Mẹ ôm hai con gái nhảy sông tự tử:

Bùn dưới chân còn nắng ở đâu rồi?

Lê Giang

(Dân trí) - Đối với mỗi người mẹ, sinh mạng của con còn đáng giá hơn cả sinh mạng chính mình. Vậy tại sao không để cho con mình được sống?

Bùn dưới chân còn nắng ở đâu rồi? - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Một người phụ nữ tuổi vừa mới ngoài đôi mươi còn tràn đầy xuân sắc. Hai bé gái xinh như thơ như mộng hồn nhiên rồi một ngày biến mất như ảo ảnh. Báo chí đưa tin mấy ngày liền, mạng xã hội đâu đâu cũng sẻ chia.

Những phận đời như thế thỉnh thoảng cứ nối tiếp nhau chọn cách từ bỏ cuộc sống này. Hệt như những đóa hoa vừa chớm nở đã bứt mình lìa khỏi cành vì một cơn gió mạnh. Những người mẹ không chỉ tìm cách giải thoát cho bản thân, còn khước từ cả sự sống của những đứa con mà mình đã từng mang nặng đẻ đau ban cho chúng.

Cuộc sống này, có những ngày thực sự buồn đến thế. Khi những người ngoài cuộc biết người ta đau nhưng không thấu rõ tường tận thế nào. Khi biết khổ đấy, thương đấy mà cũng đành bất lực. Khi mà sự trách móc và thương xót hòa lẫn vào nhau không cách nào phân định rạch ròi cho được.

Đúng hay sai? Căm phẫn hay xót xa? Đáng thương hay đáng giận? Có gì đi nữa cũng đã muộn mất rồi.

Có nhiều người thương người mẹ trẻ: Phải khổ sở thế nào, bế tắc cùng quẫn thế nào em mới nỡ từ bỏ cuộc đời mình và con mình thảm thương như thế.

Có nhiều hơn những lời trách giận: Một mình mình chết được rồi, con trẻ có tội tình gì đâu?

Ai đã từng làm mẹ đều hiểu rằng: Đối với một người mẹ, mỗi đứa con được sinh ra đều là một công trình đầy gian nan vất vả. Đối với mỗi người mẹ, sinh mạng của con còn đáng giá hơn cả sinh mạng chính mình. Vậy tại sao không để cho con mình được sống? Chỉ có thể hiểu là: "Bản thân mình sống khổ sở như vậy, để con lại một mình con cũng sẽ vậy thôi".

Cá nhân tôi vẫn tin rằng, khi một người mẹ quyết định cùng con từ bỏ cuộc sống này, họ không hề nghĩ đó là một hành động nhẫn tâm hay độc ác.

Một nhà văn đã từng viết: "Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy". Vậy sức mạnh ấy đến từ đâu khi người ta yếu mềm gục ngã, khi người ta bế tắc loay hoay, khi người ta cố gắng bước đi nhưng con đường phía trước chỉ thấy mưa giăng mù lối?

Cuộc hôn nhân của em ấy đã vỡ rồi. Đây có lẽ không phải lý do? Đời này, không thiếu gì những cuộc hôn nhân lỡ dở. Kết thúc để bắt đầu lại cũng đâu phải việc gì quá sức khó khăn đâu. Yêu đương, hạnh phúc, khổ đau - có mấy ai không từng đi qua những cung bậc thăng trầm như vậy. Nhiều người còn coi li hôn như một cuộc giải thoát mở ra cánh cửa mới của cuộc đời.

Cha đánh mắng em, em giận, cảm giác mình như gánh nặng khiến cha mẹ phải bận tâm. Vậy nên em quyết trút bỏ gánh nặng này cho những người thân thôi vướng bận? Nhiều ý kiến cho rằng có thể đây chính là lý do. Khi người ta thấy mình khổ, thấy mình cô đơn thì sự thiếu chia sẻ bao dung của người thân giống như điểm tựa cuối cùng bị đạp đổ.

Lý do rốt cuộc là gì, chỉ có em mới là người biết rõ. Nhưng có thật là đường cùng đến vậy, hay bản thân không còn muốn bước đi?

Có một thực tế như thế này: Nhiều bậc cha mẹ quyết khuyên con gái mình đừng ly hôn dù biết con mình không hề hạnh phúc. Có nhiều người cho rằng con gái mình bỏ chồng là điều đáng xấu hổ, là bôi tro trát trấu lên sự sĩ diện của mẹ cha. Họ thà để con mình vẫy vùng trong vũng lầy hôn nhân còn hơn nghe những lời xì xào bàn tán.

Có nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng: Mình sinh ra con, nuôi cho con ăn học bằng người, dựng vợ gả chồng là xong trách nhiệm. Sau đó đời ai nấy sống, sướng khổ mặc bay. Làm gì thì làm, đừng để mẹ cha mang tiếng hay chịu khổ nhục là được.

Vậy nên có nhiều người phụ nữ, vì đủ lý do mà cam chịu hôn nhân đày đọa. Người dũng cảm dứt bỏ hôn nhân cũng không có lối để quay về, chỉ còn cách bước đi tiếp trên con đường đầy chông gai phía trước.

Và có một thực tế khác: Nhiều phụ nữ khổ đến mức hơn một lần nghĩ đến cái chết. Chết là hết. Chết là thoát mọi vướng bận lo âu, khổ đau trần thế. Sống mới khó còn chết thì dễ lắm. Biết thế, nhưng dù vậy họ cũng không chết. Họ sống vì con cái cần họ. Họ sống vì sợ cha mẹ đau lòng. Họ sống vì biết mình sinh ra không phải để chết một cách vô vị và đớn đau như thế.

Sức mạnh vực họ dậy khi gục ngã chính là gia đình, là những người sinh ra mình và những người mình đã sinh ra. Khi người ta hiểu rằng mình vẫn còn được yêu thương, vẫn còn chỗ bấu víu, vẫn có nơi nương tựa chở che thì không có lý do gì để buông xuôi. Họ sẽ cố gắng đứng dậy, bỏ lại mưa bão phía sau để bước về nơi có nắng bởi niềm tin "bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu".