Suốt 5 năm ròng chị Vân ôm 2 con song sinh bị bại não đi khắp các bệnh viện chạy chữa. Lúc không có tiền chị phải bán cả máu. Người mẹ nghèo ấy khát khao một lần được nghe con cất tiếng gọi mẹ ơi!
Nỗi đau đớn tột cùng của người phụ nữ mong một lần được làm mẹ
Người đàn bà nghèo khổ Vũ Thị Vân (SN 1986, trú tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), bắt đầu với chúng tôi bằng câu chuyện hành trình ròng rã 5 năm trời, ôm 2 đứa con song sinh bị bại não, đi khắp các bệnh viện chạy chữa. Giọng chị nghẹn lại: "5 năm trời, 3 mẹ con ở viện còn nhiều hơn ở nhà".
Chị kể, 2 con chị là Khuất Minh Anh và Khuất Minh Khang đã tròn 5 tuổi. Cũng là ngần ấy năm chị ôm các con đi khắp các bệnh viện từ Trung ương tới địa phương tìm kiếm hy vọng, mong một lần được nghe thấy tiếng con gọi "mẹ ơi".
Vợ chồng chị Vân lấy nhau nhưng bị hiếm muộn và phải chạy chữa tới 7 năm nhưng không có kết quả. Khát khao cháy bỏng trong người phụ nữ mong một lần được làm mẹ luôn thôi thúc chị. Nhà vốn đã nghèo nhưng vợ chồng chị cố gắng vay mượn để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Lần 1 thụ tinh trong ống nghiệm không có kết quả, vợ chồng chị lại làm lần 2 thì có được song thai. Lúc đón nhận kết quả, vợ chồng chị Vân mừng rơi nước mắt.
Nhưng số phận thật nghiệt ngã, cả 2 đứa bé khi sinh ra được vài tháng thì có những biểu hiện bất thường. Thấy các con đặt đâu nằm đấy, cơ thể mềm oặt, không lẫy..., chị Vân hốt hoảng, bế con đi bệnh viện thăm khám.
Cầm tờ giấy kết quả trên tay, chị Vân như ngã khụy khi hay tin cả 2 con bị bại não, kèm chứng bệnh động kinh. Lúc đó trời đất như sụp đổ trên đầu người mẹ tội nghiệp. Các bác sĩ động viên chị kiên trì chạy chữa cho các con để tìm kiếm hy vọng.
Thương các con, thương cho số phận mình mỏng manh, nhiều đêm chị Vân chỉ biết ôm con vào lòng mà lặng lẽ khóc.
5 năm ròng rã, 3 mẹ con "lấy bệnh viện làm nhà"
Gặp chúng tôi trong những ngày đang cho các con điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, chị Vân như đã khô cạn nước mắt. Chị kể, từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông…, cho đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cứ nơi nào có hy vọng thì chị lại vay mượn tiền chạy chữa cho con.
Không có tiền điều trị cho con, chị lại trở về nhà tranh thủ việc đồng áng, chồng đi lái xe thuê cho công ty vệ sinh. Tích cóp được đồng nào vợ chồng chị lại cho con đi viện. 5 năm trời ở bệnh viện, bác sĩ cũng quen mặt mẹ con chị.
Nhiều người thương hoàn cảnh mẹ con chị, người thì cho các cháu cái bỉm, người thì cho cái áo, suất cơm, cháo từ thiện…
Chị Vân nhớ lại, có lần 3 mẹ con ôm nhau đi xe buýt, trong túi còn 30 nghìn đồng, thương hoàn cảnh của mẹ con chị, người phụ xe buýt miễn luôn tiền vé xe.
Người mẹ tội nghiệp kể tiếp, những lúc cho các con nhập viện, chị lại tranh thủ ra quán phở gần bệnh viện để rửa bát thuê. Có những lần, chị buộc một đứa con trên lưng, đứa còn lại chị để trên xe đẩy để làm thuê cho quán.
"Vợ chồng em không có tài sản riêng, 2 bên ông bà nội, ngoại phải cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng giúp hơn 400 triệu đồng. Em vay tín dụng, lãi ngày...", chị Vân kể, để chạy chữa cho các con, việc gì chị cũng làm, có lúc chị bán cả máu.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Phạm Đức Minh, khoa Điều trị liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: "2 bé Minh Anh và Minh Khang được chẩn đoán mắc bại não trẻ em kèm động kinh".
Bác sĩ Minh cho biết thêm, khi đến viện, 2 bé đặt đâu nằm đấy, không biết lạ quen. Sau 2 năm điều trị tại bệnh viện, bé Minh Anh đã ngồi, cầm nắm đồ vật được và nói được những từ đơn giản, bé Minh Khang cũng đã bắt đầu biết lạ quen, đang tập ngồi.
Đây là một tín hiệu vô cùng đáng mừng, đặc biệt là bé Minh Anh, nếu tiếp tục điều trị liên tục, tích cực, bé sẽ có cơ hội hồi phục như những đứa trẻ bình thường khác, tuy nhiên gia đình phải xác định điều trị lâu dài.
"Nhưng với tình hình hiện tại, sau 5 năm chạy chữa cho 2 con, gia đình chị Vân lâm vào khánh kiệt. Để 2 cháu được chữa trị lâu dài, thực là vượt quá khả năng gia đình chị Vân. Chính vì vậy, chúng tôi tha thiết mong mỏi bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay cứu giúp các cháu!...", bác sĩ Minh nói.