Tổng thống Obama: Phán quyết về Biển Đông có tính ràng buộc
(Dân trí) - Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Lào, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo rằng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về “đường chín đoạn” ở Biển Đông có tính “ràng buộc” và Trung Quốc không thể phớt lờ.
Phán quyết Biển Đông có tính ràng buộc
Phát biểu trong ngày họp cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Viêng Chăn (Lào), Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Phán quyết của tòa trọng tài hồi tháng 7 có tính ràng buộc, giúp làm rõ các quyền hàng hải ở khu vực. Tôi hy vọng có thể thảo luận về các biện pháp để chúng ta phối hợp hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy ngoại giao và ổn định”.
Bình luận của ông Obama được cho là nhằm vào Trung Quốc bởi đến nay nước này vẫn ngang ngược không công nhận phán quyết của tòa trọng tài và tiếp tục các hành động khiêu khích trên Biển Đông. Phán quyết nói rằng, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Cảnh báo của ông Obama có thể sẽ kéo theo phản ứng gay gắt từ Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh nhiều lần lớn tiếng yêu cầu Mỹ đứng ngoài vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Về phần mình, ngay trước chuyến công du Lào, ông Obama đã kêu gọi Trung Quốc tránh những hành động phô diễn sức mạnh và cần hành xử có trách nhiệm hơn trong tranh chấp với các nước khác trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Washington sẽ có những biện pháp cứng rắn nếu Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế trên bất kỳ lĩnh vực nào.
ASEAN “quan ngại sâu sắc” về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Một tàu tuần duyên của Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ở Lào hôm nay 8/9 đã đưa ra dự thảo tuyên bố chung bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Tuyên bố nhấn mạnh, ASEAN và các đối tác tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
“Một số nhà lãnh đạo vẫn còn quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây ở Biển Đông… Các hành động cải tạo đất, gia tăng các hoạt động trong khu vực đã ảnh hưởng đến sự tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo các điều luật quốc tế được thế giới công nhận”, dự thảo tuyên bố chung nêu rõ.
Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung không đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài. Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, Trung Quốc đã tìm cách ngăn sử dụng các từ như “hành động gần đây”, “quan ngại sâu sắc”, “cải tạo đất” và “mất niềm tin” và “cần tôn trọng các thủ tục pháp lý”, nhưng cuối cùng các từ khóa này vẫn xuất hiện trong dự thảo tuyên bố chung.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Philippines công bố các ảnh làm bằng chứng cho thấy Trung Quốc điều các tàu, sà lan tới quanh bãi cạn Scarborough - hành động mà Manila lo ngại rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho quá trình xây dựng đảo nhân tạo trái phép.
Giới chuyên gia an ninh cảnh báo, nếu Trung Quốc thực sự xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborugh, nó có thể kéo theo một cuộc xung đột quân sự. Scarborough của Philippines bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 2012.
Minh Phương
Theo AFP, NYTimes