Danh xưng “nghệ sỹ”: “Không phải vỗ ngực tự phong là thành nghệ sỹ”
(Dân trí) - NSND Trần Hiếu, NSƯT Trần Ly Ly và ca sỹ Hoàng Bách đã bày tỏ những quan điểm khác nhau xung quanh danh xưng “nghệ sỹ”. NSND Trần Hiếu cho rằng, nghệ sỹ là phải được quần chúng nhân dân hoặc chính quyền công nhận chứ không phải tự phong mà được.
Trong clip xin lỗi nghệ sỹ Trung Dân, Hương Giang Idol có nhắc đến hai từ “nghệ sỹ”. Nhiều người cho rằng, giọng ca này đã hơi tự tin khi “vơ” danh xưng ấy cho mình dù bản thân chưa hề xứng đáng.
Bản thân nghệ sỹ Trung Dân sau khi chấp nhận lời xin lỗi của giọng ca trẻ này đã nói rằng: “Tôi nghĩ sự cố xuất phát từ nền tảng văn hóa. Văn hóa là phạm trù rất lớn. Qua sự việc của tôi và Hương Giang cùng nhiều vấn đề trong giới showbiz chúng ta nhìn nhận một điều là văn hóa chúng ta có lỗ hổng lớn. Thôi thì nó hổng thì mình vá, nó hư thì mình sửa...". Nhiều người cho rằng, cái “lỗi hỏng” cần “sửa” và “vá” mà nam nghệ sỹ lớn tuổi đề cập đến chính là việc loạn danh xưng nghệ sỹ. Ai cũng có thể tự vỗ ngực xưng mình là nghệ sỹ khi bản thân họ chưa hiểu hết giá trị của hai chữ thiêng liêng này.
Thực tế, trong các gameshow truyền hình hiện nay, rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực giải trí luôn xưng mình là nghệ sỹ, khiến cho khái niệm này bị lẫn lộn giá trị. Bởi ai cũng biết, nghệ sỹ không chỉ đơn giản là những người hoạt động nghệ thuật hoặc có sản phẩm nghệ thuật mà nó được định danh bằng nền tảng văn hóa và vị thế trong lòng công chúng. Có những người hoạt động nghệ thuật đã lâu nhưng chưa chắc đã phải là nghệ sỹ. Cũng có những người dù mới chỉ có đôi ba sản phẩm nghệ thuật nhưng trong lòng công chúng họ đã là nghệ sỹ thực thụ.
Những chia sẻ của NSND Trần Hiếu, NSƯT Trần Ly Ly và ca sỹ Hoàng Bách dưới đây góp phần làm sáng rõ hơn về khái niệm “nghệ sỹ”.
NSND Trần Hiếu:
Theo tôi, nghệ sỹ là danh xưng được quần chúng nhân dân hoặc chính quyền công nhận đối với những người có nhiều hoạt động nghệ thuật hoặc hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp lâu năm. Thời của chúng tôi, khi chưa được công nhận là Nghệ sỹ Ưu tú, chẳng ai dám nhận mình là nghệ sỹ cả. Làm như thế xấu hổ lắm.
Bản thân tôi, chỉ đến khi được Nhà nước phong là Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân tôi mới dám nhận mình là nghệ sỹ, trước đó tôi chỉ dám nhận mình là ca sỹ thôi. Tức danh xưng nghệ sỹ là do quần chúng hoặc do chính quyền thừa nhận chứ không phải vỗ ngực tự phong là thành nghệ sỹ được. Nếu ai mới hoạt động nghệ thuật, chưa có thành tích gì, chưa có cống hiến gì, chưa được ai công nhận… mà nhận mình là nghệ sỹ thì sẽ loạn mất. Để được gọi là nghệ sỹ đâu phải đơn giản như thế.
Ngày nay, tôi thấy ai cũng có thể xưng mình nghệ sỹ nọ, nghệ sỹ kia… khiến cho khái niệm này bị dễ dãi hoá, tầm thường hoá.
NSƯT Trần Ly Ly:
Việc tự xưng mình nghệ sỹ là quyền của mỗi người, không ai cấm được. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là lòng tự trọng của người đó khi khoác lên mình hai chữ “nghệ sỹ”. Trong một xã hội văn minh, việc tự xưng không có ý nghĩa gì, quan trọng là quần chúng nhân dân có coi người đó là nghệ sĩ hay không.
Theo tôi, nghệ sỹ là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng phải ở nghĩa là sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chân chính hoặc là những người có kĩ năng (skill) đóng góp vào các sản phẩm nghệ thuật một cách chuyên nghiệp. Chúng ta nên hiểu, việc tham gia sáng tạo sản phẩm nghệ thuật phải được đánh giá xem đó có phải là sản phẩm nghệ thuật không đã. Nghĩa là công chúng thưởng thức/hội đồng nghệ thuật/nhà tri thức nghệ thuật thẩm định xem có phải là nghệ thuật không rồi mới xem xét anh đã xứng tầm để được phong là nghệ sỹ chưa. Nếu chưa có làm được như thế mà tự nhận mình là nghệ sỹ thì chỉ làm trò cười cho người đời.
Tôi cho rằng, việc tầm thường hóa các tác phẩm nghệ thuật sẽ kéo theo những nghệ sĩ không phải là nghệ sĩ. Và như thế, thế giới nghệ thuật sẽ sản sinh ra những thứ dễ dãi, tầm thường, rẻ rúng… Mình coi mình là nghệ sĩ nhưng cần là trí thức nghệ sĩ. Ra thế giới thấy ở mình còn nghèo tri thức lắm.
Trên thế giới, danh xưng nghệ sỹ cao quý lắm vì không phải ai cũng làm được. Nghệ thuật là lĩnh vực nằm trong thượng tầng kiến trúc.
Ca sỹ Hoàng Bách:
Theo tôi, nghệ sỹ không phải một nghề, không phải một danh hiệu mà là một dạng tính cách, hành vi... Nếu thấy có ai đó nhận mình là nghệ sỹ, không thể trách họ được bởi ai cũng có thể là nghệ sỹ nếu họ thấy mình có nghệ sỹ tính, kiểu như sống đời nghệ sỹ hoặc hành xử nghệ sỹ. Nấu ăn giỏi cũng là nghệ sỹ, vẽ tranh bậy giỏi cũng là nghệ sỹ.
Với tôi, khái niệm nghệ sỹ với người bình thường không có ranh giới, khoảng cách hoặc sự phân biệt. Theo tôi, nghệ thuật hoặc giải trí chuyên nghiệp mới là một nghề.
Có nhiều người làm nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng chưa chắc đã là nghệ sĩ. Người ta gọi là entertainer (làm ngành giải trí, nghề giải trí), còn nghệ sỹ không hẳn là một nghề. Vì thế, chúng ta nên thay đổi quan niệm về hai chữ “nghệ sỹ” cho đúng với thực tế.
Ở Việt Nam có nhiều người được phong là Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân… nhưng với tôi đó chưa hẳn đã là nghệ thuật mà có yếu tố chính trị. Vì thế, tôi không bàn sâu về vấn đề này.
Hà Tùng Long (ghi)