Ca bệnh hy hữu tại Tây Nguyên:

Người uống nhầm acid 4 tháng không tử vong

Tưởng nhầm chai acid là rượu, một người đàn ông ở Đắk Lắk đã ngửa cổ uống gần cạn. Sức nóng khủng khiếp từ acid đã khiến nạn nhân sau đó phải hứng chịu cơn đau thắt ruột. Điều đáng nói là thay vì đến viện, người này lại âm thầm tự rửa ruột và chịu đựng. Ròng rã 120 ngày (tức tròn 4 tháng sau), anh mới nhập viện do không thể chịu đựng hơn nữa. Trước ca bệnh hiếm có, các bác sĩ cũng bảy tỏ sự ngạc nhiên. Bởi nạn nhân đã quá may mắn khí không tử vong trong thời gian dài chịu đựng.

Anh Toàn đã khỏe lại sau ca phẫu thuật.
Anh Toàn đã khỏe lại sau ca phẫu thuật.

Nhầm lẫn “ chết người”

Những ngày qua, sau khi thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ dạ dày và cấy túi đựng thức ăn, bệnh nhân Nguyễn Kim Toàn ( 29 tuổi), trú thôn Phú Tân, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã khỏe lại, có thể ăn uống bình thường. Nhớ lại quãng thời gian chịu đựng cơn đau hành hạ vì sự nhầm lẫn tai hại của mình, anh Toàn vẫn chưa hết rùng mình. Sự cố hy hữu ấy khiến anh phải cắt bỏ dạ dày. Nhưng có lẽ, chừng đó vẫn còn là may mắn nếu biết anh đã uống gần trọn chai acid đậm đặc.

Trao đổi với người thân, chúng tôi được biết anh Toàn có một tật xấu hay nhậu nhẹt. Mỗi lần uống rượu, Toàn đều "ngâm nga" đến khi say khướt. Cũng bởi tật xấu này, sức khỏe của anh bị ảnh hưởng đáng kể.

Tai nạn hy hữu xảy ra với anh Toàn, cũng bắt nguồn từ chính tật xấu rượu chè bê tha. Với giọng yếu ớt, anh Toàn kể lại: "Ngày 30 Tết Nguyên đán vừa qua, tôi có đi uống rượu cùng bạn bè, lúc trở về nhà thì đã say khướt". Trong bộ dạng lướt khướt, anh Toàn không đi ngủ mà lại lần mò tìm... rượu để uống tiếp. Trong căn bếp lờ mờ ánh sáng, anh Toàn dò dẫm mãi mới thấy một chai đựng chất lỏng đặt ở góc phòng. Do thần trí không còn tỉnh táo, anh Toàn không kiểm tra mà đưa thẳng lên miệng, ngửa cổ uống ừng ực. Nào ngờ, đó không phải rượu mà là chai đựng acid đậm đặc.

Hệ quả đến ngay sau đó. Dòng acid bỏng rát khiến anh Toàn như tỉnh hẳn cơn say. Những cơn đau quặn ruột khiến người đàn ông này không ngớt ôm bụng gào thét, miệng nôn ra máu. Từ trên nhà nghe tiếng la hét, người nhà vội vàng chạy xuống. Phát hiện thấy chai acid bị anh Toàn uống gần cạn còn nằm chỏng chơ bên cạnh, người nhà vội tiến hành sơ cứu. Sau khi uống nước, móc họng liên tục để rửa ruột anh Toàn thấy đỡ hơn một chút nên đã lên nhà nằm nghỉ.

Vài ngày sau đó, do hoàn cảnh khó khăn, người đàn ông này vẫn không chịu đi viện. Chỉ đến khi cơn đau không ngừng tăng lên, anh mới chịu cho người nhà đưa ra trạm xá thăm khám sơ bộ. Nhưng khi được tư vấn chuyển lên tuyến trên điều trị và biết kinh phí tốn kém, anh Toàn lại... xin về. Chuỗi ngày tự chống chọi với di chứng acid tàn phá cơ thể của anh mới thực sự bắt đầu.

Bà Lê Thị Quá (53 tuổi, mẹ bệnh nhân Toàn) cho biết: "Sau khi từ chối nhập viện điều trị, Toàn trở về nhà. Nhưng chuỗi ngày sau đó, nó ăn gì cũng nôn ra hết. Từ miệng tới cổ họng và dạ dày lúc nào cũng đau rát, cháy bỏng. Ngay cả việc uống nước cũng vô cùng đau đớn. Từ một thanh niên khỏe mạnh với cân nặng gần 65kg, sau tròn 4 tháng, nó sụt xuống chỉ còn 45kg".

Không thể chịu nổi những cơn đau, nhiều lúc anh Toàn muốn tìm tới cái chết để giải thoát khỏi những cơn đau. Những lần như vậy, gia đình lại luôn bên cạnh động viên, khuyên can anh. Mọi người cũng luôn hi vọng sẽ có phương cách nào đó có thể chấm dứt tình trạng đau đớn này. "Sau tròn 4 tháng, chứng kiến Toàn chống chọi với đau đớn và tuyệt vọng, tôi được bác sĩ ở trạm xá tư vấn nên đưa con đi cắt bỏ để ghép dạ dày mới. Ngay sau đó, chúng tôi đã quyết định đưa Toàn lên BVĐK Thiện Hạnh để cắt bỏ dạ dày", bà Quá cho biết.

May mắn hiếm có

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân đặc biệt này, đội ngũ y bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk) đã khẩn trương tiến hành thăm khám. Bác sĩ Nguyễn Đức Thanh - Trưởng kíp mổ Khoa Ngoại đã cùng ê kíp của bệnh viện thực hiện hàng loạt các thủ thuật y khoa để có thể đánh giá chính xác nhất tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Qua kiểm tra cho thấy, toàn bộ dạ dày của anh Toàn bị bỏng, lở loét hẹp môn vị. Đặc biệt dạ dày đã bị teo nhỏ lại như trái cau và không còn chức năng như bình thường nữa. Sau khi đánh giá, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh đã tiến hành hội chẩn để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân này.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thanh cho biết: "Cần tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày cũ nối thực quản hồng tràng có tạo túi chứa. Nhưng trường hợp uống acid rồi chịu đựng đến 4 tháng không nguy hiểm tính mạng như Toàn quả thật quá may mắn". Ca mổ được tiến hành và kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ với các y bác sĩ hàng đầu của bệnh viện. Sau khi dạ dày cũ được cắt ra, một túi chứa mới đã được cấy lại vào cơ thể của anh Toàn. Các bác sĩ cho biết tuy có cùng chức năng nhưng túi chứa mới này không có khả năng co bóp hoặc tiết ra dịch vị như với dạ dày bình thường. Vì vậy, người bệnh cần có thời gian để làm quen.

Hiện tại sau khi hoàn tất ca phẫu thuật cấy túi chứa mới, sức khỏe của anh Toàn đã tốt hơn: "Tôi không bị đau rát cũng không còn nôn ói ra máu như trước. Tôi ăn ngủ được và cảm thấy ngon miệng hơn. Chỉ vì một phút sơ suất tôi đã tự hại mình. Nghe bác sĩ nói, tôi mới thấy rùng mình bởi hành xử dại dột của mình. Cũng may, 4 tháng tự chịu đựng, điều trị ở nhà không làm tôi bị nguy đến tính mạng".

Sau phẫu thuật cắt dạ dày, sẽ có một số vấn đề liên quan đến dinh dưỡng người bệnh. Bệnh nhân sẽ cảm thấy khó khăn trong việc giữ cân nặng. Bác sĩ Thanh cho biết: "Nếu nhận thấy có sự giám cân từ từ bệnh nhân cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng ngay để hỗ trợ gia tăng năng lượng đưa vào cơ thể. Đầu tiên phải là dùng thêm calci, vitamin D và sắt vì những chất này được hấp thu chính là ở dạ dày. Nếu trường hợp bị cắt toàn bộ dạ dày thì phải tiêm thêm vitamin B12; giữ cho thần kinh và ống tiêu hóa được bền vững. Cần xét nghiệm máu để biết lượng sắt và vitamin B12 có được cung cấp đầy đủ qua ăn uống không".

Bác sĩ Thanh cũng khuyến cáo, sau khi bị cắt dạ dày, bệnh nhân Toàn không nên ăn nhiều một lúc, phái chia khẩu phần làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Do thiếu dịch vị nên việc tiêu hóa thức ăn phải trông đợi vào men của ruột, gan, tuyến tụy. Để khắc phục những vấn đề này thì việc điều chỉnh và có một chế độ ăn thích hợp là vô cùng cần thiết Bệnh nhân cần hạn chế ăn ít các loại thức phẩm có nhiều chất xơ. Không nên uống các loại nước có gas trong bữa ăn. Cần tăng lượng chất béo trong thức ăn người bệnh để cung cấp năng lượng thay thế cho thức ăn ngọt. Ngoài ra, người bệnh cũng phải tránh các thức ăn nêm nhiều gia vị, rau, quả muối hay ngâm dấm. Nhóm các loại trái cây chanh, bưởi, cam cũng cần hạn chế. Thông thường, những bệnh nhân mổ, cắt dạ dày có thể xuất hiện những cơn ợ hơi và đau quặn. Khi ấy, người nhà cần nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà vào ly nước ấm rồi cho bệnh uống từng ngụm nhỏ.

Nói về trường hợp uống nhầm axit hy hữu này, bác sĩ Thanh cũng cho biết ông thực sự kinh ngạc. Bởi lẽ, người bình thường nếu uống nhầm acid đậm đặc, có thể gây thủng thực quản, gây suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong. Cách duy nhất để hạn chế biến chứng là phải sơ cứu ngay lập tức. Với những trường không may uống phải acid, cách sơ cứu nhanh và hiệu quả nhất là ngậm nước lọc rồi nhổ ra liên tục hoặc nhúng phần bị axit vào trong chậu nước chảy để hòa lãng axit. Sau đó chuyển đến các tuyến chuyên khoa để xử lý.

Theo Doanh Doanh

Gia đình và Xã hội