(Dân trí) - Liên thấy ngực trái của mình xuất hiện khối u, nhưng phải chạy vạy kiếm cơm từng bữa chăm chồng mắc lao phổi nên không dám đi khám. Gần 1 năm, khối u di căn, khiến Liên phải cắt bỏ toàn bộ vú trái.
Trải qua đoạn đường đất gồ ghề, chật hẹp, phóng viên Dân trí tìm về ngôi nhà sát mép sông của gia đình chị Lê Thị Kim Liên, trú khu phố Tịnh Sơn, thị trấn Củng Sơn, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
Mái ấm của gia đình chị Liên chỉ rộng chừng 20m2, tường chưa được tô vữa. Mái được lợp bằng mấy tấm tôn mỏng, khiến ngôi nhà nóng hầm hập giữa cái nắng gay gắt những ngày tháng 5.
Chị Liên có nước da nhợt nhạt vì mới trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú trái, do căn bệnh ung thư vú di căn.
Trải lòng về hoàn cảnh gia đình mình, chị Liên chia sẻ, hơn 8 năm trước, chị và anh Nguyễn Thanh Phong (38 tuổi) kết hôn, sau đó sinh được một bé gái.
Cả 2 vợ chồng chị Liên không được học hành đến nơi, đến chốn nên không có công ăn việc làm ổn định. Để mưu sinh, hằng ngày chị Liên cùng chồng đi chặt mía thuê, bẻ măng, bắt ốc… không kể ngày đêm, với mong muốn dành dụm một ít vốn để buôn bán, phát triển kinh tế gia đình.
Đầu năm 2023, biến cố ập đến gia đình chị Liên, khi anh Phong bị sốt cao, ho nhiều nhưng mua thuốc tự điều trị nhiều ngày không dứt. Anh Phong đi khám, phát hiện bị lao phổi phải điều trị suốt 6 tháng liền.
Người đàn ông trụ cột trong gia đình lâm bệnh, chị Liên với thân hình thấp bé, nhẹ cân nhưng ngày ngày phải đến ruộng chặt mía thuê, đêm về mò cua, bắt ốc để phần lo tiền thuốc thang cho chồng, phần lo ăn học cho con gái 8 tuổi.
Bệnh của chồng chưa dứt, chị Liên phát hiện ở vú trái mình có một khối u. Nhưng gia cảnh nghèo khó, tiền bạc thiếu trước, hụt sau nên người phụ nữ 34 tuổi nhắm mắt làm ngơ, cho là u hạch bình thường.
Nào ngờ cuối năm 2023, khối u bất ngờ sưng to. Khi đi khám mới phát hiện khối u đã di căn, bác sĩ chỉ định phải cắt bỏ toàn bộ vú trái rồi tiến hành hóa trị, xạ trị.
"Bác sĩ bảo nếu em được đi khám sớm và chữa trị thì khối u đã không di căn, không ảnh hưởng đến tính mạng như hiện tại. Nhưng thực sự lúc đó chồng bệnh tật phải cách ly điều trị, em làm đầu tắt mặt tối nhưng vẫn không đủ tiền cho anh uống thuốc, con cái ăn học, lấy đâu ra để thăm khám", Liên bộc bạch.
Hiện nay, dù bệnh lao phổi của anh Phong đã điều trị hết liệu trình, nhưng vẫn để lại biến chứng như suy hô hấp mãn tính, giãn phế quản nên mỗi lần làm việc nặng anh thường có biểu hiện khó thở, tức ngực.
"Thấy vợ mang bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền chữa trị, là người đàn ông tôi thấy thẹn lắm. Dù mệt nhưng ban ngày tôi đi rừng hái măng, tối lại ra suối bắt cua, ốc bán để vợ có tiền đi TPHCM, nhưng thực sự tiền thuốc chữa ung thư quá đắt đỏ, tôi không biết phải làm sao", anh Phong nghẹn ngào nói.
Theo chị Liên, với căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2, di căn bác sĩ tại TPHCM chỉ định phải thực hiện 18 toa thuốc hóa trị (mỗi toa trừ bảo hiểm y tế gia đình phải nộp vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng/toa), ngoài ra còn thực hiện các đợt xạ trị khác. Toàn bộ chi phí để chị Liên chữa bệnh ước tính trên 200 triệu đồng.
"Không nghề nghiệp, đất đai, tài sản nên khoản tiền 200 triệu đồng thực sự quá lớn đối với gia đình tôi. Tôi khát khao được sống, được khỏe mạnh để nuôi con nên người nhưng sao khó quá", chị Liên chia sẻ.
Ông Lê Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Củng Sơn, cho biết vợ chồng anh Phong, chị Liên thuộc diện cận nghèo của địa phương. Cả hai vợ chồng chịu khó làm ăn, đạo đức, lối sống lành mạnh nhưng chẳng may anh Phong mắc bệnh lao phổi, còn chị Liên mắc ung thư vú đẩy gia đình vào cảnh khó khăn.
"Địa phương mong các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ để chị Liên có điều kiện chạy chữa căn bệnh ung thư vú, cùng chồng nuôi con nhỏ ăn học nên người", Phó Chủ tịch thị trấn Củng Sơn mong muốn.