1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kon Tum:

Xuất hiện loài ốc lạ tàn phá hoa màu cực nhanh

(Dân trí) - Ngày 24/8, ông Đinh Quang San, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Kon Tum, cho biết, trên địa bàn thành phố Kon Tum vừa xuất hiện loài ốc lạ phá hoại hoa màu với tốc độ lây lan nhanh.

Xuất hiện loài ốc lạ tàn phá hoa màu cực nhanh - 1


Một loài ốc lạ từng xuất hiện trong các vuông nuôi tôm ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) khiến tôm thường bị bệnh, chậm lớn và giảm năng suất. Loại ốc này sau đó được xác định là ốc đinh. (Ảnh: vietlinh.com.vn)
 
Tại địa bàn phường Nguyễn Trãi (TP Kon Tum), chỉ trong thời gian ngắn, loài ốc lạ đã “tiêu diệt” trên 3.000m2 diện tích trồng dưa leo của người dân. Anh Lê Dương Bình, một chủ đất có vườn dưa leo bị phá tại phường Nguyễn Trãi cho biết, chỉ trong một đêm, sáng ra cả vườn dưa leo của anh bị triệt hạ hoàn toàn, trong khi ban ngày không thấy có biểu hiện gì của sâu bệnh.

 

Theo ông San, đây là loài ốc lạ từ trước nay ông chưa từng gặp, dù ông đã có gần 40 năm công tác trong ngành. Loài ốc này có hình thù nhỏ như đầu tăm, phần đít nhọn, phần miệng không có nắp đậy như các loài ốc khác. Ốc lạ chủ yếu hoạt động vào ban đêm, còn ban ngày chúng núp dưới các tảng đất cách mặt đất chừng 10cm trở lên, với mật độ rất dày, chờ đến đêm thì bò lên phá hoại hoa màu. Không chỉ mầm non của hạt cây dưa leo, Chi cục đã thử nghiệm gieo giống các loại hạt khác như đậu phộng (lạc), đậu đen, đậu xanh… khi lên mầm đều bị loài ốc lạ này xơi tái.

 

Cũng theo ông Đinh Quang San, Chi cục đã thử dùng biện pháp diệt trừ như: Dùng thuốc trị ốc bươu vàng phun xịt; dùng Basudin hạt trộn với vôi bột rải lên mặt ruộng… nhưng đều không diệt được. Hiện, Chi cục tạm thời thử nghiệm bằng phương pháp lấy cám bột nuôi heo (cám gạo) rắc xung quanh vùng có ốc lạ để phòng ngừa, vì loài ốc có đặc tính là nơi cửa miệng có chất nhờn, nếu gặp phải cám bột sẽ đậy nắp lại, không hoạt động được. Mặt khác, Chi cục đã lấy mẫu gửi ra Cục Bảo vệ thực vật trung ương để xác định đây là loại ốc gì và có biện pháp phòng trừ.

 

Trước đó, trên địa bàn tỉnh này, nhất là ở huyện Sa Thầy, đã xuất hiện một loại bệnh mới trên hàng trăm héc ta mỳ (tạm gọi là bệnh Chổi rồng), khiến người dân nơi đây lao đao vì 80% thu nhập của họ là từ cây mỳ.

 

Đại Hoà