Rơi nước mắt vì giáo viên vùng cao

(Dân trí) - “Tôi đã từng chứng kiến một cô giáo trẻ, rất xinh đẹp ở Tây Nguyên không chỉ cõng học sinh mà còn cõng cả lũ em lít nhít của chúng, dẫn theo cả đàn lợn cũng lít nhít cùng đến trường và vẫn vui cười dạy các em trong phòng học toàn mùi phân lợn…”

“Chiếc cặp của cô giáo ấy còn có rất nhiều kẹo để vừa dạy và vừa dỗ học sinh. Lũ trò nhỏ ê a trong tiếng lợn kêu ụt ịt, nhìn cảnh cô giáo trẻ măng đứng lớp như vậy, tôi đã không cầm được nước mắt”- Đó là tâm sự của Thạc sĩ Phạm Văn Nam, một cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học và Phát triển giáo dục.
 
Thương quá, thầy cô!

Vốn là người theo dõi hoạt động về thiết bị dạy học của các địa phương trên cả nước hàng chục năm nay, hầu như ông Nam đã tới được tất cả những ngôi trường khốn khó nhất và đã từng chứng kiến những cảnh tượng giáo dục khốn khó nhất.

Cũng trong câu chuyện của ông Nam, khi đoàn khảo sát của Viện đến một lớp học ghép ở Hà Giang, khi chứng kiến cảnh học sinh các lớp từ 1 đến 4 chung nhau học trong một lớp ghép bằng tranh tre bốn bề lộng gió, cô giáo xoay như chong chóng hết dạy tốp này đánh vần lại quay sang dạy tốp khác làm tính…

Cả cô cả trò đều tím tái trong cái lạnh buốt của núi đá khi áo quần của họ đều mỏng manh và chẳng ai có tất, có giầy… Một vị giáo sư đi trong đoàn đã không thể cầm lòng được nên phải hành động rất “bột phát” là vét tất cả những đồng tiền có trong túi của mình để tặng cho cô trò nơi đây.

Rơi nước mắt vì giáo viên vùng cao - 1

Hàng vạn thầy cô giáo phải chấp nhận sự hy sinh vì sự nghiệp giáo dục…

Một ngôi trường khác ở Kon Tum thì chỉ cách thị xã khoảng 7km nhưng từ hoá đơn điện thoại chỉ có trị giá 27.000 đồng cũng phải làm tờ trình lên Phòng Giáo dục để thanh toán vì nhà trường không biết lấy tiền ở đâu…

Ở Mường La, Sơn La, vào mùa giáp hạt, mỗi học sinh người dân tộc thiểu số được tỉnh hỗ trợ 120.000 đồng để đến trường. Nhưng đến mùa, các em vẫn bỏ học.

Cô giáo Cầm Thị Liên - Phó trưởng phòng giáo dục huyện Mường La ngậm ngùi kể chuyện: Với một huyện 95% học sinh là người dân tộc thiểu số thì đến mùa phát nương, học sinh bỏ học theo gia đình đi làm nương rẫy là chuyện không tránh khỏi. Nhưng ngành giáo dục ở đây đã giao cho giáo viên trách nhiệm rất nặng nề: Để học sinh nghỉ học thì lỗi đầu tiên thuộc về giáo viên. Cho nên, đầu năm các thầy cô nhận “khoán” vừa phải chống ngồi nhầm lớp, vừa thực hiện tốt “Hai không” nhưng vẫn phải giữ được sĩ số lớp!

Mỗi năm ở Mường La xét lên lớp làm 3 đợt, học sinh học hết chương trình của lớp nào thì được xét lên lớp mới. Cũng vì nhận khoán, người trong vùng cũng không còn lạ khi thấy cảnh có những cô giáo đưa các em đến trường mà nước mắt lưng tròng vì tủi thân, thương cho nghề giáo sao mà lặn lội và quá vất vả đến vậy!
 
Sự nghiệp giáo dục còn gian nan lắm…

Nhìn dưới một góc độ khác về sự tủi thân này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM có đưa ra một nhận xét: “Hiện nay giáo viên mầm non trình độ CĐ mới ra trường có mức lương 1-1,5 triệu đồng/tháng. Tết chỉ được vài trăm ngàn đồng tiền thưởng. Giáo viên trình độ Trung cấp mới ra trường thu nhập còn thấp hơn. Trong khi đó một người giúp việc (chỉ học qua lớp đào tạo hai tháng) có mức lương 1,5 triệu đồng/tháng cộng với chi phí ăn, ở tại gia đình chủ nhà, có lương tháng 13 trong dịp Tết, được may quần áo mới trong dịp lễ, thuốc men khi ốm đau... Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc!”

Còn ông Bùi Văn Duôi, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình đã đề nghị tha thiết trước nghị trường để “xin” cho ngành giáo dục: “Cô giáo mầm non 10 năm đi dạy vẫn chỉ là 500.000đ, trong khi đó hợp đồng chỉ là lao công, bảo vệ, lái xe, cứ hai năm được tăng lương một lần. Cán bộ xã chỉ đi làm nửa buổi còn chắc chắn nửa buổi lên nương nhưng cũng còn được tăng lương, còn được phụ cấp trong khi đó kể cả cô giáo tiểu học 10 năm đi dạy cũng chỉ có 500.000đ. Số cán bộ xã, mỗi một xã 20 người nhưng cô giáo mầm non chắc chắn xã nào cũng không đến 10 người. Cho nên, tôi xin đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến đời sống của các cô giáo!”

Trong khi chờ đợi, vì ngành giáo dục không thể tự cho mình cái “quyền” được tăng lương cho giáo viên cao hơn so với mặt bằng lương chung của các ngành nghề khác nên vừa qua, lãnh đạo ngành đã nghĩ ra “sáng kiến” bằng một lời kêu gọi mùa đông.

Rơi nước mắt vì giáo viên vùng cao - 2

Lời kêu gọi "không để học sinh nào đi học thiếu đồ dùng học tập, sách vở, thiếu quần áo ấm..." vừa được Bộ GD-ĐT phát động vào đầu mùa đông 2008. 

Nhìn nhận trong một bối cảnh chung, điều kiện kinh tế của Việt Nam còn nghèo, lại có những vùng đặc biệt khó khăn: vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Còn nữa, thiên tai hàng năm gây ra thiệt hại rất lớn, mỗi trận bão qua, mỗi mùa lũ tới, mỗi cơn lốc xoáy đi qua làm hàng trăm phòng học và đồ dùng học tập bị hư hỏng, hàng nghìn cán bộ giáo viên, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên lâm vào tình thế khó khăn, không có sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí thiếu ăn, thiếu quần áo lành để mặc, không giày dép, mùa đông không có áo ấm…

Vì thế, Bộ GD-ĐT kêu gọi: “Hãy quyên góp các đồ dùng học tập, sách vở, quần áo ấm, hoặc tiết kiệm chi tiêu của mình, gia đình mình, đơn vị mình, hãy dành sự quan tâm, chia sẻ với một bộ phận học sinh, sinh viên và nhà giáo hàng năm phải đối mặt với khó khăn gian khổ đặc biệt để duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục, vì tương lai đất nước. Để các em học sinh đến trường, không học sinh nào đi học mà thiếu đồ dùng học tập, sách vở, thiếu quần áo ấm và chăn màn…”

Việc kêu gọi thế này, từ trước đến nay chưa hề có tiền lệ trong ngành giáo dục và cũng có thể coi đó là một trong những giải pháp tình thế để tạm dừng lại những khoảnh khắc có thế rơi nước mắt vì giáo dục. Nhưng như tâm sự của Thạc sĩ Phạm Văn Nam cũng như rất nhiều các nhà khoa học, quản lý giáo dục khác thì: Sự nghiệp giáo dục còn gian nan lắm!

Bài: Mai Minh
Ảnh: Phạm Thông