1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Căng thẳng Biển Đông phủ bóng Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Lào

(Dân trí) - Ngoại trưởng các quốc gia thành viên ASEAN sẽ nhóm họp vào ngày 24/7 tại thủ đô Viêng Chăn của Lào cùng những người đồng cấp Mỹ và Trung Quốc. Sự kiện có thể chứng kiến bầu không khí căng thẳng giữa các bên liên quan tới vấn đề Biển Đông, đặc biệt là sau khi tòa trọng tài bác "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.


Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN chuẩn bị diễn ra ở Lào. (Ảnh: AFP)

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN chuẩn bị diễn ra ở Lào. (Ảnh: AFP)

Đây là hội nghị cấp khu vực đầu tiên kể từ khi Tòa trọng tài thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại phần lớn khu vực ở Biển Đông và các hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh tại vùng biển này. Phán quyết được đánh giá là một phán quyết có lợi cho các quốc gia trong khu vực như Philippines, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Brunei, những nước cũng có tuyên bố chủ quyền ở các khu vực tại Biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc đã lớn tiếng bác bỏ phán quyết của tòa, đồng ngang ngược tuyên bố sẽ không thay đổi chiến lược ở Biển Đông. Tuần này, Trung Quốc thông báo bắt đầu điều máy bay ném bom tầm xa tới tuần tra định kỳ ở các khu vực trên Biển Đông, và cho biết thêm rằng máy bay của nước này đã bay tuần tra gần bãi cạn Scarborough, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Philippines. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng ngang ngược tuyên bố không dừng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Với bối cảnh hiện nay, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN được dự báo sẽ có những buổi họp căng thẳng. Kể từ sau khi tòa trọng tài ra phán quyết, 10 thành viên ASEAN và cả Mỹ, nước thường xuyên có những hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vẫn phản ứng rất thận trọng. Những nước này chỉ đưa ra tuyên bố có chừng mực, kêu gọi sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Do vậy, chương trình nghị sự ở Lào, quốc gia chủ nhà của nhiều cuộc họp của ASEAN trong năm nay, sẽ phức tạp hơn thông thường.

ASEAN được cho là đang bị chia rẽ vì vấn đề Biển Đông, trong khi Campuchia bị cho là đang tìm cách ngăn cản các nước đạt được sự đồng thuận về một tuyên bố của khối, các nước khác lại lo ngại một tuyên bố chung về phán quyết của tòa sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Khi Campuchia tổ chức các hội nghị của ASEAN vào năm 2012, Trung Quốc đã vận động hành lang nhằm tránh đề cập tới tranh chấp Biển Đông trong tuyên bố chung. Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, hội nghị ngoại trưởng ASEAN năm đó đã không ra được tuyên bố chung nào. Hiện chưa rõ liệu Lào, quốc gia có biên giới với Trung Quốc và tiếp nhận nhiều khoản đầu tư lớn từ quốc gia láng giềng trong những năm qua, có "lái" chương trình nghị sự của hội nghị sắp tới theo hướng tránh vấn đề "gai góc" với Trung Quốc hay không.

Các nhà ngoại giao trong khu vực cho rằng Trung Quốc đang vận động nhiều quốc gia để tránh đưa ra các tuyên bố chính thức đề cập tới phán quyết của tòa hay việc phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao này cũng cho biết một số nước đang thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề này.

Ông I. Derry Aman, Vụ trưởng Vụ Hợp tác liên khu vực của Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết Jakarta sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN sắp tới và sẽ bao gồm việc đề cập tới tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này trong tuyên bố chung sau hội nghị. Ông Aman nói: "Đây là một cuộc thương lượng nên vấn đề chính là chúng tôi phải nhắc tới điều gì đó về vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung". Ngoài ra, nhắc tới sự kiện tại Campuchia hồi năm 2012, ông lưu ý: "Chúng ta cần tránh rơi vào tình trạng như thế một lần nữa".


Tòa trọng tài quốc tế đã bác đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, và lên án các hoạt động cải tạo, đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông. (Ảnh: AFP)

Tòa trọng tài quốc tế đã bác đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, và lên án các hoạt động cải tạo, đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông. (Ảnh: AFP)

Trung Quốc không đóng vai trò chính thức nào tại các cuộc hội đàm đầu tiên của ASEAN vào cuối tuần này, song trong sáng 25/7, đại diện của Trung Quốc sẽ có cuộc gặp chung với đại diện của ASEAN cũng như đại diện của Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác. Ngày 26/7, Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia khác dự kiến cùng ASEAN tiến hành Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN gồm 27 thành viên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tham dự các cuộc gặp này - và sau đó sẽ bay tới Manila để gặp Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte.

Một nguồn thạo tin cho biết các nhà ngoại giao trong khối đang đặt nhiều hy vọng vào hội nghị ngoại trưởng sắp tới ở Lào, bao gồm mộ tuyên bố "bất ngờ" về tình hình địa chính trị khu vực hậu phán quyết của tòa. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong khu vực lại tỏ ra hoài nghi về khả năng ra được tuyên bố chung.

Ngọc Anh

Theo WSJ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm