Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc - Huế 2012:

NSND Hoàng Dũng: “Không thỏa đáng trong cách đánh giá vở diễn"

(Dân trí) - Sau đêm bế mạc Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Huế (28/7), NSND Hoàng Dũng - GĐ Nhà hát kịch Hà Nội (đơn vị đạt HCV với vở "Những mặt người thấp thoáng") đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề nóng còn tồn tại.

Cái nhìn của ông về chất lượng các vở kịch tham dự liên hoan năm nay ?

Theo cảm nhận cá nhân tôi, có quá nhiều vở kịch cũ đã xuất hiện khá lâu rồi, thậm chí cả chục năm rồi nhưng bây giờ còn mang đi liên hoan. Điều này phản ánh một thực tế là tìm kiếm kịch bản bây giờ rất khó. Bên cạnh đó cũng có một số đơn vị đã chịu khó tìm tòi những kịch bản mới mang hương vị cuộc sống ngày nay đến với liên hoan, tuy nhiên số lượng không nhiều.

Thực sự thì tôi cảm thấy không thỏa đáng lắm trong cách đánh giá. Thậm chí có rất nhiều vở kịch, có nhiều cá nhân xứng đáng được giải thưởng thì lại không được. Và cũng có nhiều cá nhân không xứng đáng được nhận giải thưởng nhưng lại nhận được giải thưởng cao.

NSND Hoàng Dũng trả lời phỏng vấn báo chí sau đêm liên hoan bế mạc liên hoan kịch toàn quốc
NSND Hoàng Dũng trả lời phỏng vấn báo chí sau đêm liên hoan bế mạc liên hoan kịch toàn quốc

Điều này sẽ không khuyến khích được sự phát triển. Đây là điều muôn thuở tồn tại mãi mãi hết liên hoan này sang liên hoan khác. Muốn để cho liên hoan này thực sự là liên hoan của nghề nghiệp thì cũng cần phải có một ban giám khảo thật công tâm. Còn nói về những đánh giá chất lượng thì tôi thấy nó chưa thỏa đáng.

Xin miễn nói tên những cá nhân và tập thể. Bởi nói gì thì nói, anh em nghệ sĩ cũng chỉ mong đóng góp và thể hiện mà thôi. Thế nhưng khi đã gọi là giải thưởng thì nó phải chính xác.

Ông có nhận xét gì về 3 giải vàng của liên hoan lần này ?

3 giải thưởng được chọn làm giải vàng lần này tất nhiên phải có một giá trị riêng, sức nặng riêng. Để đánh giá đúng thật sự là khó nên nếu tôi đánh giá theo cá nhân có thể không khách quan.

Theo ông kịch miền Bắc và kịch miền Nam có sự khác biệt gì ?

Mỗi một đoàn diễn, mỗi một nhà hát hay các vở diễn đều có điểm chung là phải hướng đến khán giả.

Khán giả của miền Bắc của Hà Nội khác với khán giả miền Nam, khác với khán giả miền Trung. Các đoàn có lối diễn xuất riêng nên không thể dựa theo cái gu thẩm mỹ của khán giả vùng miền. Thói quen xem kịch của mỗi vùng miền cũng khác nhau. Có vùng khán giả thích các vở kịch giải trí nhẹ nhàng, nhưng có vùng khán giả thích vở kịch đặt những vấn đề nóng bỏng hơi thở cuộc sống.

Tất nhiên mỗi nhà hát phải có một tiêu chí riêng. Nhất là các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa thì họ phải hướng tới cách làm cho khán giả mua vé nhiều hơn. Điều đó cũng là tất yếu khi họ đặt vấn đề giải trí lên trên, điều này cũng bình thường thôi.

Nếu như đem những vở diễn của vùng miền này diễn tại vùng miền khác thì chưa chắc đã thành công, vậy nên mỗi nhà hát đều có hướng đi riêng.

Vừa rồi ban tổ chức nhấn mạnh một số vở diễn có yếu tố “sex”. Ông nghĩ gì về vấn đề này ?

Đó là cách nhìn của đạo diễn, nó có thể phản cảm đối với người này nhưng không phản cảm đối với người khác. Như tôi đã nói với các bạn về sân khấu xã hội hóa đôi khi xuất hiện những cảnh nhạy cảm nhưng nói cho cùng, chúng không vượt khỏi ranh giới của sự phản cảm.

Một cảnh trong vở
Một cảnh trong vở Tình cha của Công ty TNHH Nụ cười mới (một đơn vị sân khấu xã hội hóa tại TP HCM) lấy được rất nhiều nước mắt, nụ cười của khán giả xem kịch vào sáng 24/7. Có nhiều vở diễn của những sân khấu xã hội hóa rất dễ xem vì tính giải trí cao nhưng không đoạt được giải tại liên hoan, trong khi đó 9 vở diễn đạt huy chương vàng, bạc đều có đề tài hơi khô khan - khá "kén" người xem với nội dung chủ yếu về chính trị, lịch sử cách mạng và một ít về phản ánh xã hội

Giống như phim truyện bây giờ có những cảnh mà diễn viên phải “nuy” 100% nhưng người ta vẫn chấp nhận được. Những cảnh trên sân khấu kịch nói nhẹ nhàng hơn nhiều nhưng người ta cứ xét nét một cách quá đáng. Sân khấu cần được cởi mở hơn, bản thân tôi không đánh giá khắc khe lắm về vấn đề cảnh nóng này.

Theo NSƯT Lê Chức, Chủ tịch hội đồng giám khảo: “Các hội đồng đã chủ động làm việc theo quy định của các quy chế và tiêu chí nghệ thuật, cũng như quy chế hoạt động. Ví dụ: ủy viên hội đồng giám khảo không được chấm điểm vở diễn mà mình là thành phần sáng tạo; hạn chế giao tiếp, gặp gỡ cá nhân và phát ngôn...
 
Chỉ căn cứ vào một tiêu chí nghệ thuật chung, không phân biệt và ưu tiên thiếu nguyên tắc, hội đồng đã xem, nghe và trao đổi cùng nhau một cách hiểu biết và cặn kẽ trong từng buổi họp, thực hiện ghi ghép, chấm điểm và báo cáo trung thực với ban chỉ đạo, ban tổ chức. Mỗi thành viên của hội đồng giám khảo đã đảm bảo được kiến thức nghề nghiệp, thái độ trách nhiệm, đảm bảo sự công tâm khi đánh giá và cho điểm, đảm bảo được thông tin không rò rĩ.

Nhưng do đây là liên hoan có chấm giải nên yếu tố thi cử và kết quả cũng như các cuộc liên hoan từ trước đến nay đều không đáp ứng được mong muốn của số đông nghệ sĩ. Số lượng HCB, HCV được quy định không quá 35% tổng sanh sách các thành viên đăng ký của các nhóm sáng tạo và nghệ sĩ biểu diễn; nếu có muốn hơn cũng không được phá vỡ quy chế. Đó là điều nằm ngoài khả năng của hội đồng giám khảo, và cần có sự hiểu biết đúng trong cảm thông của đồng nghiệp.


 
Anh Việt - Đại Dương