1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Australia gợi ý ASEAN lấy phán quyết Biển Đông làm nền tảng cho COC

(Dân trí) - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên sử dụng phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là cơ sở cho một bộ quy tắc ứng cử, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 16/3 đề xuất.


Ngoại trưởng Australia Julie Bishop (Ảnh: alchetron)

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop (Ảnh: alchetron)

Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Bishop hôm nay nhấn mạnh rằng dù Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng nước này mong muốn tình hình giảm căng thẳng, đồng thời tái khẳng định lập trường phản đối sự quân sự hóa của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo trong khu vực.

Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đàm phán trong gần 15 năm qua về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm trách xung đột giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng biển này.

“Do tòa trọng tài đã đưa ra một số gợi ý và kết quả rất rõ ràng nên đó có thể tạo thành cơ sở cho bộ quy tắc ứng xử”, bà Bishop nói tại một diễn đàn hôm nay.

“Có một loạt cuộc thảo luận nhằm chốt bộ khung với Trung Quốc trong năm nay. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN và Philippines hãy tiếp tục và đi đến thống nhất về một bộ quy tắc ứng xử sớm nhất có thể", bà nói thêm.

Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về các yêu sách chủ quyền quá đáng ở Biển Đông vào năm 2013. Sau hơn 3 năm thụ lý vụ kiện, Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại La Hay, Hà Lan ngày 12/7/2016 đã bác yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Bishop cũng cho rằng ASEAN nên “nhận ra sức mạnh mà khối có được khi có chung một quan điểm và không nên có bước lùi nếu khối tin rằng lập trường đang theo đuổi phục vụ lợi ích của mình và không được lùi bước vì bất kỳ lo ngại nào về những điều có thể xảy ra”.

Các tuyên bố lo ngại của ASEAN thường tránh đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, phần lớn là để tránh “làm phật lòng” Bắc Kinh.

An Bình