1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dự án BT đổi đất lấy hạ tầng: Kém minh bạch, dễ bị nhóm lợi ích lợi dụng

(Dân trí) - Theo TS Phạm Sỹ Liêm, có thể dễ dàng nhận thấy phương thức BT đổi đất lấy hạ tầng kém tính minh bạch, vì khó xác định đất lấy hạ tầng được tiến hành dựa trên cơ sở giá nào?

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Bình luận về phương thức BT đổi đất lấy hạ tầng, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đây là một dạng đặc thù của phương thức PPP (quan hệ đối tác công - tư) được áp dụng khá rộng rãi ở Việt Nam. Về bản chất, đây cũng là phương thức huy động tài chính từ đất để phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Sỹ Liêm, có thể dễ dàng nhận thấy phương thức này kém tính minh bạch, vì khó xác định đất lấy hạ tầng được tiến hành dựa trên cơ sở giá nào?

TS Liêm cho hay, theo cơ chế cạnh tranh thị trường thì dự án hạ tầng phải qua đấu thầu để chọn nhà thầu nào đưa ra giá thích hợp nhất, còn đất đai phải qua đấu giá thì mới chọn được người trả giá cao nhất. Giá cả sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong kinh tế thị trường được quyết định không chỉ bởi cơ chế giá cả, mà còn phải xét đến tác động của quan hệ cung cầu và quan hệ cạnh tranh.

"Thế nhưng giá dự toán công trình do tư vấn thiết kế tính toán và giá đất do các chuyên gia về giá đề xuất chỉ mới là giá dựa trên cơ chế giá cả, chưa tính đến các yếu tố khác. Tình trạng kém minh bạch như vậy rất dễ bị các nhóm lợi ích lợi dụng không chỉ về mặt giá cả, mà còn để vừa có đất cho dự án phát triển bất động sản của họ lại vừa có hạ tầng bên ngoài kết nối với dự án đó", ông nhận định.

Vì thế, vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành xây dựng cho rằng, để vượt qua hạn chế nghiêm trọng này, phương thức BT chỉ nên thực hiện theo phương thức đấu thầu dự án kết hợp với đấu giá các lô đất trong chừng mực vừa đủ để thực hiện dự án.

Mới đây, một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện vơi 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT trong năm 2017 cũng cho thấy nhiều tồn tại của phương thức này.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước (NSNN) nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.

Trong khi đó, thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách.

Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho NSNN.

Bên cạnh đó, chưa có quy định về thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn chủ sở hữu dẫn đến nhà đầu tư không bắt buộc phải góp đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tối thiểu tại mọi thời điểm nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng. Đồng thời chưa có văn bản quy định cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư nên có chênh lệch lớn giữa các hợp đồng (cao nhất 14%, thấp nhất 10% ).

Nhiều dự án giao cho Nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan; công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án.

Phương Dung

Dự án BT đổi đất lấy hạ tầng: Kém minh bạch, dễ bị nhóm lợi ích lợi dụng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm