Thế hệ Việt kiều thứ hai nhìn về phía trước
Đó là thế hệ Việt kiều sinh ra trên đất Mỹ, nhiều người trong số họ không biết tiếng Việt. Họ biết gì và nghĩ gì về quê hương Việt Nam?
Những người “kết nối” đất mẹ
Ở California có một nhóm Việt kiều trẻ tên gọi Viet Unity. Những ngày cuối tháng 2, nhóm này tổ chức một cuộc triển lãm về các pano cũ phản đối chiến tranh ở Việt Nam cách đây 30 năm.
Các thành viên của nhóm đã quyết tâm tổ chức cuộc triển lãm bất chấp những ý kiến phản đối và lời đe doạn của một số ít người Việt khác mà đa phần ở tuổi cha chú của họ.
Điều đáng nói là tất cả các thành viên trong nhóm đều không biết nói tiếng Việt, thế nhưng cái mà họ kể về lý do gắn kết họ với nhau và với đất nước Việt Nam thật xúc động. Một thành viên trong nhóm cho biết: "Chúng tôi có niềm tự hào dân tộc và chúng tôi đấu tranh chống lại sự kỳ thị tại đất nước này".
Cô gái với cái tên nửa Mỹ nửa Việt, Clair Trần, cha người Việt, mẹ người Mexico nói rằng cô nhận ra sự kỳ thị tại đất nước này bắt đầu từ khi bước chân vào đại học. Mặc dù vậy, cô vẫn thường xuyên tìm hiểu về nguồn gốc của mình, về đất nước nơi cha cô đã sinh ra. Ông rất tự hào là người Việt Nam.
Chính niềm tự hào đó đã giúp Clair Trần học tập và giờ đây cô đang cố gắng làm được những việc giúp cộng đồng người Việt số tốt hơn. Theo cô, sống tốt hơn có nghĩa là có tiếng nói nhiều hơn trong đất nước rộng lớn này.
Những người trẻ tuổi ấy có quan điểm độc lập. Họ ít chịu ảnh hưởng do suy nghĩ của nhiều thế hệ đi trước.
Tony Văn Nguyễn |
Tony Văn Nguyễn là một thành viên của nhóm Viet Unity. Anh cho rằng ở Mỹ, nhiều người lớn tuổi trong cộng đồng còn có tư tưởng bảo thủ. Họ vẫn còn giữ quan điểm của chế độ Sài Gòn trước năm 1975.
Theo Tony, thế hệ trẻ phải vượt lên lối mòn ấy, phải có suy nghĩ ít gây hại hơn mà cụ thể, chính họ phải là nhịp cầu nối giữa những người Việt tại Mỹ với đất mẹ.
Bán nhà về với quê hương
Tại thành phố San Francisco, chúng tôi gặp nhà doanh nghiệp trẻ Nguyễn Thế Lữ. Chúng tôi muốn được hẹn anh tại nhà riêng để xem một doanh nhân người Việt sống ở Mỹ ra sao. Điều ngạc nhiên là anh đã từ chối. Không phải vì anh không muốn tiếp tại nhà mà đơn giải vì anh... không có căn nhà nào để tiếp khách. Anh đã bán toàn bộ nhà cửa và tài sản của mình tại Mỹ để quyết định về Việt Nam.
Thế Lữ kể, anh sang Mỹ năm 1975 khi mới 11 tuổi, anh đã có ý định quên mình là người Việt Nam, bằng mọi cách để giao lưu với người Mỹ và chỉ nói tiếng Mỹ. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong một đêm.
"Cái đêm ấy cách đây 13 năm, khi ông cụ thân sinh của tôi mất ở bệnh viện. Bệnh viện đông kín người Việt đến giúp đỡ và chia sẽ với gia đình tôi. Tôi nhận ra rằng đây chính là tình cảm con người với con người, tình cảm của những con người trong một dân tộc mà tôi đã từng chối bỏ", Lữ nghẹn ngào.
Thế hệ thanh niên Việt kiều, những người có độ lùi sau 30 năm đã nhìn đất nước khách quan hơn. Thế hệ đi trước còn đó những người bảo thủ, định kiến thì phần lớn trong số họ lại có suy nghĩ khác, tích cực hơn.
Theo Doanh nhân Sài Gòn