Sạt lở nghiêm trọng do bão số 3 đã cướp đi người con trai cùng ngôi nhà của bà Mừng ở thôn Kéo Quạng, xã Minh Xuân. Từ đó đến nay, bà lão phải sống qua ngày trong túp lều tạm ven đường.
Ngày định mệnh của thảm họa
Cuộc sống của bà Hoàng Thị Mừng (72 tuổi) cùng hai con trai là Hoàng Văn Na (SN 1984) và Hoàng Văn Tròn (SN 1992) vốn bình dị như bao người dân chất phác ở thôn Kéo Quạng, xã Minh Xuân (huyện Lục Yên, Yên Bái).
Nhưng cơn bão số 3 tàn khốc ập đến đã vùi lấp, hủy hoại tất cả nhà cửa, tài sản, hoa màu... và cướp đi con trai của bà Mừng.
Nhớ lại ngày 9/9, bà Mừng kể, lúc đó ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn nhưng có nguy cơ sạt lở nên mọi người trong nhà phải sơ tán khẩn cấp.
Khoảng 13h30 ngày 10/9, nghĩ thương chú chó bị bỏ đói trong nhà, ông Hoàng Văn Nhị (51 tuổi, con trai bà Mừng) quay về để cho ăn. Nào ngờ, khi đang ngồi dưới gầm nhà sàn, ông Nhị bị đất trên đồi đổ ập xuống, chôn vùi cùng với ngôi nhà.
Bà Mừng vừa kể, vừa khóc nghẹn vì thương con: "Con trai bà tai điếc, không nghe thấy tiếng đất đồi sạt lở để mà chạy đi. Trước khi đi cũng không kịp dặn dò lại câu gì".
Trong từng lời của bà lão đều mang nặng nỗi đau. Ở đó, có cả những lo lắng về tình cảnh màn trời chiếu đất, vì ngôi nhà mà gia đình tích cóp nhiều năm mới có được giờ chỉ còn là đống đổ nát.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết, bà Mừng thuộc hộ khó khăn của xã. Vụ sạt lở đã vùi lấp toàn bộ nhà cửa, tài sản và còn cướp đi tính mạng của con trai bà Mừng.
Cuộc sống khốn khó trong túp lều tạm bợ
Ở tuổi 72, bà Mừng đang phải nương náu cùng con, cháu trong túp lều tạm, tứ bề trống huơ trống hoác, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, ăn uống kham khổ...
Tuổi cao sức yếu lại sống trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, sức khỏe của bà Mừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những cơn đau đầu liên miên không dứt, cơ thể luôn trong trạng thái mỏi mệt.
"Bà cảm thấy khổ quá, thương con, thương mình lắm!", bà Mừng ngậm ngùi cho biết, nhiều đêm không ngủ được, phần thương con, phần vì mọi thứ như rơi vào ngõ cụt.
Thông tin thêm từ bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Xuân, hiện tại gia đình bà Mừng sống trong lều tạm ven đường, điều kiện sống có nhiều bất tiện, bản thân bà Mừng già yếu, hay ốm đau nên lại càng thêm khó khăn.
"Mong muốn lớn nhất của chính quyền địa phương và gia đình lúc này là có một ngôi nhà cho bà ở. Tuy nhiên, chi phí vượt quá khả năng của gia đình và sự hỗ trợ của chính quyền nên kính mong các nhà hảo tâm chia sẻ giúp đỡ gia đình bà Mừng sớm ổn định cuộc sống", bà Hà kêu gọi.
Sau trận lũ, gia đình bà Mừng trắng tay, mấy nghìn gốc quế bị cuốn trôi. Hai người con trai của bà nợ ngân hàng 70 triệu đồng đầu tư trồng quế, giờ không biết lấy gì để trả nợ.
Trong khi đó, chị Hoàng Thị Nhiều (SN 1990, con gái bà Mừng), cũng đang sống trong hoàn cảnh khó khăn không kém. Chị phải tạm dừng việc xây nhà riêng để tập trung lo cho mẹ.
"Bản thân em mắc bệnh suy giáp lại đang làm mẹ đơn thân. Em cũng không đi làm được, bây giờ chỉ làm nương, ruộng thôi", chị Nhiều chia sẻ.
Hiện tại, bà Mừng và các con, cháu vẫn đang sống tạm trong chiếc lều bạt, không biết bao giờ họ mới có thể dựng lại ngôi nhà mới.
"Lúc này, gia đình bà thực sự khó khăn, mong bạn đọc Dân trí tạo điều kiện giúp đỡ để mẹ con bà có mái nhà tránh mưa, tránh nắng", bà Mừng khẩn thiết cầu mong.
Ông Lã Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết, bà Mừng được các mạnh thường quân hỗ trợ một phần kinh phí, nhu yếu phẩm và một số đồ dùng gia đình. Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng nhưng để làm nhà thì chưa đủ, trong khi gia đình không biết trông vào đâu.
Ông Quảng cũng chia sẻ thêm, địa phương sắp xếp cho bà Mừng quỹ đất để xây nhà tại khu tái định cư. Tuy nhiên, khu đất cách xa vị trí hiện tại nên bà không muốn rời đi.
"Bà Mừng muốn tự mua đất, muốn dựng nhà gần các con cháu. Xã sẽ hỗ trợ chuyển mục đích, đảm bảo gia đình có chỗ ở hợp pháp. Mong bạn đọc báo Dân trí chung tay giúp bà có thêm điều kiện làm nhà kiên cố", ông Quảng nói.