(Dân trí) - Thấy em trong cảnh mù lòa, tự ti chẳng dám đi đâu, bà Tình ở vậy để chăm em gái. Đến nay, chị em bà đã cao tuổi, người thì què chân, người thì mù lòa, nghe chị em bà tâm sự mà thật xót xa!

Người phụ nữ mù lòa xin hoãn nhập viện vì chưa có tiền

Ở thôn 6, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, có một căn nhà cấp 4 rất cũ kỹ, rất lạc hậu so với không gian xung quanh. Cánh cổng gỗ của căn nhà đã mục ải, xộc xệch; ngói lợp lâu đã chuyển màu đen; tường vôi trắng đã bám đầy rêu xanh; những vệt nước ẩm đã lan từ chân tường kéo lên cao hơn 1 mét.

Căn nhà này, là nơi bà Nguyễn Thị Tình (SN 1949) sinh sống và cưu mang em gái Nguyễn Thị Bính (SN 1956) từ nhiều năm nay. Cả hai bà đều không lập gia đình, với những lí do riêng mà ai nghe cũng xót xa.

Bà Bính cho biết, từ khi sinh ra sức khỏe đã yếu, mắt lại kém. Bây giờ thì mắt đã mờ hẳn, bà thậm chí không dám bước chân ra khỏi cánh cổng gỗ, suốt ngày loanh quanh trong nhà và mảnh sân nhỏ.

Xót xa cảnh người chị ở vậy chăm em gái mù lòa! - 1

Bà Nguyễn Thị Bính (SN 1956) mắt đã mờ hẳn, chỉ dám loanh quanh trong khoảng sân nhỏ, trước ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xập xệ mà bà và chị gái đang sống (Ảnh: Mạnh Mường).

"Nghĩ phận mình mù lòa lại ốm yếu, tự ti lắm, không dám mở lòng với ai nên tôi ở vậy, không lấy chồng. Hàng ngày, tôi làm vườn theo thói quen, hái từng mớ rau mang ra chợ bán, đắp đổi qua ngày", những lời tâm sự như tóm tắt cả phận đời của bà Nguyễn Thị Bính.

Hiện tại, bà Bính không những mù lòa mà cơ thể còn mang nhiều bệnh tật nên không làm được gì nữa. Chính vì vậy, bà khá mệt mỏi, chán nản khi nói về sức khỏe của bản thân: "Vừa mổ ruột thừa, giờ bác sĩ lại bảo bị sỏi mật, sỏi thận, rồi tim, phổi đủ cả. Lúc nào cũng thấy tức ngực, khó thở và mệt".

Xót xa cảnh người chị ở vậy chăm em gái mù lòa! - 2

Bà Bính là hội viên Hội người mù huyện Thạch Thất, Hà Nội. Thể trạng bà ngày càng hom hem vì cùng lúc mắc nhiều bệnh (Ảnh: Mạnh Mường).

Về phần bà Tình, vì thương em gái mù lòa, thiệt thòi nên cũng ở vậy để chăm lo cho em. Bà chính là chỗ dựa, là niềm an ủi lớn nhất của bà Bính. Trước đến nay, bà Tình vẫn như ngon đèn sáng, là đôi mắt nhìn đời thay em gái.

Nhưng thật không may, hơn hai năm trước, bà gặp tai nạn nghiêm trọng, gãy chân, phải đóng đinh. Dù tuổi cao, sức yếu, phải ngồi một chỗ, bà Tình vẫn luôn đau đáu, lo lắng cho người em gái mù lòa, ốm yếu.

Xót xa cảnh người chị ở vậy chăm em gái mù lòa! - 3

Bà Tình rất thương em gái, nhưng bây giờ bà gãy chân, làm gì cũng khó khăn, còn phải dựa vào sự chăm sóc của con nên không giúp được gì cho em gái (Ảnh: Mạnh Mường).

"Khổ thân em tôi, vừa đi viện về được gần 10 ngày, nay tụt huyết áp, nhờ người đưa đi khám, bác sĩ kêu phải nhập viện, nhưng nó bảo thư thư vì chưa có tiền. Tôi là chị mà giờ không lo được cho em nữa", bà Tình nói rồi quay mặt, gỡ chiếc khăn đội đầu để lau nước mắt.

"Mắt em mù, cần chị giúp nhưng chân chị què rồi biết phải làm sao"

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà cấp 4 xập xệ, được xây từ năm 1989, bà Tình và bà Bính kể lể về những lần nửa đêm mưa ngập nhà, hai chị em cùng nhau dậy tát nước. Họ cùng nhớ lại những kỷ niệm từ ngày còn cha mẹ; và rồi lại nghẹn ngào kể về người chị gái đầu, sinh được 3 người con gái thì cả 3 đều bị khiếm thị.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội người mù huyện Thạch Thất, bà Bính sống dựa hoàn toàn vào 2 triệu đồng, trợ cấp cho người khuyết tật và người cô đơn. Nhưng bà Bính đi viện nhiều hơn ở nhà nên khoản tiền trợ cấp này không thấm vào đâu. Bà Bính có mảnh đất nhỏ phía sau, nhưng không có nhà, thành thử nhiều năm nay vẫn sống nhờ trong căn nhà nhỏ của bà Tình.

Xót xa cảnh người chị ở vậy chăm em gái mù lòa! - 4

Bà Tình và bà Bính đang sống tại căn nhà nhà xây từ năm 1989, đã quá xập xệ, quá xuống cấp, nhiều khi nửa đêm hai bà dậy lọ mọ tát nước (Ảnh: Mạnh Mường).

Bà Tình có nhận con nuôi từ khi đứa bé 2 ngày tuổi. Đến nay đã 35 tuổi nhưng anh này chưa lập gia đình. Anh làm thợ mộc ở gần nhà, công việc không nhiều nên đồng lương cũng thấp, thành thử không giúp được gì nhiều.

Bà Bính nói rằng, bản thân luôn thấy áy náy vì nghĩ, việc cháu trai chưa lấy vợ có phần lỗi từ bản thân mình.

"Cháu nó lớn rồi cần phải lấy vợ, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho chị gái và cháu. Giờ con gái nhà người ta nhìn thấy gia cảnh khó khăn còn nuôi thêm bà mù thì ai chịu lấy", người phụ nữ mù lòa chẹp miệng cười xòa.

Bà Tình hết lòng ngăn cản vì không đành lòng thấy em gái thui thủi một mình, nhưng lần này bà Bính quyết tâm ra ở riêng, tới mức định dựng cái lều nhỏ chỗ gần chuồng gà phía sau nhà để ở.

"Thương em, nó cứ nghĩ mãi đến chuyện ra ở riêng, để con trai tôi còn lấy vợ. Có lần nó nói với tôi, 'nhà đã nghèo, lại còn nuôi bà dì mù, bà mẹ què quặt thì ai còn muốn lấy cháu em nữa', nghe mà thấy xót quá", bà Tình nói rồi nước mắt lại sụt sùi.

Xót xa cảnh người chị ở vậy chăm em gái mù lòa! - 5

Bà Bính sợ phiền chị gái nên từng chẹp miệng bảo với chị gái, một thân một mình thì ở chỗ be bé như chuồng gà cũng xong (Ảnh: Mạnh Mường).

"Bố mất từ ngày chị em tôi còn bé, mẹ cũng mất lâu rồi, tôi chăm nom em gái từ trước đến nay. Giờ không may tôi thế này, không làm được gì nữa. Mắt em mù, cần chị giúp nhưng chân chị què rồi biết phải làm sao. Trăm sự nhờ mọi người giúp đỡ cho em tôi, giờ đến tiền đi khám bệnh nó cũng không có", bà Tình nghẹn lời, cầu mong sự giúp đỡ.

Xót xa cảnh người chị ở vậy chăm em gái mù lòa! - 6

Thửa đất đứng tên bà Bính nằm ngay phía sau căn nhà cũ đã làm 35 năm trước, chính là khu vườn trống này (Ảnh: Mạnh Mường).

Bà Nguyễn Thị Thông, Phó chủ tịch UBMTTQ xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất chia sẻ về hoàn cảnh của hai người phụ nữ khổ cực này: "Bà Nguyễn Thị Bính tuổi cao, sức yếu, là người khuyết tật sống dựa hoàn toàn vào trợ cấp, không có khả năng xây sửa nhà. Hiện tại bà Bính đang ở cùng nhà với chị gái là bà Nguyễn Thị Tình và cháu trai. Rất mong bạn đọc báo Dân trí chung tay, giúp bà Bính được ngôi nhà kiên cố, khang trang để yên tâm sinh sống".

Bà Tình gãy chân, sức khỏe yếu không thể chăm lo được cho bà Bính đang mắc rất nhiều bệnh. Bà rất mong cộng đồng chung tay giúp đỡ cho em gái (Video: Mạnh Mường).

Mã số 5306:

Xót xa cảnh người chị ở vậy chăm em gái mù lòa!

01/09/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng hoàn cảnh

Báo Dân trí