(Dân trí) - Em Ma Phúc Cường (11 tuổi) hàng ngày hết giờ học lại lọ mọ khắp suối để mò cá, mót rau dại về nuôi em. Cậu bé thân hình gầy gò chỉ mong có ngày kiếm đủ tiền để đưa em gái đi khám mắt.
Cậu bé và giấc mơ lớn nhanh để giúp mẹ kiếm tiền, đưa em đi khám mắt
Năm 2018, cậu bé Ma Phúc Cường (SN 2013), cùng em gái Ma Thị Ngọc Diễm (SN 2016) được mẹ là chị Ma Thị Dinh (SN 1984) dắt díu về nhà ngoại nương nhờ để tránh sự hành hạ của người cha hay rượu chè.
Từ đó đến nay, ba mẹ con họ sống trong căn nhà nhỏ, dựng ở góc vườn nhà bà ngoại ở thôn Nà Mè, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Hàng ngày, chị Dinh đi làm thuê từ mờ sáng, có những hôm tối mịt mới về. Việc cơm nước ở nhà của Cường và em gái có khi nhờ bà ngoại, cũng có khi cậu bé sẽ tự lo bữa ăn cho hai anh em.
Cháu Diễm mắt kém bẩm sinh, nhưng gia đình không có điều kiện đi khám nên không rõ lí do. Đây thực sự là điều khiến chị Dinh nặng lòng và xót xa nhất. Ban ngày, trời sáng cháu còn nhìn được tàm tạm, nhưng cứ mỗi khi chập choạng tối cháu sẽ không nhìn thấy gì nữa.
Khi ngồi đối diện, chúng tôi đưa ra bảng chữ cái mà mỗi chữ to bằng cái bật lửa để cháu Diễm đọc. Thế nhưng, ở khoảng cách 3 gang tay cháu Diễm đã không thể đọc được, phải đến khi đưa vào cách hơn 1 bàn tay cháu mới đọc được chầm chậm.
Bé Diễm rụt rè nói rằng, hàng ngày lúc hai anh em chưa ngủ dậy mẹ đã đi làm, có những hôm mẹ về tối thì con chỉ thấy lờ mờ, không rõ mặt mẹ.
Cường rất thương mẹ và em. Mỗi khi tan học, cậu bé lại tranh thủ đi khắp suối để kiếm cá, mót rau dại về nấu cho em gái ăn. Hôm nào không kiếm được cá thì đã có sẵn chai nước mắm mẹ để ở chân giường, hai cháu lấy ra trộn cơm, ăn qua bữa.
"Cháu ước lớn nhanh để giúp mẹ kiếm tiền, đưa em đi khám mắt", cậu bé nghèo có đôi mắt đượm buồn, lúc nào cũng trầm tư, nhưng khi nói về việc giúp mẹ và em gái thì đầy quyết tâm.
Ở vùng này, ai cũng biết tình cảnh khó khăn của ba mẹ con chị Dinh. Chị Nông Thị Thuận - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Quang chia sẻ:
"Hoàn cảnh gia đình chị Dinh rất khó khăn. Chồng ham mê rượu chè, thường đánh đập vợ con nên chị mang con trốn về đây. Công việc chính của chị là làm ruộng, rồi thêm việc phụ vữa, vác cây thuê cho người ta. Chị có hai con đang theo học tại trường tiểu học Minh Quang. Thương con gái chị, mắt bị tật bẩm sinh mà mẹ không đủ tiền cho đi khám."
Thèm có chỗ lành lặn cho các con trú
Chúng tôi lên Nà Mè đúng vào dịp, bà con ở đây đang thu hoạch lạc. Chị Dinh đợt này nghỉ phụ vữa để nhổ lạc thuê trong xóm, nên khi nghe tin có khách lạ đến nhà thì lọc cọc đạp xe về.
Người phụ nữ dân tộc Tày khắc khổ, khóc tủi hờn, kể về việc bị chồng đánh phải bồng bế con chạy trốn; khóc vì dù đã làm thuê tới nỗi lao lực mà vẫn không lo nổi cho các con, để các con chịu khổ trong ngôi nhà không che được nắng mưa. Mồ hôi và nước mắt của chị cứ thế hòa lẫn vào nhau, lăn dài trên gò má.
Chị Dinh nhớ như in, năm 2018, khi đưa hai con chạy về quê ngoại, dẫu bố mẹ chị khó khăn nhưng đã cho ba mẹ con một con trâu và cắt cho mảnh ruộng trước nhà. Chị Dinh bán trâu, mua lại nếp nhà bếp của hàng xóm với giá 2 triệu đồng. Mỗi ngày chị đều cần mẫn gánh đất, san mảnh ruộng rồi dựng một căn nhà nhỏ.
Nói đúng ra, đây là chỉ là một túp lều vì nó rất nhỏ, lụp xụp, sơ sài và tạm bợ. Nhà 2 gian, lợp lá cọ, tường được làm bằng những thanh tre đan lại thành những tấm liếp trên nền đất mấp mô, có những chỗ mưa xói thủng nham nhở.
Trong căn nhà này, ba thứ có giá trị nhất có lẽ là chiếc giường ọp ẹp, phải nẹp như kiểu người gãy tay bị bó bột cùng cây quạt hoen gỉ được người khác cho từ lâu và chiếc xe đạp "cởi truồng", cọc cạch không phanh - phương tiện duy nhất giúp chị Dinh kiếm cơm.
Cuộc sống của ba mẹ con ngày càng khó khăn, chị Dinh làm đủ thứ việc để lo cho các con, nào là phụ hồ, nào vác cây thuê… nhưng hễ ráo mồ hôi là hết tiền. Chị sợ nhất mỗi khi mưa gió, vì không đi làm được, đồng nghĩa với việc ba mẹ con sẽ phải nhịn đói và sợ căn nhà lụp xụp không đủ sức chống đỡ.
Căn nhà nhỏ của mẹ con chị Dinh nằm cạnh con suối, những khi mưa lớn, nước suối lên thường gây ngập trên mắt cá chân. Ngồi trong nhà chỗ nào cũng thấy trời, chị Dinh vừa khóc vừa nói:
"Nếu mẹ ốm thì con không có gì ăn. Sợ nhất những ngày mưa, vì mưa không có chỗ ngủ, không có cái ăn. Em thèm có chỗ lành lặn cho các con trú, cũng từng mơ có ngôi nhà đàng hoàng, nhưng sức em không đủ, có những hôm mẹ con còn đứt bữa."
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Ma Đức Chiến, Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết, hiện tại trên địa bàn xã Minh Quang có 788 hộ nghèo trên tổng số 1.627 hộ dân (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 48,43%). Hiện tại, hoàn cảnh này quá khó khăn, địa phương nguồn lực hạn chế nên thực sự rất trăn trở. Rất mong được bạn đọc báo Dân trí quan tâm, giúp đỡ."