Đằng sau những kiệt tác nghệ thuật

(Dân trí) - Luôn luôn có những câu chuyện đằng sau những kiệt tác nghệ thuật chờ được khám phá.

Bức chân dung của Arnolfini

1-43376

Bức tranh này được vẽ vào năm 1434 bởi họa sĩ Hà Lan Jan van Euck. Đây được coi là một trong những bức tranh có giá trị quan trọng nhất trong lịch sử, đồng thời cũng gây ra rất nhiều tranh cãi. Đầu tiên, tranh được vẽ bằng sơn dầu, một hình thức rất hiếm gặp ở Tây Âu đầu thế kỷ 15. Điều đó giúp van Eyck thể hiện hết tài năng của mình. Người xem có thể thấy hình ảnh phản chiếu của toàn bộ căn phòng trong tấm gương ở phía xa, bao gồm cả hai nhân vật đứng ở hành lang. Họa sỹ thậm chí còn tính đến sự móp méo hình phản chiếu của tấm gương cong. Ngay cả tấm huy chương trong khung gương cũng mô tả lại những cảnh về chúa Jesus.

Tuy nhiên, phần gây tranh cãi nhất chính là cặp đôi trong tranh. Thời đó, không ai vẽ những con người đương đại đứng quanh nhà, do vậy các nhà sử học đã tranh cãi và cho rằng bức tranh có nhiều ý nghĩa sâu hơn. Một số người cho rằng tác phẩm này mô tả một cặp vợ chồng mới cưới, cùng những người bí ẩn ở hành lang với vai trò là nhân chứng. Không phải ai cũng đồng ý với nhận định này, và các chuyên gia đã phân tích từng chi tiết của bức tranh, từ cách cặp đôi này nắm tay tới kiểu tóc của người phụ nữ, để tìm ra mối quan hệ giữa hai người.

Tác phẩm Manneken Pis

2-c77c4

Manneken Pis là một trong những địa danh nổi tiếng nhất tại Brussels (Bỉ). Đúng như tên gọi, bức tượng này mô tả một cậu bé đang tiểu tiện vào một đài phun nước, và các ghi chép cho thấy cậu bé đã ở đó từ năm 1388. Với chức năng là vòi phun nước công cộng, bức tượng được cho là bị đánh cắp hoặc phá hủy vào thời điểm nào đó. Bức tượng Manneken Pis mà chúng ta thấy ngày nay là tác phẩm được thiết kế và lắp đặt lại bởi nhà điêu khắc Jerome Duquesnoy vào năm 1619.

Có rất nhiều huyền thoại xoay quanh nguồn gốc bức tượng này. Câu chuyện nổi tiếng nhất kể về một cậu bé đã giải cứu Brussels khi thành phố này bị bao vây. Cậu bé đã tè vào ngòi nổ khi quân địch cố cài thuốc nổ để phá tường thành. Một câu chuyện khác lại cho rằng bức tượng là Công tước Godfrey III vùng Leuven khi ông mới hai tuổi. Theo đó, trong một trận chiến, những người lính đã đặt ông vào một chiếc giỏ và treo lên cây. Từ đó, ông tè lên đầu đối phương và họ nhanh chóng phải nhận thất bại. Ngày nay, bức tượng là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất của thành phố. Khách thăm quan sẽ thường thấy cảnh Manneken Pis được mặc các bộ quần áo lộng lẫy. Đây là một truyền thống có từ thế kỷ 18. Cậu bé này liên tục được tặng quần áo, và tính tới nay tủ áo của cậu đã có tới hơn 900 bộ đồ.

Tác phẩm Rokeby Venus

4-573ca

Diego Velasquez được biết đến là một trong những nghệ sĩ đi đầu của thời đại Hoàng Kim Tây Ban Nha. Tác phẩm Rokeby Venus được coi là một trong những tuyệt tác của ông, nhưng đồng thời cũng gây rất nhiều tranh cãi. Vấn đề chính là sự trụy lạc trong bức tranh, với hình tượng thần Vệ nữ đang nằm và nhìn về phía người xem qua một tấm gương. Trước đó có rất nhiều tác phẩm mang tính trụy lạc hơn thế. Nhưng Velasquez vẽ bức tranh này vào năm 1651, thời điểm tòa án dị giáo của Tây Ban Nha đang đưa ra những luật lệ nghiêm ngặt. Sự hở hang chính là một trong những yếu tố bị cấm khi đó. Các họa sỹ thường bị phạt tiền hoặc tống giam, tác phẩm của họ thì bị tịch thu. Chỉ có Velasquez thoát được, vì ông được sự bảo hộ của vua Philip IV, người trị vì Tây Ban Nha. Đây cũng là bức tranh duy nhất của ông còn sót lại.

Bức tranh được cất giữ ở công viên Rokeby (Anh) trong gần một thế kỷ. Từ năm 1906, nó đã được chuyển tới phòng tranh quốc gia ở London. Bức tranh gây chú ý vào năm 1914, khi một phụ nữ dùng rìu để chặt 7 nhát dài trên tranh. Mục đích của cuộc tấn công là để phản đối vụ bắt giữ Emmeline Pankhurst, một nhà hoạt động nữ quyền. Sau này, toàn bộ bức tranh đã được phục chế an toàn.

Tác phẩm The Garden of Earthly Delights

3-73910

The Garden of Earthly Delights là một trong những bức họa phức tạp và tham vọng nhất từng được thực hiện. Về cơ bản, nó là một bức triptych (ba bức tranh riêng biệt) được vẽ bởi nghệ nhân Hieronymus Bosch vào khoảng giữa năm 1490 và 1510. Bức tranh bên trái vẽ cảnh Adam và Eva trên vườn địa đàng. Ở giữa là bức hình góc rộng với rất nhiều nhân vật, cả con người và động vật. Bên phải là thế giới địa ngục đầy vẻ tăm tối. Nếu nhìn qua, có thể thấy Bosch đang mô tả thiên đường, mặt đất và địa ngục, cũng như là một lời cảnh báo về những ham muốn của cuộc sống. Đây là phân tích được nhiều sử gia nghệ thuật chấp nhận, nhưng bức tranh còn ẩn giấu nhiều điều vẫn chưa được khám phá trong 600 năm qua.

Ví dụ, âm nhạc có vai trò rất lớn trong các bức triptych, và có thể thấy nhiều nhân vật đang chơi nhạc cụ theo những cách rất khác thường. Các nhà nghiên cứu âm nhạc ở Oxford đã thử tái tạo các nhạc cụ này và chơi thử, kết quả là những âm thanh rất tệ. Bên cạnh đó còn có chi tiết một nhân vật dưới địa ngục có nguyên một bản nhạc được in trên cơ thể của mình.

Phan Hạnh

Theo Lisverse