(Dân trí) - Ông Trình 69 tuổi, quê Hải Dương cấp cứu hơn một tháng tại Hà Nội, vợ ông ở quê cũng phát bệnh, kinh tế gia đình kiệt quệ. Bác sĩ Bệnh viện 108 mong cộng đồng giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn.
Anh đưa bố đi Hà Nội cấp cứu, em đưa mẹ đi Gia Lộc khám tâm thần
Đã gần 2 tháng nay, anh Nguyễn Văn Duy (SN 1981) ở phường Thạch Khôi (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), túc trực thường xuyên ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) vì bố anh là ông Nguyễn Xuân Trình đang rất nguy kịch.
Thiếu tá, Thạc sỹ, bác sĩ Lưu Quang Minh, khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện 108 cho biết, ông Nguyễn Xuân Trình (SN 1955) nhập viện từ ngày 30/6, trong tình trạng hẹp khít van động mạch chủ, hở nặng van hai lá, hẹp nặng đường ra thất trái.
Bệnh nhân đã được thay van động mạch chủ, thay cả van hai lá, tuy nhiên tình trạng bệnh nhân khá nặng. Việc điều trị, hồi sức sau mổ tim rất vất vả.
Các bác sĩ đã vận dụng tất cả các phương thức, những kỹ thuật hiện đại và tiên tiến nhất (bệnh nhân tiến triển nặng, sốc tim nặng có lúc phải hỗ trợ bằng tim phổi nhân tạo - ECMO, đặt bóng đối xung động mạch chủ, lọc máu liên tục…), phối hợp đa ngành, có cả các bác sĩ ở các tuyến cao cấp tham gia hội chẩn. Cả Bệnh viện 108 và Bệnh viện Tim Hà Nội cùng chung tay điều trị trường hợp này, tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân vẫn khá nặng.
Bên cạnh các thông tin về tình hình sức khỏe của ông Trình, bác sĩ Lưu Quang Minh cũng bày tỏ lo lắng về gánh nặng chi phí mà gia đình người bệnh đang đối mặt: "Tính đến nay, chi phí điều trị của ông Trình đã lên đến gần 1 tỷ đồng, dù đã được bảo hiểm chi trả phần nhiều. Nhưng phần còn lại vẫn vượt quá khả năng của gia đình".
Anh Nguyễn Văn Duy rầu rĩ bộc bạch, "đối với gia đình chúng em, gần 2 tháng qua thực sự là ác mộng. Không có các y bác sĩ tận tình chắc chắn bố em đã mất từ lâu. Mẹ em ở quê cũng yếu, vừa lo bố không qua khỏi, vừa lo nghĩ đến số tiền quá lớn mà gia đình phải vay nên bà đổ bệnh. Em trai phải cho bà đi khám bệnh tại Bệnh viện tâm thần ở huyện Gia Lộc".
Theo chia sẻ của anh Duy, tính đến nay, gia đình đã vay 333 triệu, đóng vào bệnh viện 295 triệu, còn lại để mua thuốc men, mua đồ bên ngoài. Hiện tại số tiền cần đóng còn thiếu hơn 100 triệu, vì gia đình chưa xoay xở được nên Bệnh viện cho nợ.
"Chỗ nào vay được thì nhà em cũng đã vay hết rồi, vay cả lãi ngoài. Em học đến lớp 5 thôi, ít bạn bè lắm, còn bạn đi xây thì khó như nhau, ráo mồ hôi là hết tiền nên không có ai mà vay.
Họ hàng hai bên nội ngoại đều nghèo khó. Bên bố em có 6 anh em, một bác mất vì thần kinh; bốn người em gái thì người không lập gia đình, có mỗi một cô có chồng nhưng chồng cũng đã mất", anh Duy bộc bạch hết và nói rằng, bố anh khổ từ xưa đến giờ.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Chủ tịch UBND phường Thạch Khôi, (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cho biết, gia đình ông Trình thuộc diện khó khăn ở địa phương.
2 vợ chồng ông Trình vẫn sống tại căn nhà cấp 4 có 3 gian lợp ngói, được xây từ năm 1985. Cuộc sống của 2 vợ chồng cơ bản khó khăn, vất vả, nguồn thu nhập duy nhất dựa vào hơn một sào rau, lâu lâu mới thu hoạch một lần.
Vợ chồng ông Trình có 3 người con, con gái lớn bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 1994, còn 2 con trai đã lập gia đình. Anh Duy và vợ làm nghề phụ hồ; vợ chồng người con út thì cùng làm công nhân.
"Đối với gia đình em lúc này, từng chiếc bỉm, từng cuộn giấy và miếng khăn ướt đều rất quý giá"
Điều ấm áp và khiến cho anh Duy thấy có động lực nhất những ngày 2 bố con anh ở đây đó là, sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện 108.
"Các bác sĩ ở đây rất chu đáo, rất nhiệt tình, cả người nhà bệnh nhân ở đây cũng thương và hỗ trợ hai bố con em. Có người được ra viện trước có bao nhiêu đồ còn chưa dùng đến thì cho bố con em hết. Đối với gia đình em lúc này, từng chiếc bỉm, từng cuộn giấy và miếng khăn ướt đều rất quý giá", anh Duy hết sức xúc động bày tỏ.
Sau khi xác minh hoàn cảnh của gia đình ông Trình là thật sự khó khăn, Bệnh viện 108 đã miễn giảm một phần viện phí. Bản thân anh Duy nhiều lúc quá suy sụp, các chuyên gia cũng đã ngay lập tức hỗ trợ tham vấn tâm lý, giúp anh vực lại tinh thần.
"Bố mẹ em lúc khỏe làm có hơn sào rau, một bó ở quê bán được 7 nghìn đồng, mà lâu lâu mới được thu hoạch. Giờ bố em nằm đây chẳng biết thế nào, mẹ em cũng ốm nằm li bì. Chúng em thay nhau túc trực thế này không đi làm được nên gần như không có đồng thu nhập nào.
Gia đình chúng em rất mong được báo Dân trí và các nhà hảo tâm giúp đỡ, để bố em có thể tiếp tục được điều trị", anh Duy vừa nói vừa đưa đôi bàn tay khô ráp vuốt xuôi hàng nước mắt.
Thiếu tá, Cử nhân điều dưỡng Đào Quang Thư, khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện 108 tham gia trực tiếp công tác chăm sóc bệnh nhân Trình đánh giá, đây là ca bệnh rất nặng, có những khoảng thời gian, tình trạng bệnh nhân xấu đi, tưởng không qua khỏi. Bệnh nhân đã trải qua hai cuộc phẫu thuật lớn, với sự hỗ trợ của rất nhiều máy móc hiện đại nhất, công tác chăm sóc điều dưỡng cũng vì vậy mà rất sát sao, tỉ mỉ.
"Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi ai ai cũng cố gắng, không bỏ cuộc và kết quả là tình trạng sức khỏe bệnh nhân được cải thiện, có thể giao tiếp được với mọi người. Đây là nguồn động lực vô cùng to lớn trong công tác hành nghề của chúng tôi.
Qua đây, chúng tôi rất mong, bạn đọc báo Dân trí chung tay cùng chúng tôi, giúp đỡ gia đình để người bệnh có thêm hi vọng điều trị tốt hơn", anh Thư nói mong sẽ có nhiều người đồng cảm, giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn.