Thanh Hóa:

Bảo vệ vật thể được người dân phát hiện dưới lòng sông Chu

(Dân trí) - Người dân làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân đã phát hiện một khối lớn dưới lòng sông Chu. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương, tổ chức kiểm tra, làm rõ tính chính xác của các thông tin và các dấu hiệu có di sản văn hóa dưới nước, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Lặn tìm củi phát hiện vật thể dưới sông

Để làm rõ hơn những thông tin liên quan đến việc người dân phát hiện vật thể dưới lòng sông Chu, đoạn qua làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, phóng viên Dân trí đã tìm về làng Thượng Vôi, gặp ông Nguyễn Văn Bình - là người đầu tiên phát hiện ra vật thể nêu trên.

Người dân làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân phát hiện khối vật thể rắn dưới lòng sông Chu
Người dân làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân phát hiện khối vật thể rắn dưới lòng sông Chu

Theo ông Bình, vào khoảng tháng 6 Âm lịch năm 2016, trong khi lặn vớt củi trên sông Chu, ông vô tình đụng vào một vật lạ giống như một khối bê tông. Sau đó, ông Bình đã báo cáo trưởng thôn và lãnh đạo xã Xuân Hòa. “Tôi cũng không biết là cái gì cả, chỉ thấy một tảng thế thôi. Không biết bề ngang hay dọc, nhưng tôi đo một bề là 2,2m, còn đâu đã bị cát vùi lấp. Cán bộ thôn và xã cũng đã nhiều lần ra lặn xuống để tìm hiểu”, ông Bình kể.

Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân và tiến hành kiểm tra thực tế, ngày 22/2, UBND xã Xuân Hòa đã có báo cáo gửi UBND huyện Thọ Xuân. Theo báo cáo, hiện nay, nằm giữa lòng sông Chu tại khu vực giáp ranh giữa xã Thọ Lập và xã Xuân Hòa, có một khối lớn nằm trong nước, cách mặt nước gần 2m, chiều rộng 2,2m. Theo dân gian có thể đây là dấu tích của ngôi mộ cổ (có thể là của Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần).

Ông Nguyễn Văn Bình chỉ vị trí vật thể nằm dưới lòng sông
Ông Nguyễn Văn Bình chỉ vị trí vật thể nằm dưới lòng sông

Ông Lê Văn Định, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Hiện tại chưa biết cụ thể như thế nào cả. Tại xã chúng tôi có đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Trần từ rất lâu và cũng mất từ lâu rồi. Bây giờ do nhân dân phục dựng lại, cuối năm 2014, đầu năm 2015, địa phương mới sưu tầm các tư liệu và các thứ có liên quan đến đền. Sau đó, các ngành chức năng có hồ sơ đề nghị UBND tỉnh kiểm tra và công nhận di tích”.

Làm rõ tính chính xác và các dấu hiệu có di sản văn hóa dưới nước

Theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, ngày 23/2, sau khi nhận được báo cáo của xã Xuân Hòa về việc phát hiện một vật thể nằm dưới lòng sông Chu, có thể là mộ Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Đến ngày 2/3, lãnh đạo UBND huyện, Phòng Văn hóa Thông tin đã mời ông Lê Xuân Kỳ, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa và ông Hoàng Hùng, Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa, cùng lãnh đạo xã Xuân Hòa, làng Thượng Vôi tiến hành khảo sát thực tế khu vực nhân dân phản ánh.

Qua kiểm tra thực tế, tại vị trí giữa dòng sông Chu, khu vực làng Thượng Vôi, có một vật thể hình chữ nhật nằm dưới lòng sông, cách mặt nước khoảng 1,5m; rộng khoảng 2,2m, vì nước sâu nên chưa rõ được kích thước, chất liệu vật thể.

Vị trí phát hiện vật thể nằm cách di tích đền thờ Quốc thái mẫu Phạm Thị Ngọc Trần không xa
Vị trí phát hiện vật thể nằm cách di tích đền thờ Quốc thái mẫu Phạm Thị Ngọc Trần không xa

Theo tài liệu tại hội thảo của Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa, Hội đồng họ Lê Thanh Hóa, UBND xã Xuân Hòa, vào tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 10 (Kỷ Sửu - 1749), sông Lương liên tiếp lũ to mấy đợt, nước sông xoáy lở phần mộ Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần ở Thịnh Mỹ, quan tài nổi lên, trôi theo dòng nước, đến Vụng Hương, thuộc làng Hương Phấn, xã Thọ Hải, quan tài xoay ba vòng rồi trôi về Láng Động Thượng và nằm tại đây. Triều đình sai Tả sử quan Nguyễn Khâm Thận về hoàn táng linh cữu Phạm Thái hậu tại Láng Động Thượng, nay là làng Thượng Vôi và lập đền thờ gọi là Quốc thái mẫu linh từ.

Trên cơ sở tài liệu của Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa, Hội đồng họ Lê Thanh Hóa, UBND xã Xuân Hòa, lời kể của các cụ cao tuổi trong làng Thượng Vôi và các dấu tích còn lại, có thể vật thể nằm dưới lòng sông là mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần.

UBND huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo UBND xã Xuân Hòa tăng cường công tác bảo vệ, không cho các đối tượng lợi dụng việc phát hiện vật thể để tổ chức các hoạt động mê tín, dị đoan và phá hoại hiện vật. Đồng thời, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (VH-TT&DL).

Đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần tại làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa
Đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần tại làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa

Ngày 9/5, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Thọ Xuân chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức bảo vệ an toàn, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực có vật thể được phát hiện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa dưới mặt nước cho nhân dân địa phương, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng việc phát hiện vật thể nói trên để tổ chức các hoạt động mê tín, dị đoan, phá hoại địa điểm và các dấu hiệu có di sản văn hóa dưới lòng sông Chu tại khu vực thôn Thượng Vôi.

Ông Phạm Đăng Quyền cũng giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương, tổ chức kiểm tra, làm rõ tính chính xác của các thông tin trên về địa điểm và các dấu hiệu có di sản văn hóa dưới nước, thuộc khu vực lòng sông Chu, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hoá cho biết, Sở VH-TT&DL đã có công văn gửi Viện Khảo cổ học Việt Nam đề nghị viện cử đội ngũ các nhà khảo cổ dưới nước về Thanh Hoá để phối hợp cùng địa phương thực hiện việc nghiên cứu khối vật thể rắn nêu trên.

Còn theo ông Phạm Tuấn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hoá Thanh Hoá khẳng định: Đơn vị đã phối hợp cùng UBND huyện Thọ Xuân kiểm tra thực tế. Hiện chưa thể khẳng định đây có phải là lăng mộ của Quốc Thái mẫu Phạm Thị Ngọc Trần hay không. Đơn vị đã lấy hai mẩu nhỏ từ khối vật thể để kiểm tra, bước đầu có thể xác định đây là loại chất liệu thường được Cục bách tác thời Phong kiến dùng để đúc các lăng mộ, quách để chôn cất, an táng thi hài vua, chúa, quan lại triều đình.

Người dân và chính quyền địa phương mong muốn các ngành chức năng sớm làm rõ vật thể dưới lòng sông Chu
Người dân và chính quyền địa phương mong muốn các ngành chức năng sớm làm rõ vật thể dưới lòng sông Chu

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, người dân và chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xác minh và làm rõ vật thể được phát hiện dưới lòng sông Chu. Do thời tiết sắp đến mùa mưa bão, địa phương rất lo lắng cho công tác bảo vệ khối vật thể này.

Việc khẳng định đây có phải là lăng mộ của Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần hay không phải căn cứ vào các nghiên cứu, khảo cổ học để xác định. Tuy nhiên, người dân cũng như chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan chức năng sớm tiến hành khảo sát, đưa khối vật thể rắn này vào đất liền để phục vụ việc nghiên cứu.

Duy Tuyên