"Thủ đô 70 năm trước mỗi ngôi nhà là một pháo đài"
(Dân trí) - “Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ”; nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố ngăn cản bước tiến quân thù”, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội - xúc động nói tại buổi gặp mặt nhân chứng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến.
Ngày 10/12, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt đại biểu Cựu Chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và đại diện gia đình chính sách trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, cách đây vừa tròn 70 năm - ngày 19/12/1946, trước hành động của thực dân Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi đã thể hiện ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
“70 năm đã qua, quá khứ đã lùi xa nhưng những dấu mốc lịch sử quan trọng ấy không thể xóa nhòa trong tâm thức của những người dân Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, đặc biệt là những Cựu Chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và những cống hiến của những gia đình chính sách”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Bài phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội gợi nhớ lại thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám, nước ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn. Bên trong, “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc nội phản hoành hành. Bên ngoài, giặc ngoại xâm liên tục tấn công, chúng lăm le lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lập lại chính quyền tay sai và cướp nước ta lần nữa.
Do đó, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp, rồi ký các Hiệp định sơ bộ, Tạm ước, liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và các hoạt động vì hòa bình khác nhưng “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không có lựa chọn nào khác là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc. Đúng 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.
Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.
Mặc dù, lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/02/1947), tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu... góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Nhiều tấm gương cảm động về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân dân Thủ đô những ngày đầu kháng chiến, tiêu biểu cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bảo vệ Hà Nội, mãi còn ghi dấu trong lòng người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung, như chiến sĩ Trần Thành (Nguyễn Văn Thiềng) ôm bom ba càng lao vào xe tăng quân Pháp và hy sinh đêm 26/12/1946.
Cùng với Hà Nội, nhân dân ở nhiều thành phố, thị xã trong cả nước đã anh dũng tấn công địch, làm chậm bước tiến của chúng, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.
Thắng lợi của quân và dân trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến mà tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội là sự cổ vũ rất lớn để quân và dân ta liên tiếp đánh thắng thực dân Pháp làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Thủ đô Hà Nội sau 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến đã có những bước phát triển vượt bậc, đánh dấu vai trò của một Trung tâm Chính trị - kinh tế - văn hóa của của cả nước. Không chỉ luôn là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định, thành phố Hà Nội còn được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Hòa bình”.
Đặc biệt, sau 30 năm đổi mới, Hà Nội trở thành trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế tầm khu vực, là thị trường sôi động với quy mô dân số lớn, là đầu mối trung chuyển nhiều hàng hóa của miền Bắc Việt Nam, nằm trong hành lang kinh tế các tiểu vùng sông Mê Kông. Cùng với cả nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức khá cao.
Sau hơn 8 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô đã có bước phát triển toàn diện: Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2016 ước đạt 8,03%. Hà Nội là địa phương được đánh giá cao về huy động vốn đầu tư xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Quang Phong