Hương Giang Idol xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân: “Họa từ miệng mà ra”
(Dân trí) - “Trước Hương Giang Idol, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, hay Hồ Ngọc Hà… cũng từng vấp phải làn sóng dư luận chỉ trích vì vạ miệng. Đây là bài học cho những người có ứng xử văn hóa chưa tương xứng với sự nổi tiếng”, Tiến sĩ Vũ Việt Anh, chuyên gia giáo dục thẳng thắn nói.
“Ứng xử văn hóa chưa tương xứng với sự nổi tiếng”
Xoay quanh sự việc ca sĩ Hương Giang Idol có hành vi ứng xử bị cho là xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân tại buổi ghi hình một game show khiến dư luận ồn ào, xin hỏi Tiến sĩ Vũ Việt Anh có theo dõi không? Ý kiến cá nhân của ông về sự việc này như thế nào?
Tôi có theo dõi. Là người của công chúng thì mọi cử chỉ, phát ngôn đều ảnh hưởng đến rất nhiều người khác, đặc biệt là khán giả trẻ. Có câu tục ngữ: “Học ăn học nói, học gói học mở” hay câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Với lời ăn tiếng nói, người bình thường đã phải cẩn trọng, đối với nghệ sĩ càng phải cẩn trọng hơn vì tai họa từ miệng mà ra.
Từ phát ngôn, mà người ta có thể đánh giá một người qua tiếp xúc ban đầu là người biết ứng xử, hiểu biết hay không.
Với trường hợp cụ thể của Hương Giang Idol, tôi cho rằng trong giao tiếp bình thường cũng không nên nói thế, dù chỉ là đùa giỡn nữa là tại một game show có sự theo dõi của hàng triệu khán giả. Hơn nữa, người liên quan là một nghệ sĩ lớn.
Với đáp án nói nghệ sĩ Trung Dân “đút đầu vô cầu tiêu”, có ý kiến cho rằng cô ca sĩ này lỡ lời, phát ngôn thiếu suy nghĩ, cũng có ý kiến cho rằng cô hỗn láo, cố tình phát ngôn gây sốc thu hút sự chú ý. Với cảm nhận của ông thì sao?
Tôi cho rằng, trong trường hợp này, Hương Giang chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Hiện tại, đang có thực trạng, các game show xuất hiện ồ ạt trên sóng truyền hình, các khách mời cũng tham gia liên tiếp, không có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng nên việc lỡ lời thường xuyên xảy ra. Gần đây nhất là nghệ sĩ Trấn Thành, trước đó ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, hay Hồ Ngọc Hà… cũng bị phản ứng vì vạ miệng.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trên sóng truyền hình, ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả, theo tôi các chương trình truyền hình thực tế nên lựa chọn những khách mời phù hợp. Phải có cam kết cụ thể, tuân thủ đầy đủ giữa khách mời và chương trình, tránh những sai lầm phát sinh.
Và, từ sự việc trên, đây là bài học trên cho những nghệ sĩ, những người có phong cách ứng xử chênh lệch với sự nổi tiếng của mình. Họ cần phải trau dồi tri thức, rèn luyện ứng xử để tương xứng với tên tuổi của mình.
Góc nhìn của ông về hành động bỏ ngang chương trình vì cảm thấy bị đồng nghiệp nhỏ tuổi xúc phạm, không nhận được sự tôn trọng từ chương trình của nghệ sĩ Trung Dân?
Phản xạ đó của nghệ sĩ Trung Dân cần được tôn trọng. Sự tức giận của chú cũng là điều dễ hiểu. Với người lớn tuổi, sự nhạy cảm về ngôn ngữ bao giờ cũng khắt khe hơn với người trẻ nên phản ứng như trên là hợp lý và cũng cần thiết.
Xoay quanh lùm xùm này, ứng xử của Hương Giang Idol là sai, khán giả có quyền bày tỏ thái độ. Tuy nhiên, việc kỳ thị giới tính của nghệ sĩ lại là điều không nên. Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa hành vi sai nhưng giới tính của nghệ sĩ cần được tôn trọng.
“Lạm dụng chiêu trò, khán giả sẽ tẩy chay”
Nhìn vào giới showbiz nhiều người dễ nhận ra một sự thật, sự nổi tiếng đến một cách nhanh chóng, không được xây dựng từ nền tảng vững chắc dễ dẫn đến nhận thức ảo tưởng, luôn coi mình là số một, không quan tâm đến cảm nhận của những người xung quanh, nhìn “người trên, kẻ dưới” bằng nửa con mắt. Phải chăng, scandal phát ngôn của Hương Giang Idol là một trong những ví dụ cụ thể nhất?
Với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, nhiều bạn trẻ qua một ngày, thậm chí một đêm đã trở thành “sao”. Chưa bao giờ, lại nhiều “sao” như thời buổi này. Có một câu nói vui mà trúng: “ra ngõ gặp sao”.
Nhưng, sự nổi tiếng đó chỉ là ánh hào quang nhất thời, là giá trị ảo mà thôi. Muốn tên tuổi được ghi nhận bền lâu thì cần xây dựng từ nền tảng văn hóa và tri thức chứ không chỉ nhờ công nghệ.
Và cũng nên nhìn vào thực tế, nhiều nghệ sĩ lớn- những ngôi sao lớn họ luôn có lối sống và hành xử đúng mực.
Vậy ông nghĩ sao về quan điểm “càng bị chửi, càng có scandal, nghệ sĩ càng nổi tiếng; càng bị soi, game show càng thu hút sự chú ý”?
Nếu như phát ngôn thiếu chuẩn mực của Hương Giang Idol là chiêu trò cố ý thì đã bị phản ứng ngược “gậy ông đập lưng ông” khi đang có làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí đòi tẩy chay ca sĩ này.
Tôi cũng biết, không hiếm chương trình truyền hình thực tế không từ bất cứ “thủ đoạn” nào để thu hút lượng người xem, dưới áp lực của các nhãn hàng tài trợ. Tuy nhiên, scandal là con dao hai lưỡi. Nếu quá lạm dùng, chương trình sẽ bị khán giả quay lưng. Và trên thực tế, không ít chương trình đã phải gánh chịu hậu quả. Ví dụ như chương trình Vietnam's Got Talent từng bị phản ứng vì khai thác đời tư quá nhiều…
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất thẳng thắn!
Xoay quanh vụ việc trên, nhà báo Phan Phương, Trưởng ban hội viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra góc nhìn riêng:
“Theo tôi, hành vi ứng xử của Hương Giang Idol đối với nghệ sĩ Trung Dân không phải là lỡ miệng. Đó là phát ngôn thiếu chuẩn mực xuất phát từ trình độ văn hóa thấp. Sở dĩ, ngày càng xuất hiện những gương mặt trẻ trong làng giải trí, có phát ngôn, cách ứng xử bị phản ứng là vì khâu kiểm duyệt lỏng lẻo, không sát sao của các cơ quan quản lý.
Một câu hỏi được đặt ra rằng, các game show đang nhan nhản trên truyền hình có được kiểm duyệt không? Chương trình Táo quân được Cục Nghệ thuật Biểu diễn kiểm duyệt vậy sao các game show lại không? Nếu có sự kiểm duyệt kỹ càng trước khi phát sóng, tôi tin chắc sẽ giảm bớt các game show nhảm nhí và khán giả không phải “ăn” những món ăn tinh thần phản cảm, nhố nhăng và rẻ tiền!”
Nguyễn Hằng