Có lãnh đạo bị kiểm điểm hàng chục lần vì sai phạm tiếp dân nhưng vẫn tại vị?

(Dân trí) - “Có cử tri phản ánh có nơi 6 tháng liền Chủ tịch UBND huyện không tiếp dân theo quy định. Có địa phương vị Phó Chủ tịch UBND cấp quận, huyện bị kiểm điểm rút kinh nghiệm hàng chục lần trong việc sai phạm tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn tại vị”- đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói trước Quốc hội.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 9/6, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đặc biệt chú ý đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và những vụ việc khiếu kiện đông người bởi đây là một thách thức lớn trong quá trình phát triển ở nước ta, được cử tri hết sức quan tâm.

Dẫn chứng tình hình khiếu nại, tố cáo và khiếu kiện đông người đang diễn ra phức tạp, có lúc có nơi diễn ra gay gắt, nhất là ở những địa phương, địa bàn có nhiều dự án công trình thu hồi đất và giải phóng mặt bằng với quy mô lớn, ông Hiểu cho rằng số vụ việc khiếu kiện đông người kéo dài vượt cấp chưa có chiều hướng giảm.

Một số vụ việc xuất hiện yếu tố manh động, có bàn tay hỗ trợ và can thiệp rất tinh vi, nguy hiểm từ bên ngoài. Nhiều vụ việc, người dân bị lôi kéo vào các nhóm tụ tập khiếu kiện đông người mà không có mục đích hay lý do gì chính đáng, chỉ thuần túy là a dua, làm theo hiệu ứng đám đông hay vì lợi ích vật chất nhỏ được nhận cho việc trả công khi tham gia hoạt động này.


Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Theo ông Hiểu có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình hình khiếu nại, tố cáo như hiện nay.

“Việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức không đúng, không đầy đủ và thiếu thuyết phục, còn thiếu công khai, khách quan, minh bạch hay các hành vi quan liêu, sách nhiễu tiêu cực gây bức xúc cho nhân dân. Nhận thức của nhiều người đứng đầu cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là cơ sở về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa đúng, chưa đầy đủ. Có lúc, có nơi chưa coi trọng còn khoán trắng cho cơ quan thanh tra hoặc bộ phận tiếp công dân”- ông Hiểu thẳng thắn.

Vị đại biểu TP Hà Nội nhấn mạnh, nhiều địa phương cấp ngành chưa thực hiện nghiêm luật tiếp công dân. Người đứng đầu chính quyền ở nhiều nơi chưa tiếp dân định kỳ một tháng một lần theo quy định.

“Có cử tri phản ánh có nơi 6 tháng liền Chủ tịch UBND huyện không tiếp dân theo quy định”- ông Hiểu dẫn ví dụ.

Khi phát sinh khiếu kiện, tố cáo tại cơ sở thì công tác thẩm tra, xác minh của cơ quan chức năng còn sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục gây bức xúc cho công dân, dẫn đến tiếp tố, tiếp khiếu đến nhiều nơi.

“Việc xử lý cán bộ có sai phạm trong giải quyết đơn thư còn chưa nghiêm. Có địa phương vị Phó Chủ tịch UBND cấp quận, huyện bị kiểm điểm rút kinh nghiệm hàng chục lần trong việc sai phạm tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn tại vị”- ông Hiểu nêu thực tế khó hiểu.

Trong khi đó hệ thống pháp luật, chính sách, nhất là pháp luật về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng và tố cáo, khiếu nại còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, xa thực tế. Nhiều quy định chứa đựng những nội dung thiếu công bằng, bảo vệ làm lợi cho người chây ỳ chống luật, còn người gương mẫu có ý thức chấp hành pháp luật cao lại không được bảo vệ, không được hưởng lợi từ chính sách.

Từ những phân tích đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị các cơ quan nhà nước cần củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác này. Có bước đột phá trong việc tuyển chọn, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra và tiếp công dân.

“Cần quy định chế tài cụ thể và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm không làm hết trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ cần coi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chí quan trọng. Tôi cũng trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì giao ban trực tiếp về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo một năm từ 1 đến 2 lần”- ông Hiểu đề xuất.

Doanh nghiệp "ngán" đoàn kiểm tra

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) phản ánh, một số doanh nghiệp làm ăn chân chính, quan tâm đầu tư bảo vệ môi trường than phiền rằng họ thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.

“Sự chồng chéo, trùng lặp đã gây nên tình trạng phiền hà, sách nhiễu khiến cho doanh nghiệp khó có thể tập trung cho hoạt động kinh doanh. Một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở tỉnh Bình Phước bị phạt và buộc đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng chỉ vì một lý do tự thay đổi công nghệ xử lý chất thải không đúng quy định. Có nghĩa là dây chuyền xử lý chất thải mặc dù hiện đại hơn nhưng theo đơn vị thanh tra là không đúng quy định nên phải chấp nhận xử lý. Sau đó, chính đơn vị thanh tra này ra văn bản hủy bỏ quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất trong khi doanh nghiệp phản đối dữ dội. Thiệt hại do quyết định tùy tiện đó doanh nghiệp phải gánh chịu”- ông Tuấn Anh nêu thực tế.

Theo đại biểu, gần đây, giám đốc một doanh nghiệp nguyên là đại biểu Quốc hội khóa trước cũng than phiền với ông về việc thường xuyên bị gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh vì phải tiếp các đoàn kiểm tra liên quan đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bị kéo dài thời gian xin giấy phép,...

“Đó là một trong số các trường hợp diễn ra làm mất niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp, chỉ cần vấp phải sự tắc trách của một số người trong quá trình thực hành nghĩa vụ trên cũng làm cho doanh nghiệp khốn đốn, lao đao. Điều này cũng được thể hiện gián tiếp trong báo cáo của Chính phủ khi Việt Nam đứng thứ 82/189 quốc gia được xếp hạng về môi trường kinh doanh dù năm 2016 có tăng 9 bậc”- ông Tuấn Anh bày tỏ.

Năm 2050 thanh niên Việt Nam mới cao bằng thanh niên Nhật hiện nay?

Theo đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên), trong hơn 30 năm qua, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm trên 4,5 cm thấp hơn chuẩn quốc tế 13 cm, trung bình mỗi năm chỉ tăng 0,15 cm. Qua tham khảo, đại biểu Vảng thấy rằng Nhật Bản những năm 50 của thế kỷ trước là một trong các quốc gia có chiều cao hạn chế trên thế giới đã tăng lên 10cm trong vòng 40 năm. Hiện nay thanh niên Nhật Bản đã đạt mức trung bình 1,72 m đối với nam và 1,57 m đối với nữ, chỉ thua kém chiều cao trung bình thế giới 5 cm.

Đại biểu Mùa A Vảng, tỉnh Điện Biên.
Đại biểu Mùa A Vảng, tỉnh Điện Biên.

“Nếu chúng ta không có giải pháp phù hợp và quyết tâm cao sẽ mất khoảng 50 năm để phấn đấu, có nghĩa là đến năm 2050 thanh niên Việt Nam mới có thể đạt chiều cao trung bình 1,72 m như thanh niên Nhật Bản hiện nay”- ông Vảng nói.

Thế Kha