Những câu hỏi quanh cái chết của ông Kim Jong-nam
(Dân trí) - Năm ngày sau cái chết đột ngột của ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, 3 nghi phạm đã bị bắt giữ nhưng vẫn còn quá nhiều uẩn khúc chưa có lời giải đáp.
Ông Kim Jong-nam bị sát hại như thế nào?
Theo truyền thông Malaysia, ông Kim Jong-nam bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi đang xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay đi Macao. Báo The Star dẫn nguồn tin cảnh sát nói rằng, ông Kim Jong-nam bị một phụ nữ tiếp cận từ phía sau và bịt miệng, trong khi một phụ nữ khác xịt một dung dịch vào mặt ông. Hai người phụ nữ này được cho là đã lên taxi rời hiện trường ngay sau đó.
Hung khí nào sử dụng cho vụ tấn công?
Hiện chưa rõ loại hung khí nào được sử dụng trong vụ sát hại ông Kim Jong-nam. (Ảnh minh họa: Korea Heral)
Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ phía cơ quan điều tra về hung khí sử dụng trong vụ tấn công ông Kim Jong-nam sáng 13/2. Một số nguồn tin ban đầu nói rằng, đó có thể là một loại kim tẩm độc, song các thông tin sau đó thì cho rằng đó có thể là một bình xịt chứa chất kịch độc
Về chất độc dùng để sát hại ông Kim Jong-nam, nhiều giả thuyết cũng được đưa ra, song một quan chức cảnh sát Malaysia khẳng định đây là loại thậm chí độc hại hơn của xy-a-nua.
Trang mạng Malaysia Online dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết, tuy chưa có kết quả khám nghiệm tử thi nhưng chuyên gia cho rằng ông Kim Jong-nam có thể bị nhiễm độc bởi chất ricin hoặc totrodotoksinom. Cảnh sát Malaysia được cho là đã tìm thấy một chất độc có độc tính cao nhưng chưa thể xác định tên trong vật dụng của một trong số các nghi phạm.
Tại sao ở Malaysia?
Lực lượng an ninh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. (Ảnh: Star)
Những năm gần đây, ông Kim Jong-nam được cho là thường xuyên xuất hiện ở Kuala Lumpur mặc dù ông định cư ở Macao, nơi ông và gia đình được sự bảo vệ của chính quyền Trung Quốc.
Được cho là vì sự an nguy của bản thân, ngoại trừ ở Macao, ông Kim Jong-nam luôn có vệ sĩ đi cùng khi ra nước ngoài. Alex Hwang, chủ nhà hàng Hàn Quốc mà ông Kim Jong-nam thường qua lại, ông Kim Jong-nam những ngày gần đây có mặt ở Malaysia vì vướng một số công việc hoặc để nhờ sự giúp đỡ về tài chính của những người cộng sự.
Nghi phạm bị bắt như thế nào?
Cảnh sát bắt nữ nghi phạm thứ 2 trong vụ ông Kim Jong-nam đột tử. (Ảnh: Star.)
Đến nay, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 3 nghi phạm bị cho là có liên quan đến cái chết của ông Kim Jong-nam. Nữ nghi can đầu tiên bị bắt khi một mình quay trở lại sân bay Kuala Lumpur một ngày sau cái chết của ông Kim Jong-nam.
Đến ngày 15/2, cảnh sát tiếp tục bắt giữ nam nghi can Muhammad Farid Jalaluddin, 26 tuổi, người Malaysia. Qua lời khai của Jalaluddin, rạng sáng 16/2, cảnh sát đã đột kích một khách sạn ở Ampang và bắt giữ nghi phạm thứ ba là Siti Aishah (hay Siti Aisyah). Theo thông tin hộ chiếu thu giữ được, nghi can này được xác định là công dân Indonesia, sinh ngày 11/2/1992.
Nghi phạm khai gì?
Thân thế của nữ nghi can thứ hai vẫn còn nhiều uẩn khúc. (Ảnh: Star)
Tại cơ quan điều tra, cả hai nữ nghi phạm đều khai rằng họ là nạn nhân của một vụ lừa đảo và nghĩ rằng vụ tấn công chỉ là “trò đùa”. Nữ nghi can Siti Aishah khai rằng, cô được trả 100 USD để đóng cảnh vụ tấn công ông Kim Jong-nam. Nghi phạm nói rằng, cô nhận lời vì đang cần tiền và vì cho rằng đây là một cảnh quay trong phim truyền hình thực tế. Siti Aishah nói cô không hề quen biết ông Kim Jong-nam trước đó.
Điều gì xảy ra với gia đình ông Kim Jong-nam?
Kim Han Sol, con trai cả của ông Kim Jong Nam. Ảnh: Getty)
Những người thân của ông Kim Jong-nam đã được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát tại Macao sau cái chết bất thường của ông tại Malaysia, các nguồn tin xác nhận. Ông Wong Sio Chak, lãnh đạo an ninh tại Macao, nói trong một tuyên bố ngày 17/2 rằng ông sẽ không tiết lộ các chi tiết liên quan tới vụ việc cũng như các biện pháp an ninh cụ thể đang được thực hiện nhằm bảo vệ người thân của ông Kim Jong-nam, vốn đang lo sợ về sự an toàn của họ, nhưng cho biết rằng giới chức đang bám sát diễn biến của vụ việc.
Trong một diễn biến liên quan, người vợ thứ hai của ông Kim Jong-nam được cho là đã nhờ đến sự hỗ trợ của Đại sứ quán Trung Quốc để đề nghị phía Malaysia bàn giao thi thể chồng. Tuy nhiên, giới chức Malaysia tuyên bố sẽ chỉ bàn giao thi thể khi gia đình gửi mẫu ADN để xác nhận.
Minh Phương
The o BBC, Washington Post