Bạn đọc viết

Hà Nội lại thay cây

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao chuyện Hà Nội có thể chặt hạ, thay thế hơn 4000 cây xà cừ cổ thụ.


Hàng xà cừ trên đường Kim Mã đã được đánh chuyển về vườn ươm (Ảnh: Hà Trang)

Hàng xà cừ trên đường Kim Mã đã được đánh chuyển về vườn ươm (Ảnh: Hà Trang)

>> Hà Nội cân nhắc thay thế hơn 4.000 cây xà cừ trong nội thành

Lí do người ta đưa ra là "không gian trên đường phố của Hà Nội không đủ cho bộ rễ cây xà cừ phát triển…, nhiều công trình ngầm, trong khi tán cây nặng, gốc rễ lại quá lớn, bị bó hẹp nên rễ ăn ngang, mất cân đối, dễ đổ ngã khi mưa bão. Những đặc điểm này khiến xà cừ không có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão".[1]

Với những lí lẽ và bằng chứng đầy sức thuyết phục như thế, xà cừ có nguy cơ bị triệt đường sống.

Tuy nhiên, độc giả cần lời giải thích để rõ thêm, đó là xà cừ vốn được trồng từ thời Pháp thuộc. Tuổi đời của chúng ngót nghét gần thế kỉ. Thế cũng đủ để khẳng định nó thuộc loại cây có giá trị như thế nào để làm bóng mát và tạo cảnh quan đường phố. Người Pháp không i tờ đến mức chọn bừa một thứ cây yếu đuối, dễ gãy đổ để trồng ở một xứ sở cận nhiệt đới, luôn hứng chịu nhiều mưa bão.

Trước thông tin này, có độc giả bình luận: "Cây xà cừ có nhiều cây tồn tại hàng chục, hàng trăm năm ko sao, đến thời gian này sau vài "nghiên cứu khoa học" "đúng quy trình" thấy cây sắp đổ hàng loạt đến nơi và cực nguy hiểm, và phải thay thế ngay lập tức. Hoan hô Hà Nội!".[2]

Còn nhớ vụ thay cây năm 2015, Hà Nội đốn hạ 6.700 cây xà cừ. Mỗi m3 gỗ xà cừ lúc đó có giá trên dưới hai chục triệu đồng. Lúc đó người ta cũng khẳng định đấy là chủ trương đúng đắn, thành phố đã công khai, minh bạch (nhưng không cần hỏi dân), đô thị muốn văn minh thì phải hi sinh,…

Những tưởng sau vụ thay cây chấn động năm đó, họ hàng cây xanh đường phố Hà Nội sẽ được yên. Nào ngờ…

Những ngày này, Hà Nội đang nóng trên 40 độ C. Trong cái nắng như đổ lửa ấy, không gì có thể thay thế cây xanh - những cỗ máy tự nhiên thanh lọc không khí và làm dịu cơn bốc hỏa của trời đất.

Nguyễn Duy Xuân