Gần 20 năm chống trọi với căn bệnh bướu màng não ác, chị Lam luôn mong mỏi có một ngày được tìm lại những bước đi trên đôi chân của mình.
Chị Phạm Thị Lam (46 tuổi, thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) nằm trên chiếc giường cũ trong căn nhà cấp 4 xập xệ. "Trời càng lạnh, tôi càng đau lưng. Đêm qua, lại còn bị đau bụng, tắc tiểu, sốt cao lắm", chị Lam vừa nói, vừa thở hổn hển.
Chị Lam cho biết, gần 20 năm qua, căn bệnh bướu màng não ác hành hạ, khiến chị Lam bị bí tiểu, đôi chân liệt, đôi tay yếu, sức khỏe giảm sút.
Chị kể, sinh ra vốn khỏe mạnh, năm 1997, chị vào TPHCM làm công nhân giày da, với dự định tích góp được một khoản tiền sẽ đi học nghề may hoặc cắt tóc.
Giữa năm 2005 chị bỗng dưng bị đau, nhức ở phần lưng, vào viện khám mới biết bị vôi hóa cột sống. Chị lấy thuốc về uống, nhưng cơn đau tiếp tục tăng lên, đôi chân ngày càng yếu, sau đó bị liệt hẳn.
Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện chị Lam bị bướu màng não ác, phải xạ trị. Trải qua 36 mũi xạ trị, sức khỏe suy kiệt, chị Lam phải nằm một chỗ. Những năm đầu chị không thể ngồi dậy, không xúc được cơm ăn. Nhờ bố, mẹ giúp đỡ, sự kiên trì luyện tập, đến nay chị đã tự làm mọi việc bằng tay. Duy chỉ có đôi chân là vẫn chưa có cảm giác.
Gần 20 năm qua, chị luôn khao khát được đến viện tập phục hồi chức năng. Song nhìn bố, mẹ vất vả, chị chẳng dám mở lời. Năm 2012, bố chị qua đời, mọi gánh nặng đè lên vai mẹ chị là bà Trần Thị Lự.
"Năm 2023, mẹ tội bị ung thư ống mật. Hai mẹ con được một mạnh thường quân đã giúp đỡ 5 triệu đồng. Khi đấy, mẹ từ chối điều trị, mẹ bỏ 5 triệu đồng vào túi áo của tôi, rồi thuê xe cho tôi đến bệnh viện tập phục hồi chức năng. Tập được 5 ngày, mẹ tôi mất. Sau đám tang, tôi không có tiền đến viện nữa", chị Lam vừa kể, khóe mắt đỏ hoe.
Theo chị Lam, nguyện vọng của mẹ là muốn trước khi bà "nhắm mắt xuôi tay", có thể nhìn thấy chị tự chăm sóc được bản thân. Tâm nguyện của người mẹ quá cố cũng là mong ước của chị.
"Nghe bác sĩ nói chân có triển vọng, cơ hội phục hồi cao, tôi vui lắm. Nhưng chi phí điều trị lớn, tôi không có tiền", chị Lam nức nở khóc.
Bà Phạm Thị Lan (55 tuổi, chị dâu chị Lam) cho biết, chị Lam là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em. Hoàn cảnh khó khăn nên khi chị Lam bị bệnh, mọi sinh hoạt, chi phí thuốc men, ăn, uống đều do bố, mẹ chồng lo.
"Từ khi ông, bà qua đời, tôi cáng đáng cả. Em đau, ốm, tắc tiểu, đi vệ sinh mất kiểm soát, sốt thường xuyên", bà Lan chia sẻ.
Dù đau nhức, mệt mỏi nhưng chị Lam rất kiên trì, chăm chỉ luyện tập. Tuy nhiên, do không có phương pháp, dụng cụ tập phù hợp nên tỷ lệ phục hồi thấp. "Tôi mong em được mọi người giúp đỡ, có chi phí đến viện. Đó cũng là ước nguyện của cả gia đình tôi", bà Lan thổ lộ.
Ông Phạm Văn Lượng, Trưởng thôn Tiên Lăng cho biết, từ khi bị liệt, chị Lam sống dựa vào bố, mẹ và tiền trợ cấp của nhà nước. Bố, mẹ lần lượt khuất núi, chị sống một mình, mọi sinh hoạt đều phải trông chờ vào vợ chồng anh trai ở gần.
"Gia cảnh của chị Lam quá éo le. Chúng tôi rất thương nhưng không làm gì được. Hy vọng, qua báo Dân trí, độc giả giúp đỡ, để chị có kinh phí chữa trị, cuộc sống vơi bớt khó khăn", ông Lượng bày tỏ.