Xe ôm “phượt” - Nghề của những người ưa xê dịch

Khi “phượt” trở thành một trào lưu trong giới trẻ, các dịch vụ phục vụ dân du lịch “bụi” như buôn bán đồ “phượt”, cà phê “phượt”… ngày càng nở rộ. Gần đây, dịch vụ xe ôm “phượt” đã xuất hiện và thu hút không ít sự quan tâm.

Vừa “phượt”, vừa có tiền

 

Nhận thấy trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tìm được một công việc ổn định không hề dễ dàng, nhất là với sinh viên mới ra trường, Giáp Văn Hải (22 tuổi, quê Bắc Giang) đã xây dựng một diễn đàn với mong muốn tạo việc làm thời vụ cho sinh viên.

 

Tại diễn đàn này, xuất hiện nhiều dịch vụ lạ: Xe ôm đi dạo, xe ôm hẹn hò… Song dành được nhiều sự quan tâm nhất là xe ôm “phượt”.

 

Hải cho biết, giới trẻ ngày càng chuộng du lịch bụi nhưng việc đăng ký tham gia vào một đoàn “phượt”, đôi khi không được thuận lợi bởi tình trạng “thừa ôm, thiếu xế”. Đặc biệt là với các đoàn “phượt” đã tạo thành nhóm nhỏ, ổn định thì chỉ khi thiếu họ mới dành suất cho “người ngoài”. Hiểu được nhu cầu của những người muốn “phượt” nhưng lại không có khả năng cầm lái xe máy, Hải đã “khai trương” một dịch vụ mới toanh mang tên: Xe ôm “phượt”.

 
Giáp Văn Hải đã từng kinh qua nhiều chuyến “phượt” với vai trò xe ôm kiêm hướng dẫn viên
Giáp Văn Hải đã từng kinh qua nhiều chuyến “phượt” với vai trò xe ôm kiêm hướng dẫn viên
 

Hải chia sẻ: “Mình đã từng thực hiện chuyến xuyên Việt một mình suốt gần một năm ròng, trải qua nhiều đầu việc để có kinh phí phục vụ chuyến đi, cũng am hiểu kha khá về các vùng miền mà mình từng đặt chân qua, đó là lý do mình tự tin có thể trở thành xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch cho những khách hàng sử dụng dịch vụ”.

 

Với các cuốc xe ôm bình thường, mức giá chung mà Hải đưa ra là 6.000 đồng/km, riêng với xe ôm “phượt”, giá sẽ tính theo gói, hai bên thỏa thuận theo quãng đường và thời gian của cuộc hành trình.

 

Lần đầu tiên Hải chạy xe ôm “phượt” là khi cậu đang ở Đà Lạt. Khách hàng hôm đó là 2 cô gái Hà Nội và một người Pháp. Họ đang có chuyến du lịch dài, sẽ còn đi thêm cả TP. HCM và miền Tây.

 

Dừng chân tại Đà Lạt, họ muốn “phượt” vòng quanh các địa điểm nổi tiếng ở “thành phố mộng mơ”. Chuyến đi ấy được định giá chỉ 100.000 đồng và địa điểm Hải tới đón khách là cổng Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

 

Hải kể: “Buổi đi chơi khá thú vị và vất vả, chúng mình dễ dàng đến những địa điểm đông khách tham quan song cũng phải dắt nhau băng xuyên qua rừng già, bước trên những hòn đá chênh vênh trên thác mới đến được nơi khởi nguồn của thác đó để ngắm đào tiên rừng, mía rừng. Khi về, trời còn đổ mưa, đường càng lúc càng trơn, mưa như tát vào mặt, chiếc xe của cô bạn kia còn bị ngã. Rất may, sau đó trời hửng nắng và chuyến đi đã kết thúc đẹp”.

 

Chuyến đi mà Hải được trả công cao nhất là lần đi Hà Giang, khi đó Hải mới trở về Hà Nội sau chuyến hành trình xuyên Việt. Vị khách lần này là một chị lớn tuổi, người Sài Gòn, muốn có xế dẫn đi cung Cao – Bắc – Lạng.

 

Khách sẽ lo tiền xăng xe, Hải lo việc ngủ nghỉ theo kiểu homestay cho cả hai. Thời gian cho chuyến đi ấy là 5 ngày, mỗi ngày cậu nhận được 250.000 đồng tiền công. Kết thúc chuyến đi, Hải “bỏ túi” hơn 1 triệu đồng.

 
Bùi Ngọc Đức đã có kinh nghiệm “phượt” dày dạn nên mới mạnh dạn nhận dịch vụ xe ôm “phượt”
Bùi Ngọc Đức đã có kinh nghiệm “phượt” dày dạn nên mới mạnh dạn nhận dịch vụ xe ôm “phượt”
 

Suýt “chết đói, chết rét” vì hết tiền

 

Thế nhưng không phải lần làm xe ôm “phượt” nào Hải cũng nhận được số tiền hậu hĩnh ấy. Có lần, Hải đã thực hiện chuyến đi không công, thậm chí, có lúc phải dùng đến tiền túi của mình. Đó lại là một chuyến đi Hà Giang, khách lần này là hai nữ sinh viên trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Hải rủ thêm một xe ôm khác cùng tham gia.

 

Khách hàng nói sẽ lo chi phí xăng xe và ăn ngủ dọc đường cho bốn người, còn nhiệm vụ của xe ôm là vẽ ra cung đường độc đáo và lịch trình thú vị nhất có thể, kiêm luôn hướng dẫn viên. Vì đã từng tham gia nhiều chuyến tình nguyện vùng cao, có quen biết với cán bộ địa phương nên Hải và nhóm của mình được dẫn đến rất nhiều làng văn hóa dân tộc độc đáo để tham quan.

 

Tuy nhiên, về cuối chuyến đi, rắc rối bắt đầu nảy sinh. Hải kể: “Lần trước, em gái thuê mình làm xe ôm từng theo đoàn “phượt” nào đó tham gia một chuyến đi ngắn ngày tại Mù Cang Chải, hết có hơn 500.000 đồng nên lần này em ấy chỉ mang đi 1 triệu đồng vì nghĩ rằng số tiền này cũng đủ.

 

Thực tế, ngay khi tới Đồng Văn, cung đường vẫn chưa hoàn thành thì số tiền ấy đã hết nhẵn, mình lấy thẻ ATM để rút thêm nhưng cây ATM ở đó lại hết tiền. Tối đó, chúng mình đã phải ngủ ở chợ Đồng Văn”.

 

Cũng may là khi đang “vạ vật” ở chợ Đồng Văn với cái bụng đói meo và cơ thể lạnh run thì có một người đàn ông ngồi gần đó ra bắt chuyện. Sau khi biết nhóm có thể đàn hát cho mọi người nghe, anh này đã đưa cả hội ra chỗ “giếng trời”, nơi có rất đông người tập trung.

 

Hải và những người bạn của mình vừa đàn ghita vừa hát, không khí trở nên rất rộn ràng, mấy người đó đã mời nhóm các món ăn đặc sản ở đây, đồng thời, còn cho mượn màn, chiếu và một bó củi để đêm ngủ không bị lạnh.

 

Trải nghiệm “phượt” với chi phí… 0 đồng

 

Nguyễn Văn Hiệp (trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) thì mới trải nghiệm công việc xe ôm “phượt” này được một lần. Dạo đó, sau khi đăng một “status” bâng quơ trên Facebook về việc sẵn sàng làm xe ôm cho bất kỳ ai đi “phượt”, với điều kiện “xế” được bao ăn, bao xăng, bao chỗ trọ.

 

Ai dè, liền đó có ngay một chàng trai điện thoại cho Hiệp hỏi về phí dịch vụ nếu thuê Hiệp làm “xe ôm” cho chuyến “phượt” cung đường Hà Nội – Y Tý – Lào Cai. “Hỏi ra mới biết, họ đi theo đoàn năm người nên bị dư một người và thiếu xe, thấy “status” của mình nên họ vội gọi điện hỏi luôn”, Hiệp chia sẻ.

 

Sau đó, Hiệp và đoàn “phượt” này đã có chuyến đi vui vẻ, đáng nhớ. Vì Hiệp đã quá quen thuộc với cung đường này nên ngoài việc làm “xế”, Hiệp còn kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên cho cả đoàn. Chuyến ấy, thay vì tự bỏ tiền túi như những cung trước từng đi, Hiệp được đoàn bao ăn bao ở trọn gói.

 

Vừa tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vốn cũng có máu xê dịch nên Bùi Ngọc Đức thông báo sẵn sàng làm xe ôm “phượt”. Sau khi topic đăng tải, đã có 5 vị khách hàng (cả nam và nữ) gọi cho Đức để hỏi rõ hơn về dịch vụ và ngỏ ý muốn Đức làm “xế” cho một “ôm” lẻ trong đoàn “phượt”. Điểm đến xa nhất mà khách gợi ý là Mộc Châu (Sơn La), gần hơn thì có Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội)….

 

Hiện nay, nhờ những bài đăng về dịch vụ trên diễn đàn và Facebook cá nhân, Giáp Văn Hải thỉnh thoảng vẫn nhận được các đơn hàng xe ôm "phượt" đến từ các vị khách Sài Gòn, tuy nhiên, quãng đường không xa, thường khách chỉ muốn chạy lòng vòng thăm thú và cảm nhận Hà Nội.

 

Hải chia sẻ, để công việc xe ôm "phượt" thuận lợi, trước khi lên đường, các ôm và xế nên có thỏa thuận kỹ càng về hành trình cũng như chi phí để tránh những hiểu lầm không đáng có.

 

"Trên tất cả, đây là công việc nắm bắt đúng xu hướng, rất thú vị và dạy cho những người tham gia nhiều kiến thức cũng như các bài học xử lý tình huống quý báu", Hải nói.

 

Theo Hồng Giang

Sinh viên Việt Nam

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm