1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bước đi khôn ngoan của Donald Trump?

Chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 được xem là kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ và nó đang ngày càng hấp dẫn, đặc biệt với sự xuất hiện của ứng viên “nổi loạn” thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump.

Ngày 27-4, ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng này lại tiếp tục gây sốc khi cam kết sẽ tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga và Trung Quốc nếu ông được bầu làm Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Trong một bài phát biểu được dư luận đặc biệt quan tâm, tỷ phú Trump đã chỉ trích chính sách đối ngoại của đương kim Tổng thống Barack Obama, cho rằng vị tổng thống của đảng Dân chủ này đã để Trung Quốc lấn át Mỹ quá nhiều và thất bại trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.

Ông Trump cam kết sẽ “chấn chỉnh sự sa sút về chính sách đối ngoại” của Mỹ trong thời gian qua, đồng thời cũng cam kết sẽ theo đuổi chính sách “nước Mỹ là số một” nếu đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Giới phân tích đánh giá đây là một bước đi khôn ngoan của ứng cử viên Trump vì các quan hệ của Washington với Mátxcơva và Bắc Kinh là những chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và cử tri Mỹ. Trên thực tế, quan hệ Washington - Mátxcơva đã xấu đi dưới thời Tổng thống Obama liên quan tới một loạt vấn đề, trong đó có sự hậu thuẫn của Nga dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Donald Trump phát biểu tại một buổi vận động tranh cử. Ảnh: AP.
Ông Donald Trump phát biểu tại một buổi vận động tranh cử. Ảnh: AP.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ sử dụng “đòn bẩy kinh tế của Mỹ” nhằm thuyết phục Trung Quốc kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên. Tỷ phú Trump cũng cho biết, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ khiến các đồng minh của Mỹ phải gánh vác trách nhiệm tài chính lớn hơn đối với việc bảo đảm an ninh của họ.

Trong bài phát biểu, ông Trump khẳng định sẽ tiến hành các hội nghị thượng đỉnh riêng rẽ với NATO và các đồng minh châu Á để thảo luận về việc “tái cân bằng” cam kết tài chính của Mỹ đối với việc bảo vệ các đồng minh. Theo ông, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương xứng.

Đây không phải là lần đầu tiên ứng cử viên Trump có những phát biểu gây sốc. Là một ông vua truyền thông, Donald Trump thừa hiểu và biết cách khai thác guồng máy tạo tin tức trong kỷ nguyên internet.

Vốn là người nhiều năm xuất hiện liên tiếp trên mặt các báo “lá cải” tại New York, ông Trump hiểu rõ sức mạnh của các câu chuyện như vậy, nhất là những việc khiến người nghe bị sốc và bị cuốn hút. Và chính việc có mặt thường xuyên trên các trang mạng không chính thống đã khiến ông khác hẳn với hầu hết các ứng viên tranh cử khác.

Thậm chí, Erick Erickson, cựu Tổng biên tập website RedState đã nhận xét ông Trump “như một cuốn tạp chí Enquirer (một tờ báo “lá cải” rất phổ biến tại các siêu thị Mỹ) biết đi và kể chuyện”.

Tỷ phú Donald Trumpcó bài phát biểu về quan điểm chính sách đối ngoại một ngày sau khi giành thắng lợi vang dội trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại 5 bang Bờ Đông. Với những chiến thắng quan trọng này, ông Trump đã có trong tay 77% trong tổng số 1.237 phiếu đại biểu cần có để được bầu chọn làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, kết quả này không quá khó đoán bởi ngay từ khi bắt đầu cuộc đua giành chiếc ghế cao nhất tại Nhà Trắng, tỷ phú Donald Trumpđã là một cái tên nổi bật. Với truyền thông, ông có một “sức hút” khó cưỡng. Sức hút không chỉ bởi những phát ngôn có phần “choáng váng”, mà từ chính Donald Trump- một cái tên làm nên thương hiệu.

Donald Trump là một doanh nhân và ngôi sao trong giới truyền thông Mỹ. Ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của The Trump Organization và là người sáng lập Trump Entertainment Resorts. Ông đã hai lần chạy đua cho chức Tổng thống Mỹ.

Chiến dịch tranh cử năm nay của ông thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông nhiều hơn tất cả các ứng viên đảng Cộng hòa khác gộp lại. Đặc biệt, với sức hút từ tên tuổi Donald Trump, truyền thông sẵn sàng “PR” miễn phí cho ông.

Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, đảng Cộng hòa xuất hiện một ứng cử viên khó kiểm soát như Donald Trump, một ứng cử viên có những phát ngôn đe dọa sẽ phá vỡ những giá trị mà đảng của những người bảo thủ lâu nay vẫn bảo vệ và tự hào. Vì vậy khá nhiều cử tri Mỹ không hài lòng, thậm chí Tổng thống Obama còn gọi những phát ngôn của ông Trump là "thảm họa".

Có ý kiến băn khoăn rằng, sau những phát ngôn gây sốc đó liệu chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ ra sao khi nước này có tổng thống mới, nhất là trong trường hợp người đắc cử biết đâu lại là tỷ phú Donald Trump. Liệu tân tổng thống có thay đổi hẳn đường lối đối ngoại của siêu cường số một thế giới như những gì đã tuyên bố hay không?

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, câu trả lời là “không”. Lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ cho thấy, các bản thông cáo về chính sách đối ngoại tuyệt vời nhất cũng chỉ là một phần của chiến dịch tranh cử. Sau khi đã vào được Nhà Trắng thì các chính trị gia thường thay đổi giọng điệu ôn hòa hơn.

Hơn thế nữa, chính sách an ninh-đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua có những nguyên tắc “bất di bất dịch”. Bất cứ người nào trở thành ông chủ Nhà Trắng cũng hiểu điều đó. Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Tuy rường cột của chính sách có thể không thay đổi, song “kỹ thuật, chiến thuật, kỹ xảo” thực thi chính sách thì khác nhau.

Chính sách an ninh-đối ngoại của Mỹ có thể mang dấu ấn của các đời tổng thống, nhưng không phải do cá nhân tổng thống quyết định hoàn toàn mà do cả một hệ thống các cơ quan chức năng của chính phủ Mỹ đảm nhiệm. Vì thế, theo nhận định của giới phân tích, không có cơ sở để khẳng định nếu nước Mỹ có tổng thống mới, đường lối đối ngoại của Mỹ sẽ có thay đổi quá lớn.

Theo Ngọc Thư

Quân đội nhân dân