(Dân trí) - Ánh vừa sinh được 7 ngày thì bố bỏ đi biệt tích. Lên 9 tuổi thì mẹ qua đời vì bệnh hiểm nghèo, nữ sinh sống côi cút bên bà ngoại già yếu, mịt mù tương lai.
Khi chúng tôi đến nhà, bà Phạm Thị Hồng (67 tuổi, trú xóm Ái Quốc, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang hái rau trong mảnh vườn nhỏ để bán kiếm tiền, gom góp mua sách vở, bộ quần áo mới cho cháu ngoại Phạm Thị Ngọc Ánh (11 tuổi) chuẩn bị năm học mới.
Phía trước sân, Ánh đang nhặt rau để chuẩn bị cơm trưa. Trông Ánh xinh xắn, dễ thương với dáng người cao, da trắng nhưng nét buồn luôn hiện rõ trên khuôn mặt.
"Cháu chưa bao giờ được gặp bố, chỉ nghe kể về bố qua lời của mẹ và bà ngoại. Giờ mẹ mất, cháu chỉ còn bà ngoại là người thân duy nhất. Bà cũng già yếu lắm rồi nhưng vẫn phải cố gắng làm việc để có tiền nuôi cháu học hành. Cháu thương bà và nhớ mẹ nhiều lắm", Ánh chia sẻ.
Bà Hồng chia sẻ, vợ chồng bà có ba người con (hai gái, một trai). Chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1983) là con gái lớn và chịu nhiều thiệt thòi nhất khi sinh ra đã mắc bệnh tim bẩm sinh và mắt trái bị lác. Bệnh tật hành hạ khiến chị Thủy thấp bé, nặng chỉ 37kg, thường xuyên nằm viện và uống thuốc.
20 tuổi thì bố mất, thương mẹ, chị Thủy vào miền Nam làm thuê để kiếm tiền lo thuốc thang cho mẹ.
Năm 2012, chị Thủy dẫn anh Phạm Văn Thiệp (SN 1982, quê ở Đắk Lắk) về quê ra mắt và xin tổ chức đám cưới. Biết rõ bệnh tình của con gái không thể sinh con vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, bà Hồng khuyên con rể nên tìm một người phụ nữ khỏe mạnh, sau này đỡ khổ.
"Các con vẫn quyết định lấy nhau nên tôi đứng ra lo đám cưới. Ngày cưới bên nội chỉ một mình ông thông gia tham dự. Rồi con gái có thai, sức khỏe suy kiệt, ngất xỉu thường xuyên. Đến tháng thứ 9, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con.
Sau sinh, bệnh con nặng hơn, bác sĩ nói đợi sức khỏe phục hồi sẽ phẫu thuật tim, khuyên gia đình chuẩn bị tâm lý. 9 ngày sau khi con gái sinh, con rể bỏ đi biệt tích. Một mình tôi vừa lo cho con vừa nuôi cháu", bà Hồng kể lại.
Khi bé Ánh được 6 tháng tuổi, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ kinh phí để chị Thủy được phẫu thuật tim. Sau phẫu thuật, sức khỏe của Thủy dần ổn định, đều đặn 3 tháng một lần, chị cùng mẹ già vượt hàng trăm km ra Hà Nội tái khám.
"2 năm trước, con nói đau mỏi 2 chân, đuối sức, tôi vay mượn đưa con đi viện thăm khám thì phát hiện bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, không còn khả năng cứu chữa. Tôi bất lực đưa con về nhà lấy thuốc nam uống với hi vọng được ngày nào hay ngày đó. Được 5 tháng, con mất, để lại đứa cháu còn quá nhỏ dại, ngày đêm khóc nhớ mẹ, xót xa vô cùng", bà Hồng chia sẻ.
Từ lúc chào đời, Ánh đã thiếu vắng tình cảm của bố, không được bú sữa mẹ. Người thân bế cháu Ánh khắp làng trên xóm dưới xin bú nhờ, mua sữa ngoài, chắt nước cơm cho cháu uống…
Năm nay, Ánh lên lớp 6, dù còn ít tuổi nhưng em rất ngoan, hiền lành và thương bà hết mực.
"Các bạn cùng lớp đều có bố, có mẹ, cháu chỉ còn bà thôi. Cháu mong bà luôn khỏe mạnh để bên cạnh cháu. Sau này lớn lên cháu sẽ đi làm kiếm tiền để bà bớt khổ", Ánh tâm sự.
Ông Phan Quang Hà, Trưởng xóm Ái Quốc, xã Diễn Hồng chia sẻ, hoàn cảnh của bà Hồng và cháu Ánh rất bi đát, trong làng ai cũng thương. Nhiều người thân trong gia đình già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo, bà đều lo toan, chăm sóc. Người thân mất, con rể biệt tích, bà lại thui thủi chăm cháu ngoại.
"Sức khỏe của bà Hồng ngày càng yếu khiến hoàn cảnh 2 bà cháu lâm cảnh khó khăn. Rất mong các cơ quan ban ngành, nhà hảo tâm giúp đỡ để cháu Ánh có cơ hội tiếp tục đến trường cũng như ổn định cuộc sống", ông Hà chia sẻ.
"Tôi già yếu, chẳng khác gì ngọn đèn dầu trước gió, tắt lúc nào không hay. Giờ tôi chẳng làm được gì nữa mà vẫn gánh số nợ hơn 100 triệu đồng trước đây vay chữa trị cho con, không biết bao giờ mới trả được.
Tôi mong có sức khỏe để trả dần nợ và rau cháo nuôi cháu ăn học qua ngày. Đời cháu tôi đã chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh rồi", bà Hồng nói.