Bạn đọc viết

Từ vụ án ở Tiên Lãng đến thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn”

Giá như, các cơ quan chức năng có nhiệt huyết hơn với người nông dân như anh Nguyễn Viết Hồng, chắc chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến những con bò ăn dưa hấu, ăn quả thanh long. Giá như…

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Những ngày nóng bỏng đầu tháng 1.2012 quanh vụ cưỡng chế hàng chục ha đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng) vẫn chưa nguôi ngoai, dư luận lại nóng với thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn”? Cái hậu có kết này, những năm trước, mấy ai dám nghĩ đến. Điều đó càng khẳng định nghị lực, ý chí vươn lên và rất biết cách làm ăn của nông dân, kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn.

Từ 40 ha đầm hoang hóa đến …

Những ngày gần đây, dư luận háo hức với những bài báo viết về thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn”.Háo hức vì mừng cho ông, mừng cho những ngả đường của những người quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Mặt khác, không chỉ là ý chí, nghị lực của người kỹ sư chân đất này, mà nhiều việc ông làm khiến cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp phải suy nghĩ.

Trước khi bị cưỡng chế, ông Vươn cùng gia đình tốn biết bao công sức, tiền của xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục ha cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng. Gia đình ông đã có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống. Nhưng để quy hoạch, làm ăn một cách bài bản như vậy, trước đó ông đã là một kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành chăn nuôi. Tâm sự trong buổi giao lưu trên báo điện tử Dân Việt, quan điểm ông Vươn rất rõ: Học để về với ruộng đồng chứ không phải học để làm quan. Những gì ông làm, (năm 1993, 1997 ông Vươn thuê tổng công hơn 40 ha đất bãi biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản) từ trước đến nay đã minh chứng rất rõ quan điểm này.

Được đặc xá sau hơn 3 năm 7 tháng ngồi tù, về quê nhìn 40 ha đầm hoang tàn, xơ xác, ông không nản mà cùng gia đình bắt ngay vào khôi phục. Nuôi tôm thất bại, ông quay sang nuôi vịt biển. Dù điểm khởi đầu rất tình cờ, ông được anh Nguyễn Viết Hồng - phụ trách dự án Ngân hàng vịt biển- đến tận nhà để trao đổi nuôi vịt biển và tặng ông 100 con. Nhưng nếu không có kiến thức và lăn lộn nuôi, trồng đủ thứ trước đó, liệu ông Vươn có thể xây dựng nổi thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” hôm nay?

…thương hiệu vịt biển

Chỉ mấy ngày quảng bá, 400 con vịt thịt với thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” của ông đã bán hết. Một phần trong thành công này, có phần “thương hiệu” Đoàn Văn Vươn, nhưng quan trọng vẫn phải là chất lượng của nó: Thịt không những không hôi, mà còn thơm và ngon. Không dừng ở đó, người kỹ sư nông dân này tiếp tục nuôi 600 con lấy trứng, nhân giống, đồng thời ông lại được chuyên gia giúp hỗ trợ để trồng cây sả với diện tích lớn, với hy vọng dầu sả sẽ có thị trường ổn định hơn.

Rất thiếu vốn, với thương hiệu ban đầu, nhiều người muốn hợp tác nhưng ông Vươn vẫn phải chối từ. Không phải vì kiêu ngạo, không phải muốn giấu bí quyết, mà như ông nói, làm ăn không thể chụp giật, mà muốn bình tĩnh hoàn thiện hơn nữa quy trình nuôi để có năng xuất cao và thịt thơm ngon hơn.

Và, trong buổi giao lưu ở báo điện tử Dân Việt, ông Vươn cho biết đang rất thiếu vốn, nhưng không thể vay ngân hàng vì “tôi có diện tích đầm rộng lớn đấy nhưng chưa có bìa đỏ thì chẳng thể thế chấp được.” Vậy đâu là lý do mà ông vẫn chưa được cấp sổ đỏ, chính quyền có thể tạo điều kiện cho những người như ông? Đặc biệt, việc cưỡng chế trước đó của huyện Tiên Lãng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định là sai.

Cũng trong buổi giao lưu này, với những người quan tâm đến giống vịt này, ông liên tục nhắc đến địa chỉ Trung tâm giống vịt Đại Xuyên ở Hà Nội – nơi ông đã mua 1.000 con ban đầu về nuôi. Phải chăng, ông muốn cảm ơn nơi đã cung cấp những con giống đầu tiên và chuyển giao công nghệ nuôi cho ông?

Nhưng tại sao những trung tâm kiểu như thế này phải nhờ đến những nông dân như ông Vươn mới được đông đảo dư luận biết đến? Thậm chí, người có chí, được học Đại học Nông nghiệp như ông Vươn đang rất bí với câu hỏi “nuôi con gì” cũng không biết, nếu như không có sự tình cờ gặp gỡ và sự hỗ trợ nhiệt tình của anh Nguyễn Viết Hồng – phụ trách dự án Ngân hàng vịt biển.

Điều đó cũng cho thấy, người nông dân, kể cả người có “cánh đồng mẫu lớn” như ông Vươn vẫn phải loay hoay tự tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nuôi con gì, trồng còn gì và đầu ra ở đâu? Mà còn phải tự xoay xở kiểu này, chuyện làm ăn của người nông dân vẫn phụ thuộc nhiều vào vận may rủi, kể cả với kỹ sư nông nghiệp giàu ý chí, ham hiểu biết như Đoàn Văn Vươn.

Giá như, các cơ quan chức năng có nhiệt huyết hơn với người nông dân như anh Nguyễn Viết Hồng, chắc chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến những con bò ăn dưa hấu, ăn quả thanh long. Giá như…

Vương Hà