Con gái út mắc tan máu bẩm sinh, 27 năm phải sống bằng máu người khác, khiến bà Thanh kiệt quệ. Gần đây, bà cũng phát hiện mang bệnh giống con gái, nhưng vẫn phải "gồng gánh" gia đình vượt qua bĩ cực.
Cô gái 28 tuổi, nhưng 27 năm sống bằng máu người khác
Người phụ nữ dân tộc Dao, Triệu Thị Thanh (61 tuổi, trú tại thôn Đồng Mùng, Tân Dân, Hạ Long, Quảng Ninh), bao năm qua chỉ quanh quẩn với ruộng nương. Bà không biết gọi tên căn bệnh thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) là gì.
Nhưng bà được thấy, căn bệnh quái ác nó đã tàn phá một cách ghê gớm cơ thể đứa con gái út 28 tuổi của bà. Không những vậy, cuối năm 2023, bác sĩ cho biết bà cũng mang trong mình căn bệnh giống con gái. Phần đời còn lại của bà phải thường xuyên được truyền máu.
Bà Thanh vẫn nhớ như in, ngày đứa con gái út Triệu Thị Thông (SN 1996) vừa tròn 1 tuổi liên tục sốt cao, co giật, da vàng, còi cọc, bụng trướng to…, vay mượn bà đưa con gái xuống bệnh viện và được nghe bác sĩ cho biết con gái bà mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, phải chữa trị tích cực cả đời.
"Bác sĩ bảo cháu nó mắc bệnh tha - lát - sơ … gì đó (lời bà Thanh- PV). Bệnh cháu nặng phải truyền máu cả đời và khi cháu khỏe hơn phải làm cả phẫu thuật nữa…", bà Thanh kể.
Theo chỉ định của bác sĩ, hàng tháng Thông phải đến bệnh viện ít nhất 1 lần. Cô gái phải truyền máu, truyền tiểu cầu, uống thuốc thải sắt..., đều đặn mới đảm bảo duy trì sự sống. Nhưng do mắc phải căn bệnh thể nặng, lại không được điều trị tích cực, thường xuyên nên nhiều lần Thông đã phải đối diện với tử thần.
Vợ chồng ly thân, mẹ nghèo "gồng gánh" gia đình vượt qua bĩ cực!
Đưa tay lau nước mắt, bà Thanh bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình. Năm 20 tuổi bà kết hôn với người chồng kém 3 tuổi. Đôi vợ chồng dân tộc Dao tuổi còn quá trẻ, học hành không đến nơi đến chốn nên chỉ biết bám vào cái nương, cái rẫy rồi lần lượt 5 người con ra đời.
Nói đến các con, bà Thanh ứa nước mắt nói: "Tôi đẻ 5 đứa con, chỉ 2 đứa có vợ có chồng nhưng đều nghèo khó. Cái Thông thì bệnh nặng như vậy. Đứa con trai thứ 2 thiểu năng trí tuệ, đứa con gái thứ 4 vợ chồng ly hôn, giờ 3 mẹ con dắt nhau về đây. Giờ tôi mà nghỉ ngày nào là cả nhà không biết lấy gì ăn!..."
Bà Thanh kể tiếp, để lo cho gia đình và để đứa con gái út được chữa trị. Trừ những lúc phải đưa con đến bệnh viện, bà phải làm đủ mọi việc từ xin làm thuê, làm mướn cho đến lên rừng hái thuốc lá, kiếm củi, bẻ măng…
Toàn các công việc nặng nhọc, nhưng thu nhập chẳng được là bao, chính vì vậy bao năm qua gia đình bà luôn nằm trong cái vòng luẩn quẩn bệnh tật, đói nghèo…, bủa vây. Cũng xuất phát từ điều này, vợ chồng bà nảy sinh mâu thuẫn rồi "đường ai nấy đi".
Năm 2007, để giữ được mạng sống Thông phải phẫu thuật cắt lách, dẫn đến vợ chồng bà nợ chồng lên nợ. Không chịu được áp lực cuộc sống, người chồng kém 3 tuổi của bà Thanh "khăn gói" ra đi… Hiện ông sống trong cảnh nghèo khó, nên không giúp được gì.
"Kể từ khi ông ấy đi, chỉ mình tôi đưa con bé xuống bệnh viện. Có năm 2 mẹ con phải ăn Tết ở viện. Nhiều lần phải đi nhờ xe tải đến Hà Nội, bởi trong túi không có nổi trăm ngàn đồng. Hôm nào xin được cơm từ thiện sẽ được bữa no, không lại gói mì tôm hay gói xôi 2 mẹ con ăn chung cho qua bữa.
Khổ lắm, nhưng biết phải xoay xở làm sao, trong nhà không có cái gì để mà bán…", bà Thanh bật khóc nấc.
Giữa lúc gồng mình để vượt qua cơn bĩ cực, thì tai họa liên tiếp giáng xuống đầu người mẹ nghèo khó. "Tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, 2 lần đang đi xe máy tôi tự nhiên xây xẩm mặt mày rồi ngã lăn ra, gẫy 4 xương sườn, vỡ xương bánh chè.
Vào bệnh viện bác sĩ cho biết tôi bị choáng do thiếu máu bởi mắc phải cái bệnh giống cái Thông. Từ nay về sau tôi cũng phải truyền máu giống con gái… Sao mẹ con tôi lại khổ thế này!", bà Thanh ôm mặt bật khóc.
Con gái quá lịch đến bệnh viện, mẹ đã "lực bất tòng tâm"
Người mẹ hướng đôi mắt đầy nước đến cái giường kê nơi góc nhà, trên đó đứa con gái tội nghiệp của bà đang nằm thở dốc với làn da mặt phù nề, vàng bủng, tay, chân gầy guộc, chỉ duy có chiếc bụng là phình to như cái trống, khiến ai nhìn thấy không khỏi rùng mình, thương cảm.
"Lịch hẹn truyền máu của con bé đã quá mấy ngày, nhưng chưa có tiền để đưa cháu đi. Lần trước bác sĩ bảo phải đến viện đúng lịch bởi nó đã bị suy tim, suy thận rồi, để muộn rất nguy hiểm. Nhà mình thế này thì ai người ta dám cho vay…", bà Thanh đau lòng nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lý Văn Kim, trưởng thôn Đồng Mùng cho biết: "Cả xã này ai cũng biết cháu Thông mang bệnh nặng gần 30 năm rồi, cuộc sống của cháu ở viện là chính.
Nếu không được truyền máu và uống thuốc đều sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bà Thanh năm ngoái liên tiếp gặp nạn lại phát hiện mắc bệnh giống con, cũng phải đi truyền máu…
Trước tình cảnh hiện tại của gia đình bà Thanh, bà con và chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên nhưng cũng chỉ được phần nào. Chúng tôi tha thiết mong bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ!...".