DNews

Các đối thủ của phương Tây xích lại gần nhau: Trật tự thế giới "rung lắc"?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phương Tây bày tỏ sự lo ngại về kịch bản các đối thủ của khối này đang tăng cường bắt tay nhau, trong một nỗ lực dường như là nhằm tạo ra trật tự thế giới mới.

Các đối thủ của phương Tây xích lại gần nhau: Trật tự thế giới "rung lắc"?

Hơn 2 năm chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, phương Tây đã đưa ra hàng loạt cáo buộc cho rằng Moscow đã nhận được UAV từ Iran, đạn pháo, tên lửa từ Triều Tiên và linh kiện vũ khí từ Trung Quốc.

Tất cả các quốc gia nói trên đều bác bỏ những cáo buộc, nhấn mạnh đây là thông tin vô căn cứ.

Mỹ và các đồng minh cho rằng "sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên" đã giúp Nga củng cố vị thế trên chiến trường và gây hại cho Ukraine.

Mặt khác, theo Foreign Policy, đây dường như mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Phương Tây dường như đã nhận thấy một xu hướng mới đáng lo ngại khi các đối thủ của họ ngày càng tiến lại gần nhau cả về kinh tế, quân sự, chính trị và khoa học kỹ thuật.

Bốn quốc gia này ngày càng xác định những lợi ích chung, phối hợp các hoạt động quân sự và ngoại giao của họ. Sự hợp tác giữa họ đang dường như đang tạo ra một trục mới trên thế giới, có thể làm thay đổi bối cảnh địa chính trị.

Xích lại gần nhau

Nhóm này không phải là một khối và không phải là một liên minh. Thay vào đó, theo Foreign Policy, đó dường như là một nhóm các quốc gia bất bình với trật tự đơn cực của phương Tây lập ra sau Chiến tranh Lạnh.

Họ dường như muốn thể hiện tiếng nói, vị thế của họ trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Khi 4 quốc gia này hợp tác, họ tạo ra tác động lớn hơn nhiều so với tổng nỗ lực riêng rẽ của từng quốc gia cộng lại. 

Khi hợp tác cùng nhau, họ tăng cường khả năng quân sự của nhau; làm giảm hiệu quả của các công cụ chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt. Mục đích chung của họ là tạo ra một giải pháp thay thế cho trật tự hiện tại do Mỹ lãnh đạo.

Sự hợp tác giữa 2 nước này không phải là điều mới. Trung Quốc và Nga đã nâng cao quan hệ đối tác kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Xu thế này gia tăng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và bị phương Tây nỗ lực "buông màn sắt" cô lập.

Tỷ trọng thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng gấp đôi từ 10 lên 20% trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2021, và từ năm 2018 đến 2022, Nga đã cung cấp tổng cộng 83% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc. Công nghệ của Nga đã giúp quân đội Trung Quốc tăng cường khả năng phòng không, chống hạm và tàu ngầm.

Bắc Kinh và Moscow cũng bày tỏ tầm nhìn chung. Đầu năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một tuyên ngôn chung cam kết mối quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa hai nước và kêu gọi "quan hệ quốc tế kiểu mới". Nói cách khác, họ muốn tạo ra một hệ thống đa cực trên toàn cầu.

Các đối thủ của phương Tây xích lại gần nhau: Trật tự thế giới rung lắc? - 1

Phương Tây cáo buộc Iran cung cấp UAV Shahed cho Nga sử dụng ở Ukraine, điều mà cả Tehran và Moscow đều bác bỏ (Ảnh: Truyền thông Nhà nước Iran).

Iran cũng tăng cường hợp tác với các quốc gia đối thủ của phương Tây trong những năm qua. Tehran cùng Nga đã hợp tác để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến năm 2011.

Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga và Iran trong những năm qua, và điều này đã góp phần giúp Tehran và Moscow vượt qua lệnh trừng phạt của phương Tây.

Triều Tiên đã xem Trung Quốc là đồng minh và đối tác thương mại chính trong hàng thập niên. Bình Nhưỡng trong thời gian qua đã tăng cường quan hệ và hợp tác với Nga.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chiến sự Nga - Ukraine bùng phát vào năm 2022 dường như là chất xúc tác khiến hoạt động hợp tác giữa 4 quốc gia nói trên mạnh mẽ hơn.

Moscow là một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Tehran trong hai thập niên qua. Nga cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này. Xuất khẩu của Nga sang Iran đã tăng 27% trong 10 tháng đầu năm 2022.

Năm ngoái, Nga đã thay thế Ả-rập Xê-út trở thành nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc và thương mại giữa hai nước đạt 240 tỷ USD, mức cao kỷ lục.

Các đối thủ của phương Tây xích lại gần nhau: Trật tự thế giới rung lắc? - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cam kết 2 nước sẽ tăng cường hợp tác (Ảnh: Reuters).

Cuối tháng 3, Nga cho rằng các cường quốc cần cách tiếp cận mới với vấn đề Triều Tiên và nên từ bỏ việc gây áp lực bằng cách "bóp nghẹt" Bình Nhưỡng.

Nga cũng phủ quyết việc gia hạn một nhóm chuyên gia giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên liên quan đến các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Việc các quốc gia tăng cường hợp tác được thúc đẩy bởi quan điểm không muốn tuân thủ theo trật tự thế giới mà phương Tây đã tạo ra. Cả 4 quốc gia đều coi Mỹ và đồng minh là trở ngại chính trong việc thiết lập các phạm vi ảnh hưởng của họ và họ muốn giảm sự hiện diện của Washington tại các khu vực đó.

Họ phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của họ, phản đối việc mở rộng liên minh của Mỹ dẫn đầu, phản đối việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài và sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Dĩ nhiên, các quốc gia này cũng có những bất đồng quan điểm và cạnh tranh về tầm ảnh hưởng lẫn nhau ở một số khu vực chồng lấn. Ví dụ, Nga và Trung Quốc cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở Trung Á. Iran và Nga cũng là đối thủ cạnh tranh để cung cấp dầu cho các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và châu Á.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa họ không làm lu mờ đi một quyết tâm chung nhằm thách thức trật tự quốc tế mà phương Tây đã kiểm soát trong những năm qua.

Vai trò của Nga

Các đối thủ của phương Tây xích lại gần nhau: Trật tự thế giới rung lắc? - 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 4/2 (Ảnh: AFP).

Nga được xem là tác nhân chính khiến sự hợp tác này trở nên chặt chẽ hơn trong thời gian qua. Chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine đánh dấu một sự không thể quay ngược trở lại của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin trong nỗ lực đối phó với phương Tây.

Ông Putin và các quan chức Nga đã không dưới một lần thể hiện quyết tâm thay đổi trật tự thế giới do phương Tây thống trị.

Nga bị áp hàng chục nghìn lệnh trừng phạt và bị phương Tây tìm cách cô lập khỏi các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư và công nghệ, vì vậy, họ không có lựa chọn nào khác là phải tăng hợp tác với những quốc gia thân thiện.

Ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, sự hỗ trợ quân sự của Moscow dành cho Bắc Kinh đã làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ trước Trung Quốc. Nga đã cung cấp vũ khí hiện đại cho Trung Quốc và các cuộc tập trận quân sự chung của hai nước ngày càng gia tăng về quy mô và tần suất.

Các sĩ quan Nga từng chiến đấu ở Syria và khu vực Donbas của Ukraine đã chia sẻ những bài học quý giá với quân nhân Trung Quốc, giúp lực lượng Bắc Kinh bù đắp cho tình trạng thiếu kinh nghiệm tác chiến.

Việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã làm giảm tính cấp thiết của việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Nga, nhưng hai nước có thể sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ và phát triển vũ khí chung.

Ví dụ, vào tháng 2, các quan chức Nga xác nhận rằng họ đang làm việc với các đối tác Trung Quốc về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho quân sự.

Moscow vẫn giữ lợi thế hơn Bắc Kinh trong các lĩnh vực quan trọng khác, bao gồm công nghệ tàu ngầm, vệ tinh viễn thám và động cơ máy bay. Nếu 2 bên hợp tác chặt chẽ hơn, thì kịch bản Nga hỗ trợ công nghệ quân sự cho Trung Quốc có thể làm giảm lợi thế của Mỹ so với Bắc Kinh.

Kịch bản tương tự có thể xảy ra trong quan hệ giữa Nga với Iran và Triều Tiên. Moscow và Tehran đã tạo dựng điều mà chính quyền Mỹ gọi là "mối quan hệ đối tác quốc phòng chưa từng có" nhằm nâng cấp khả năng quân sự của Iran. Nga đã cung cấp cho Iran máy bay, phòng không, khả năng giám sát, trinh sát và năng lực mạng tiên tiến và Tehran đã sử dụng chúng để tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Với Triều Tiên, Nga cũng đã cam kết tăng cường hợp tác quân sự, nên kịch bản tiềm tàng về việc chuyển giao công nghệ quân sự có thể xảy ra.

Ảnh hưởng với phương Tây và trật tự thế giới mới?

Các đối thủ của phương Tây xích lại gần nhau: Trật tự thế giới rung lắc? - 4

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mỹ đã dẫn đầu trật tự thế giới trong hàng chục năm kể từ khi Chiến tranh Lạnh khép lại (Ảnh: Reuters).

Sự hợp tác giữa các quốc gia này có thể làm giảm đi hiệu quả của các công cụ mà Washington và các đối tác thường sử dụng để đối đầu với các đối thủ. 

Tất cả 4 quốc gia cũng đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Tỷ trọng hàng nhập khẩu của Nga được tính bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng từ 3% vào năm 2021 lên 20% vào năm 2022.

Và vào tháng 12/2023, Iran và Nga đã hoàn tất thỏa thuận tiến hành thương mại song phương bằng đồng nội tệ của họ. Bằng cách chuyển các giao dịch kinh tế của họ ra khỏi tầm với của các biện pháp thực thi của Mỹ, các nước này đang nỗ lực làm suy yếu tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tận dụng lợi thế của các đường biên giới và khu vực ven biển chung, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga có thể xây dựng mạng lưới thương mại và vận tải an toàn trước sự can thiệp của Mỹ.

Ví dụ, Iran có thể vận chuyển hàng hóa tới Nga qua Biển Caspi, nơi Mỹ có rất ít quyền lực để ngăn chặn. Nga có thể tăng cường xuất khẩu dầu và khí đốt bằng đường bộ sang Trung Quốc ở phía nam, giảm sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào tuyến nhập khẩu năng lượng đường biển mà Mỹ có thể tác động.

Các nước này cũng lập ra những cơ chế mới để đối đầu với phương Tây. Năm ngoái, Nga và Trung Quốc nâng Iran từ quan sát viên lên thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Họ sau đó mời Iran tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), một nhóm mà Trung Quốc và Nga coi là đối trọng với phương Tây.

Việc Iran tham gia các diễn đàn quốc tế sẽ mang lại cho nước này cơ hội mở rộng hợp tác thương mại với các quốc gia thành viên.

Trật tự toàn cầu khuếch đại sức mạnh của các quốc gia hùng mạnh dẫn đầu. Ví dụ, Mỹ đã nỗ lực xây dựng trật tự quốc tế hiện tại vì nó phản ánh những ưu tiên của Mỹ và mở rộng ảnh hưởng của Washington.

Miễn là một mệnh lệnh vẫn đủ mang lại lợi ích cho hầu hết các thành viên thì một nhóm quốc gia cốt lõi sẽ bảo vệ nó. Trong khi đó, các quốc gia bất đồng chính kiến nếu không bắt tay được với nhau, họ sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu họ xích lại gần nhau, họ có thể có đủ sức mạnh để tạo ra sự thay đổi. Nhưng nếu nhóm này không có các quốc gia hùng mạnh làm cốt lõi, lợi thế vẫn sẽ thuộc về trật tự hiện có.

Nga và Trung Quốc nhiều lần khẳng định sẽ không lập liên minh quân sự. Tuy nhiên, sự bắt tay giữa cường quốc sản xuất quân sự và nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng khiến phương Tây lo ngại và cảnh báo trong thời gian qua.

Cho đến nay, hầu hết sự hợp tác giữa Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga đều mang tính song phương. Sự kết hợp giữa 3 bên hay 4 bên có thể tác động tới cục diện thế giới. Cần lưu ý, 3/4 nước trên có vũ khí hạt nhân, trong khi Iran tuyên bố có khả năng chế tạo bom nguyên tử.

Ngoài ra, các quốc gia phản đối trật tự do Mỹ dẫn đầu như Belarus, Nicaragua, Venezuela cũng có thể gia tăng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với 4 nước trên.

Nếu nhóm này tăng quy mô và thắt chặt phối hợp, Mỹ và các đồng minh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ trật tự mà họ đã dẫn đầu trong hàng chục năm qua.

Hiện tại, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ xếp Trung Quốc là ưu tiên cao hơn Iran, Triều Tiên và Nga. Washington đưa ra đánh giá đó dựa trên mối đe dọa mà từng quốc gia riêng lẻ gây ra cho Mỹ, nhưng nó không tính đến sự hợp tác giữa các quốc gia này một cách đầy đủ.

Chuyên gia dự đoán, cả Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ tìm cách cạnh tranh sức ảnh hưởng với các quốc gia "có thể dao động", ví dụ như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là những cường quốc tầm trung có đủ sức ảnh hưởng địa chính trị tập thể để thực hiện các ưu tiên chính sách của họ nhằm tác động đến hướng đi tương lai của trật tự quốc tế. Họ vẫn đang chọn cách tiếp cận khá cân bằng và không nghiêng về bên nào, nhưng sự hợp tác của họ với các bên có thể tạo ra sự khác biệt.

Theo Foreign Affairs, Asia Times