Không dám sinh thêm, 9 năm qua chị Nụ ôm đứa con duy nhất mắc bại não đi khắp các bệnh viện. Kiệt quệ, bế tắc…, người mẹ nghèo bật khóc ôm con rời viện, mong qua Tết có tiền tiếp tục điều trị cứu con.
Mẹ thuần nông bỏ việc đồng áng, 9 năm chạy chữa cho con
Một ngày Hà Nội chìm trong mưa phùn, gió bấc ngoài trời rét như cắt da, cắt thịt, tôi đã gặp người mẹ tội nghiệp ấy, chị Nguyễn Thị Nụ (SN 1985, trú ở xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), đúng lúc chị ôm con từ xe buýt đi vào Trung tâm Điều trị và Chăm sóc trẻ Tự kỷ, Bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
Đưa vạt áo khoác mỏng lên mặt lau mồ hôi, người phụ nữ 39 tuổi hổn hển: "Chân tay cháu nó co cứng, khó duỗi, nên trên xe từ phòng trọ bên Gia Lâm sang đây, em không dám ngồi mà phải đứng bế cháu…".
Đón bát cháo nóng từ tay chị cán bộ phòng Công tác xã hội (CTXH), chị Nụ nhẹ nhàng đặt đầu con trai gối lên cánh tay trái, rồi khẽ khàng kiên trì bón từng thìa cháo nhỏ cho con. Quai hàm cứng, nên để nuốt trôi một thìa cháo, bé Quang Phong, (SN 2015, con trai chị Nụ) phải gồng cả người lên…, nước mắt, nước mũi tứa ra.
Bất chợt cậu bé 9 tuổi khóc toáng lên, giãy giụa khiến bát cháo đổ vung vãi trên nền nhà. Chị Nụ bật khóc: "Bác sĩ bảo cho cháu ăn một chút cháo trước buổi trị liệu. Nhưng con em ăn uống khó khăn lắm. Bữa ăn của con, nước mắt của mẹ, của con còn nhiều hơn cơm…", người mẹ đưa tay lau nước mắt.
Ngước lên đôi mắt hoe đỏ, chị Nụ bùi ngùi kể, năm 29 tuổi chị kết hôn với anh Trần Quang Phi (SN 1984). Gần một năm sau ngày cưới, vợ chồng chị háo hức đón đứa con đầu lòng. Nhưng thật trớ trêu, do sinh khó nên đứa con anh chị ngày đêm mong ngóng bị ngạt khí. Ngay lập tức các bác sĩ chuyển gấp bé lên Hà Nội chữa trị.
Sau hơn 10 ngày chăm sóc đặc biệt, bé Quang Phong được trở về vòng tay mẹ. Những tưởng "tai qua, nạn khỏi" bé sẽ hay ăn chóng lớn như những đứa trẻ bình thường khác.
Nhưng, thật bất hạnh, khi bé Phong đã được 3 tháng tuổi, chị Nụ thấy mắt con không có phản xạ, chân tay co quắp, cơ thể mềm oặt, đặt đâu vẫn nằm đấy... Linh cảm người mẹ mách bảo, chị Nụ vội bế con đến bệnh viện thăm khám.
"Bác sĩ nói con em mắc bại não, phải chữa trị lâu dài gia đình phải kiên trì và thật nỗ lực mới có hy vọng. Lúc ấy em như người điên, gào khóc chạy khắp bệnh viện rồi vấp ngã bất tỉnh. Sau đấy bình tĩnh lại, vợ chồng em bàn bạc không sinh thêm con nữa, để tập trung chạy chữa cho thằng bé", chị Nụ nói trong nước mắt.
Vậy là đã 9 năm trời đằng đẵng trôi qua, cuộc sống của bé Quang Phong gắn chặt với bệnh viện. Vợ chồng thuần nông phải gác hết việc đồng áng, thuê một phòng trọ nhỏ ở huyện Gia Lâm (Hà Nội). Thường ngày, chị Nụ cùng con ở bệnh viện, còn anh Phi xin làm công nhân ở một khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh.
Người mẹ nghèo chưa bao giờ nguôi hy vọng được nghe con trai gọi "mẹ ơi"
Cho dù có cố gắng cật lực, xin làm thêm, làm tăng ca…, thì những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi anh Phi kiếm được cũng chẳng đủ để trang trải cuộc sống, chưa nói đến chi phí chữa trị cho con. Để việc chữa bệnh của Quang Phong không bị gián đoạn, không có cách nào khác chị Nụ đành phải vay mượn khắp mọi nơi.
Người mẹ nghèo cho biết, hiện các khoản nợ riêng phần gốc đã lên tới hơn 200 triệu đồng, phần lãi chị không dám tính. Hiện gia đình chị quá kiệt quệ, nợ cũ không biết đến khi nào mới có thể trả nổi, muốn vay thêm để chạy chữa cho con cũng không biết vay ở đâu!
"Hiện em không còn tiền, cũng chẳng biết xoay xở ở đâu nữa nên em xin cho con xuất viện tạm nghỉ một thời gian. Đành trông chờ từ giờ đến Tết bố cháu làm thêm, ra Giêng có tiền em lại cho con lên bệnh viện. Em vẫn tin một ngày nào đó con em sẽ cất tiếng gọi mẹ … ", đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ chị Nụ vừa nói vừa khóc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Phạm Đức Minh, Trung tâm Điều trị và Chăm sóc trẻ Tự kỷ, Bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: "Bé Trần Quang Phong được chẩn đoán mắc bại não, đã điều trị ở bệnh viện từ lúc 11 tháng tuổi".
Bác sĩ Minh cho biết thêm, khi bé Phong nhập viện tình trạng rất nặng, cơ thể gồng co cứng phải ăn qua sonde. Sau gần 9 năm kiên trì điều trị đến nay bé đã ăn uống được, cơ bắp đã nở, không bị teo, tăng phản xạ, hoạt động các khớp đã mềm mại. Cháu tiếp xúc được, biết lạ quen, cười đùa, đây là tiến bộ rất đáng mừng.
Bé Phong điều trị mỗi đợt khoảng 3 tuần sẽ được về nhà 1 tuần. Hôm nào chị Nụ xin cơm từ thiện, nhưng không ăn là tổ phát cơm từ thiện biết 2 mẹ con chuẩn bị xuất viện.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chị Nụ muốn đem suất cơm đó về phòng trọ cho chồng… 9 năm qua, câu chuyện của gia đình Quang Phong đã làm lay động trái tim biết bao người.
"Khi chị Nụ khóc nói về ý định sẽ phải tạm ngưng điều trị cho bé một thời gian, chờ qua Tết có tiền làm thêm của bố sẽ cho con điều trị tiếp. Chúng tôi đã động viên, thuyết phục gia đình cố gắng điều trị liên tục cho con.
Bé Phong đã có những tiến triển tích cực, có nhiều hi vọng… Chúng tôi rất mong bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ bé…", bác sĩ Minh nói.