Bao giờ phim tài liệu Việt mới hết loay hoay tìm đất sống”?

(Dân trí) - Đó là câu hỏi mà rất nhiều nhà làm phim Việt đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa tìm được lời giải thoả đáng.

"Gây sốt" nhưng vẫn đếm trên đầu ngón tay

Vào năm 1987, hai bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy đã gây nên tình trạng “sốt” vé chưa từng có ở một số rạp chiếu. Tuy nhiên, “tia sáng” đó “loé” lên khá ngắn ngủi rồi chìm tắt một thời gian dài.

Nhiều năm trở lại đây, không ít nhà làm phim đã ấp ủ “giấc mộng” làm được những bộ phim tài liệu có thể hút khách đến rạp không thua kém gì phim điện ảnh. Và “giấc mộng” đó đã được hiện thực hoá khi bộ phim “Chuyến đi của chị Phụng” ra rạp năm 2015 tạo nên một sự bứt phá ngoạn mục khi những suất chiếu ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng luôn kín đặc khán giả. Lúc đầu nhà phát hành chỉ có ý định bán 3.500 vé vì sợ không ai xem nhưng sau đó đã tăng lên 5.000 vé để đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả.

Phim tài liệu về chú lính chì Thiện Nhân từng gây sốt khi ra rạp vào năm 2015. Ảnh: TL.
Phim tài liệu về "chú lính chì" Thiện Nhân từng gây sốt khi ra rạp vào năm 2015. Ảnh: TL.

Tương tự, bộ phim tài liệu “Lửa Thiện nhân” của đạo diễn - nhà báo Đặng Hồng Giang cũng tạo nên “cơn sốt không hề nhẹ” khi được công chiếu vào trung tuần tháng 11/2015. Từ hiệu ứng của bộ phim này mà đạo diễn Đặng Hồng Giang đã tiếp tục cho ra mắt chùm phim tài liệu “Đáng sống”, gây nhiều xúc động cho người xem và được lan toả khá rộng rãi trên mạng xã hội.

Và mới đây, bộ phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua” (đạo diễn Đặng Linh - Hồng Thăng) kể về ban nhạc Bức Tường và ca sỹ Trần Lập lại tiếp tục thắp thêm “ngọn lửa hy vọng” cho việc đưa phim tài liệu ra chiếu rạp. Theo đại diện của Trung tâm chiếu phim quốc gia thì toàn bộ vé của ngày công chiếu đầu tiên đã được mua hết sạch trước đó cả tuần. Đây cũng là lần đầu tiên Hãng phim Tài liệu - Khoa học đưa một bộ phim tài liệu ra rạp kể từ khi hai bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ công chiếu.

Phim tài liệu vẫn loay hoay tìm "đất sống"!

Thực tế, câu chuyện dài về việc đưa phim tài liệu ra chiếu rạp cho đến nay vẫn đang còn tồn tại nhiều câu hỏi. Bởi dù đã có những bộ phim tài liệu tạo nên “cơn sốt” ngay khi công chiếu nhưng so với phim điện ảnh, “cơn sốt” đó vẫn chỉ là “ngọn lửa le lói”. Bên cạnh đó, số lượng nhà sản xuất dám đầu tư làm được những bộ phim tài liệu chiếu rạp vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài ra, đầu ra cho các bộ phim tài liệu vẫn là vấn đề vô cùng nan giải.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang từng chia sẻ, làm phim tài liệu vốn khó khăn, vất vả, mà đưa phim ra rạp lại càng gian nan hơn. Cá nhân anh không ngừng nỗ lực với mong muốn thúc đẩy làn sóng làm phim tài liệu theo hướng hiện thực, hiện đại nhằm thay đổi quan niệm của khán giả về phim tài liệu. Tuy nhiên, bài toán về đầu tư sản xuất lẫn đầu ra của phim tài liệu vẫn luôn khiến các nhà sản xuất “đau đầu nhức óc” mỗi khi bắt tay làm một bộ phim.

Chuyện ngày hôm qua dù gây sốt nhưng vẫn chỉ là bước thăm dò của Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương. Ảnh: TL.
"Chuyện ngày hôm qua" dù gây "sốt" nhưng vẫn chỉ là bước thăm dò của Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương. Ảnh: TL.

TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam chia sẻ trong buổi ra mắt phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua” tại Hà Nội rằng, việc Hãng phim Tài liệu - Khoa học đưa một bộ phim tài liệu ra rạp là một câu chuyện không hề đơn giản. Chắc chắn là phía sau đó có rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan hy vọng sẽ đến một lúc nào đó, phim tài liệu ra rạp không thua kém gì phim điện ảnh về độ quan tâm của khán giả lẫn doanh thu.

“Không phải hôm nay chúng tôi mới mong muốn điều này mà chúng tôi từng khích lệ anh em làm những bộ phim tài liệu chiếu được ở rạp. Bởi vì trên thế giới, cũng đã có nhiều bộ phim tài liệu gây sốt rồi. Đến hôm nay, ở Việt Nam điều đó mới dần dần thành hiện thực. May mắn là các bộ phim tài liệu gần đây cũng được khán giả quan tâm. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng cho chúng tôi biết là vé của suất chiếu đầu tiên phim “Chuyện của ngày hôm qua” đã được đặt mua hết. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng”, bà Lan chia sẻ.

Ông Trịnh Quang Tùng, Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu - Khoa học cho biết, việc phát hành “Chuyện ngày hôm qua” ra rạp là bước đi đầu tiên của Hãng mang tính thử nghiệm và thăm dò thị trường để tìm lối đi mới cho phim tài liệu. Bản thân những người quyết định đầu tư cho bộ phim vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn điều gì về sự thành công của bộ phim mà chỉ dám dừng ở sự “hy vọng”.

Và trong khi Việt Nam đang phải “mon men” tìm đất “sống” cho phim tài liệu ở các rạp chiếu thì trên thế giới đã có nhiều bộ phim tài liệu trở thành những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại. Năm 2015, phim tài liệu “Amy”, bộ phim về ca sĩ Amy Winehouse đã trở thành phim tài liệu của Anh ăn khách nhất mọi thời đại khi công chiếu, đạt doanh thu phòng vé hơn 3 triệu bảng Anh (gần 90 tỷ đồng). Tương tự, phim tài liệu “One Direction: This Is Us” đã thu về doanh thu 31,4 triệu USD trên toàn thế giới; bộ phim “My Love, Don’t Cross That River” kể về cuộc sống lãng mạn có thực của vợ chồng ông Jo Byeong Man (98 tuổi) và bà Kang Gye Yeol (89 tuổi) cũng trở thành hiện tượng điện ảnh vào cuối năm 2014 tại Hàn Quốc. Chỉ trong tuần đầu công chiếu, bộ phim đã thu về 4,6 triệu USD, đứng đầu doanh thu phòng vé xứ Hàn.

NSND Nguyễn Như Vũ lý giải, khán giả xem phim ngoài rạp chủ yếu độ tuổi từ 15-25, không phải ai cũng thích xem phim tài liệu. Cộng thêm thói quen ra rạp xem phim tài liệu của khán giả lâu nay vẫn ì trệ, các rạp chiếu phim e ngại. Cùng đó, phim tài liệu ở Việt Nam muốn ra rạp phải biết chọn đề tài, đối tượng và thời điểm. “Phim Chuyện ngày hôm qua ra rạp đúng dịp tròn 1 năm ngày mất của Trần Lập, nên nhận được sự quan tâm, còn phim hay chỉ là một phần thôi”, NSND Nguyễn Như Vũ chia sẻ.

Trong khi đó, NSND Đào Trọng Khánh phân tích, phim tài liệu Việt chưa thực sự hấp dẫn người xem, thiếu tư tưởng, sự đột phá mới mẻ. Lứa đạo diễn làm phim chất lượng và chuyên nghiệp hiện nay không nhiều. Còn những phim có tính chất nghệ thuật, đạt giải nhưng khoác mác tuyên truyền nên khó ra rạp thương mại.

Có lẽ bởi vậy, cho đến giờ, phim tài liệu vẫn phải loay hoay tìm “đất sống”!

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm