1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Những thương vụ ngàn tỷ từ nước ngoài đổ vào ngành dược Việt Nam:

Bài 3: Phía sau những giao dịch của các “đại gia” ngành dược

(Dân trí) - Câu chuyện đầu tư quốc tế vào các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, xét về mặt thị trường, là tín hiệu đáng mừng. Bởi, xét cho cùng, người dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn. Danh sách các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ kéo dài hơn. Thế nhưng….

Người dân sẽ được hưởng lợi?

Hậu các thương vụ M&A, sự chuyển mình là điều mà các DN luôn trông đợi. Tuy nhiên, người dùng hưởng lợi gì từ những thương vụ này mới là điều đáng quan tâm.

Vinapharm đầu tư vào Sanofi để làm nhà máy mới, với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, theo mô hình công nghệ hiện đại, đạt năng suất tối đa 150 triệu hộp mỗi năm tại Khu Công Nghệ Cao TP.HCM. Đây không những là nhà máy sản xuất thuốc, mà nó còn là một trung tâm R&D để nghiên cứu, sản xuất những chế phẩm thuốc mới phù hợp với thị trường Việt Nam.

Tiết lộ từ Vinapharm, ở nhà máy cũng như trung tâm R&D này, nhân lực 99% là người Việt. Chắc chắn sẽ có lực lượng chuyển giao công nghệ cũng như hợp tác nghiên cứu để chính đội ngũ nhân lực Việt Nam có thể tìm ra những giải pháp chăm sóc y tế mới, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Dây chuyền sản xuất thuốc
Dây chuyền sản xuất thuốc

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn, mục tiêu của Chính phủ là cam kết đưa 90% người dân vào tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời, tăng cường toàn bộ hệ thống y tế, như là hệ thống mạng lưới khám chữa bệnh.

“Chiến lược của Bộ Y tế là sẽ mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm cho tuyến địa phương, từ các xã, phường… Những hợp tác mang tính quốc tế để nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm Việt Nam, xét về mặt xã hội sẽ có lợi cho người dân”, ông Phạm Lê Tuấn đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng tiết lộ, trong luật dược mới, sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2017, Chính phủ cũng như Bộ Y tế khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư để nâng cao năng lực DN trong nước. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay trong chiến lược phát triển ngành dược, Việt Nam đang rất chú trọng phát triển dược liệu, thuốc y học cổ truyền. Đó là thế mạnh của Việt Nam. Hợp tác quốc tế sẽ mang cho ngành nhiều lợi thế”.

Taisho vào Việt Nam thông qua DHG
Taisho vào Việt Nam thông qua DHG

Mối lo về thương hiệu Việt

Nếu như năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới bắt đầu chạm mốc trên 1 tỷ USD, thì năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A đã đạt mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã vượt con số 3 tỷ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản, dược phẩm…

Đánh giá tại Diễn đàn Mua bán và Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 tổ chức tuần qua, các chuyên gia trong ngành đều nhận định, năm 2015 - 2020 là thời điểm hội tụ nhiều yếu tố có thể làm thị trường M&A bùng nổ các thương vụ mới có quy mô lớn.

Ông John T Ditty, Phó Tổng Giám Đốc mạng lưới kiểm toán, tư vấn toàn cầu KPMG cho biết: Nhìn vào tình hình 10 năm qua và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, M&A mảng y tế ngày càng hấp dẫn. Ngành dược nói riêng và y tế nói chung, với những thương vụ M&A thời gian qua hứa hẹn chỉ là những mở đầu cho làn sóng mua bán, sát nhập thời gian tới.

Bài 3: Phía sau những giao dịch của các “đại gia” ngành dược - 3

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, làn sóng đầu tư qua các thương vụ M&A ngành hàng tiêu dùng nhanh những năm 90 đã là một bài học nhãn tiền. Nhiều thương hiệu quốc tế tiến hành M&A với thương hiệu lớn trong nước như P/S, Dạ Lan, Tribeco… để sử dụng hệ thống phân phối đã thiết lập lâu đời. Kết cục, những cái tên từng là niềm tự hào của doanh nghiệp Việt hậu M&A một thời gian dài trôi vào quên lãng…

Đối chiếu lại với mục đích lớn nhất trong sát nhập ngành dược là hệ thống phân phối, tuy chưa thực sự rõ ràng nhưng cũng không thể nói là khả năng mất thương hiệu hoàn toàn không xảy ra.

“Cần phải thấy rằng, số lượng vốn cổ phần sở hữu bởi nước ngoài trong các DN lớn tại Việt Nam như Dược Hậu Giang, hay ở trong ngành hàng tiêu dùng là Vinamilk… đều đang gia tăng. Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm sản xuất và kinh tế mới của khu vực, tiếp cận được nhiều cơ hội lớn hơn. Do đó, DN cần có những bước chuẩn bị tốt nhất, minh bạch và xây dựng năng lực quản trị cũng như năng lực cạnh tranh trong khu vực”, ông John T Ditty tư vấn.

Phương Quyên