu, Nha Cầu, Cổ Liêu, Hương Ngãi, Minh Lương (nay là Ngọc Minh) và Vô Vọng. Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức trong vòng 3 ngày.

Năm nay, nhân dịp kỉ niệm tròn 700 năm ngày mất của vợ chồng Kiến quốc Trung liệt Phu nhân, chính quyền các cấp từ huyện đến xã và dân chúng quanh vùng đã sớm tập trung trí, lực để chuẩn bị tổ chức ngày hội sang trọng, uy nghi hơn mọi năm, với ý nghĩ thành tâm: Tri ân liệt nữ anh hùng tình báo Việt Nam đầu tiên trong chính sử !

Bùi Quang Thanh