1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hillary Clinton sẽ mạnh tay với Trung Quốc nếu đắc cử

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng nếu đắc cử tổng thống, bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách "xoay trục" của người tiền nhiệm và thậm chí có thể còn có lập trường cứng rắn hơn nhằm đáp trả sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông


Bà Clinton ủng hộ chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Obama (Ảnh: Slate)

Bà Clinton ủng hộ chính sách "xoay trục" sang châu Á của Tổng thống Obama (Ảnh: Slate)

Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng đang trở thành một trong những bên đóng vai trò quan tại vùng biển rộng 3,5 triệu km2, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng trái phép các cơ sở quân sự và giành các lợi ích kinh tế, bất chấp sự phản đối của các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Giới chức Trung Quốc đã lo ngại trong 5 năm qua khi Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, duy trì vị thế của Mỹ trong khu vực, và có thể họ đã đúng. Họ thậm chí sẽ còn lo lắng hơn nếu ứng viên tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân chủ đắc cử tổng thống vào cuối năm nay và nhậm chức vào tháng 1 năm sau. Các nhà phân tích về chính sách châu Á của Mỹ nhận định rằng bà Clinton, người đảm nhận vị trí Ngoại trưởng Mỹ từ 2009-2013, ít nhất sẽ mở rộng chính sách của người tiền nhiệm ở Biển Đông và có thể còn có lập trường cứng rắn hơn.

“Nếu đắc cử, Clinton có thể là “Obama +” ở Biển Đông, và thậm chí còn cứng rắn hơn”, Forbes dẫn nhận định của Sean King, phó chủ tịch công ty tư vấn Park Strategies tại New York. “Bắc Kinh lo sợ khi nghĩ tới bà Clinton ở Nhà Trắng”.

Một nước Mỹ do bà Clinton lãnh đạo được dự đoán là sẽ không khơi mào một cuộc chiến thực sự vì tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên biển hay các hòn đảo nhỏ ở Biển Đông. Thay vào đó, Mỹ sẽ thúc đẩy mục tiêu của Tổng thống Obama nhằm duy trì tự do hàng hải ở vùng biển này và tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia Đông Nam Á vốn lo ngại về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc. Một chính quyền do bà Clinton đứng đầu có thể sẽ đi xa hơn bằng cách đối phó với Trung Quốc thông qua các thỏa thuận hay các tổ chức quốc tế mà hai nước cùng tham gia. Washington cũng có thể thắt chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực.

“Kinh nghiệm của bà cho thấy sẽ có một cách thức đối phó cứng rắn hơn của Mỹ”, ông Ben Reilly, Hiệu trưởng trường chính sách công và các vấn đề quốc tế tại Đại học Murdock ở Úc, nhận định. “Mỹ sẽ không lâm vào chiến tranh vì các đảo và bãi đá ngầm, mà thay vào đó sẽ khiến Trung Quốc bị tổn thất nhiều hơn khi tham gia các tổ chức quốc tế và các vấn đề toàn cầu nói chung”.

Bà Clinton đảm nhận cương vị Ngoại trưởng khi Tổng thống Obama công bố chính sách “tái cân bằng” sang châu Á, trong đó có yếu tố quân sự. Bà Clinton đã tuyên bố ủng hộ lấy luật pháp quốc tế là cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong một cuộc họp của các ngoại trưởng tại Hà Nội vào năm 2010, trong một thông điệp rõ ràng gửi tới Trung Quốc, nước đang đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông.

“Trung Quốc lo ngại về thái độ của bà Clinton đối với họ”, Alan Romberg, giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu chính sách của Mỹ, nói. “Họ biết bà ấy là người nhiều kinh nghiệm và sẽ dễ đoán hơn nhiều so với Donald Trump. Vì thế, họ sẽ không bất ngờ khi bà ấy chiến thắng”.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm