“Cởi trần bán hàng là tự nguyện… trở về đồ đá”
(Dân trí) - Trước sự việc các cửa hàng ăn uống, tiệm tóc đua nhau… thuê các thanh niên có ngoại hình tốt, cơ bụng sáu múi cởi trần để bán hàng, gội đầu sấy tóc, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng cho rằng đó là “biểu hiện của trình độ thẩm mỹ thấp”.
Mấy ngày này, dư luận xôn xao trước những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội về một số nhà hàng, salon tóc thuê “trai đẹp” cởi trần, khoe cơ bắp cuồn cuộn giới thiệu món ăn mới, gội đầu, sấy tóc cho khách hàng.
Bước đầu, mốt “ăn theo” mùa nắng nóng cực điểm tại Hà Nội thu hút sự chú ý, tò mò của không ít người, đặc biệt giới nữ về hình thức bán hàng, giới thiệu sản phẩm lạ mắt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng việc để nam giới cởi trần phục vụ đồ ăn gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.
“Văn hóa kinh doanh xuống cấp thế là cùng”, độc giả Nguyễn Dũng bày tỏ. Độc giả Huyền Lê nói: “Những nơi này muốn quay trở về thời nguyên thủy. Đi ngược với sự tiến bộ của xã hội loài người. Cần phải lên án và dẹp bỏ”. Đồng quan điểm này, độc giả Hoàng cũng thẳng thắn: “Nếu là văn minh lịch sự thì người ta không trần như trâu thế kia để tiếp khách.......bên tây họ đẹp ở cách ăn mặc lịch sự còn bên ta lại lấy vẻ đẹp trùng trục như trâu để coi là đẹp....trông lố bịch quá....chỉ hơn thời ăn lông ở lỗ là có cái quần”…
Trước trào lưu “khoe cơ thể” khi bán hàng, giới thiệu sản phẩm này; Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng đã đưa ra góc nhìn rất thẳng thắn.
“Cởi trần bán hàng đạt mục đích về mặt lợi nhuận”
Theo Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng, mọi hoạt động của nhân loại đều thông qua 3 giá trị đó là: giá trị, giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ.
“Việc một số nhà hàng, salon tóc thuê nam giới trẻ, cởi trần, khoe cơ bắp cuồn cuộn… về mặt giá trị và giá trị sử dụng là hiệu quả, đánh trúng tâm lý tò mò của khách hàng, thu hút khách đông khách, lợi nhuận tăng. Không chỉ đánh trúng tâm lý khách hàng mà còn đánh trúng nguyên lý âm dương: sử dụng trai đẹp, cơ bắp, lực trái dấu để thu hút, tạo sự phấn khích đối với khách hàng nữ”, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng lý giải.
Ông cho rằng, đây là một ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh, không mới đối với các nước khác nhưng lại mới lạ tại Việt Nam. Vị Tiến sỹ thẳng thắn nhìn nhận, việc sử dụng trai đẹp “khoe cơ thể” phục vụ bán hàng, giới thiệu sản phẩm là hiệu quả về mặt lợi nhuận, hợp lý nhưng lại không đẹp về giá trị thẩm mỹ.
“Giá trị thẩm mỹ, đôi khi không song hành với giá trị và giá trị sử dụng. Vậy làm thế nào để hút được khách hàng, phát triển về mặt lợi nhuận mà vẫn đẹp, sang trọng và phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam? Đây là câu hỏi cần đặt ra cho những đơn vị kinh doanh”, ông nói.
“Từ chối trang phục là tự nguyện… trở về đồ đá”
Ở một khía cạnh khác, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng cũng cho rằng đây là sự việc cá biệt, chưa từng có ở Hà Nội. Ông cho rằng “trào lưu” này thể hiện trình độ thẩm mỹ thấp và không nên khuyến khích.
“Trong giao tiếp cộng đồng nên ăn mặc sang trọng, đó cũng là biểu hiện người có văn hóa. Nền văn minh nhân loại được đánh giá bằng thời trang, từ thời kỳ sống không mặc gì cho đến hiện nay đã trải qua 8-10 triệu năm tiến hóa. Con người khác con vật, khác thời kỳ sống nguyên thủy bởi trang phục. Nếu khước từ nó, nghĩa là tự nguyện trở về thời đồ đá”, ông thẳng thắn chia sẻ.
Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng cho rằng việc xăm trổ, viết chữ lên cơ thể cũng là hành động phi thẩm mỹ: “Một số người thích làm điều này vì phản xạ bầy đàn, theo xu thế nào đó của giới trẻ”.
Tuy nhiên, ông khẳng định: “Thuần phong mỹ tục Việt Nam cho phép hòa nhập, hội nhập nhưng không hòa tan; phải giữ được bản sắc dân tộc. Việc cởi trần bán hàng hiệu quả về mặt kinh tế nhưng về thẩm mỹ thì không thể chấp nhận được!”.
Nguyễn Hằng