Từ ngày vợ anh Thanh phát bệnh tim, bao nhiêu đất đai cha mẹ cho khi ra ở riêng đều "đội nón ra đi", nhà sập anh cũng không có tiền cất lại.

Chỉ về cánh đồng lớn sau nhà, anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1972, ngụ ấp 915, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), cho biết gần cả hecta ruộng này vốn là tài sản cha mẹ cho lúc vợ chồng anh ra ở riêng. Căn chòi mái tôn vách nứa mà cha con anh Thanh đang ở cũng được dựng từ ngày ấy, cách đây hơn 20 năm.

Đến chết vợ tôi cũng chưa có cái nhà đàng hoàng để ở - 1

Căn nhà 20 năm tuổi của ông Thanh (Ảnh: Tùng Nguyên).

Anh Thanh chí thú làm ăn và thương vợ có tiếng ở địa phương. Không ngờ số phận không may, năm 2004, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1974, vợ anh Thanh) sinh con xong thì phát hiện bị bệnh tim, sức khỏe yếu nên không lao động được nữa. Cứ dăm ba tháng vợ anh phát bệnh một lần, phải chuyển lên TPHCM cấp cứu.

Gia đình 3 miệng ăn và 1 người bệnh trông chờ vào mấy công ruộng 2 vụ nên rất chật vật. Anh Thanh phải đi phụ hồ, phát cỏ thuê trong những ngày nông nhàn; đi rà cá, bắt ốc, hái rau dại cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Những lúc chị Phương phát bệnh, Thanh mượn người thân, hàng xóm để đưa vợ đi cấp cứu. Dần dần nợ nhiều không còn nơi mượn, anh phải đi vay bên ngoài, cầm cố đất đai. Đến khi mất khả năng trả nợ, Thanh phải bán dần từng công ruộng. Đến nay, gia đình anh chỉ còn cái nền nhà nằm giữa mảnh ruộng năm xưa.

Nói là nhà nhưng thực ra đó chỉ là cái chòi vách tre, mái tôn, cột kèo là những cây tràm rẻ tiền. 20 năm sử dụng, chỗ nào dột thì anh thay tôn, chỗ nào mục nát thì anh kiếm gỗ, vách tre về thay mới.

Cách đây 10 năm, trong một cơn giông, căn chòi bị gió lớn kéo sập. 3 cha con anh Thanh hốt hoảng chạy thoát ra ngoài. Vợ anh mới qua cơn bạo bệnh run cầm cập trong mưa. Thanh thương vợ mà bất lực…

Đến chết vợ tôi cũng chưa có cái nhà đàng hoàng để ở - 2

Chái bếp được làm bằng vách tôn và ván để khỏi bị mưa tạt (Ảnh: Tùng Nguyên).

Đến chết vợ tôi cũng chưa có cái nhà đàng hoàng để ở - 3

Mái tôn nhiều chỗ đã mục nát (Ảnh: Tùng Nguyên).

Sau tai nạn đó, chính quyền xã và hàng xóm hỗ trợ anh dựng lại nhà bằng chính vật liệu từ căn nhà cũ, gia cố cho chắc chắn bằng cách mua xi măng về đổ bê tông 3 trụ chính trong nhà. Còn tường nhà vẫn chắp vá bằng vách nứa, bạt ni lông, nền đất… Sau 10 năm sử dụng, căn nhà bắt đầu mục nát, có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

Thanh nói đùa: "May mà vợ tôi qua đời rồi. Nếu không, lỡ nhà sập lần nữa thì không biết thảm cỡ nào!".

Anh đùa vui nhưng ai nghe cũng cảm thấy chua chát vô cùng, dù chị Phương đã qua đời gần 3 năm mà anh vẫn nhớ không nguôi.

Ông Trần Văn Bông, Trưởng ấp 915, cho biết: "Tôi làm trưởng ấp này 28 năm rồi, biết rõ nhà anh Thanh. Nó thương vợ ghê lắm, bán hết đất đai chữa bệnh cho vợ nên vợ nó mới sống thêm được mười mấy năm".

Năm 2021, vợ Thanh phát bệnh nguy kịch. Sau gần 20 năm sống với căn bệnh hở van tim, cơ thể yếu ớt của chị phát sinh nhiều loại bệnh khác, hành hạ chị từng ngày. Mỗi ngày, số lần chị uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm…

Những năm cuối đời chị, anh Thanh hầu như không làm được gì, mỗi tháng đều mất gần 4 tuần đưa vợ đi cấp cứu, chăm sóc tại bệnh viện.

Anh thở dài khi nhớ lại những ngày đó. Tiền không có, nợ vây quanh, bệnh viện hối thúc viện phí, tiền thuốc thang…

Dù khi ở bệnh viện, Thanh chỉ dám ăn cơm từ thiện, ngủ hàng lang… nhưng tiền vẫn cứ thôi thúc anh trong cả giấc mơ.

Thấy mẹ đau đớn trên giường bệnh, cha hốc hác vì lo toan, cô bé Nguyễn Thị Minh Anh (SN 2004, con gái Thanh) quyết định nghỉ học đi làm công nhân khi chưa tròn 17 tuổi để giảm gánh nặng cho cha, có thêm chút tiền lo cho mẹ.

Nhưng tất cả nỗ lực của 2 cha con không thành, vợ Thanh ra đi vào cuối năm 2021.

Đến chết vợ tôi cũng chưa có cái nhà đàng hoàng để ở - 4

Bán hết đất đai chạy chữa cho vợ nhưng anh Thanh vẫn không cứu được người yêu thương (Ảnh: Tùng Nguyên).

Anh kể: "Em đưa vợ vào viện cấp cứu, bác sĩ yêu cầu nhập viện nhưng thiếu tiền nên 2 vợ chồng về, tính mượn tiền rồi đi lại.  Vợ chồng dắt nhau ra đón xe khách, đang đứng chờ xe thì vợ em ngã gục xuống rồi tắt thở!".

Người đàn ông trung niên bán hết gia tài chữa bệnh cho vợ như mất hồn, đau đớn ôm xác vợ giữa đường mà không khóc nổi.

Người qua đường và cả người quen cùng chờ xe xúm vào giúp anh đưa thi thể vợ về quê. Nghe tin, hàng xóm xung quanh góp tiền giúp anh an táng vợ…

3 năm sau ngày vợ mất, Thanh vẫn ở vậy, hằng ngày đi bán vé số nuôi thân, mua thuốc cầm cự với hàng loạt chứng bệnh.

Anh bệnh nhiều nhưng khi vợ còn sống, anh chưa từng than đau hay đi khám bệnh vì dành hết tiền để chữa trị cho vợ. Vợ mất rồi, anh đi khám mới biết bị tăng huyết áp, trào ngược dạ dày - thực quản, viêm tụy cấp, nang giả tụy… nhưng anh không đi chữa vì sợ trở thành gánh nặng cho con gái.

Anh bảo: "Đau thì mua thuốc giảm đau. Sốt thì uống thuốc hạ sốt. Hết đau, hết sốt thì đi làm. Vậy thôi… Tôi chỉ trăn trở, đến chết, vợ tôi cũng chưa có cái nhà đàng hoàng để ở. Nhà sập rồi không biết thờ cúng vợ ở đâu nữa!".

Đến chết vợ tôi cũng chưa có cái nhà đàng hoàng để ở - 5

Thanh chỉ lo không còn nơi ấm cúng để thờ cúng, mỗi ngày thắp cho vợ một nén hương (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Trần Văn Bông, Trưởng ấp 915, cho biết: "Thanh chí thú làm ăn lắm, do vợ bệnh hiểm nghèo mới khó khăn vậy. Nay vợ mất rồi thì đến phiên anh ấy ốm đau bệnh tật, rất khổ! Địa phương chỉ mong mỏi các nhà hảo tâm giúp cho anh Thanh có căn nhà cứng cáp, không dột để che mưa tránh nắng, yên ổn điều trị bệnh trong những ngày sắp tới".

Ông Lê Văn Bạch, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh, cho biết thêm: "Anh Thanh là hộ cận nghèo của xã, địa phương lúc nào cũng quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, chủ yếu là quà, gạo… chứ tiền thì cũng không có nhiều. Khi vợ anh bệnh thì xã cũng xuất quỹ giảm nghèo hỗ trợ được mấy triệu đồng thôi. Mong quý báo, các nhà hảo tâm xem xét giúp đỡ cho gia đình anh Thanh!".

Mã số 240422:

Đến chết vợ tôi cũng chưa có cái nhà đàng hoàng để ở

29/06/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí