1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ cá chết trên sông Bưởi: Đại diện nhà máy xin lỗi và trao tiền hỗ trợ

(Dân trí) - Chiều ngày 12/5, lãnh đạo Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình cùng với chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống xin lỗi và tiến hành trao tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình nuôi cá lồng bị thiệt hại trên sông Bưởi.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình, đóng trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã nhận lỗi về việc xả chất thải xuống sông, đồng thời động viên người dân trong lúc gặp khó khăn. Bước đầu, nhà máy mía đường cũng đã hỗ trợ tiền cho các hộ gia đình bị thiệt hại.

Đại diện nhà máy trao đổi, xin lỗi người dân bị thiệt hại
Đại diện nhà máy trao đổi, xin lỗi người dân bị thiệt hại

Ông Nguyễn Văn Do, ở thôn Lộc Phượng 1, xã Thành Vinh chia sẻ: “Bà con chúng tôi cảm ơn các cấp các ngành đã giúp đỡ chúng tôi trong những lúc gặp khó khăn. Nhà máy sơ suất nhưng giờ đã trách nhiệm, đền tiền cho bà con. Mong nhà máy đường khắc phục nguồn nước sông Bưởi cho bà con sinh hoạt”.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Thạch Thành, Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình đã đồng ý bồi thường, hỗ trợ cho 34 hộ bị thiệt hại, với số lượng cá chết là 17.555kg, tính theo giá thị trường, tương ứng với số tiền 80.000đ/kg, tổng số tiền đền bù hơn 1,4 tỷ đồng, để các hộ tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đường Hòa Bình
Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đường Hòa Bình

Bước đầu, người dân đã được hỗ trợ tiền cho số cá bị thiệt hại

Bước đầu, người dân đã được hỗ trợ tiền cho số cá bị thiệt hại

Bước đầu, lãnh đạo Công ty đã nhận một phần trách nhiệm trong việc xả thải ra sông Bưởi. Cũng theo lãnh đạo Công ty này, việc xả thải có gây ô nhiễm hay không còn phải phụ thuộc vào kết luận của cơ quan chức năng. Nếu cơ quan chức năng kết luận cá chết do nước thải nhà máy gây ra thì số tiền trên được coi là tiền bồi thường. Nếu sông ô nhiễm mà không phải do nhà máy của Công ty gây ra thì số tiền này coi như là hỗ trợ cho bà con tái sản xuất không phải hoàn trả lại.

Tình đến chiều ngày 12/5, đã có hàng chục hộ dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Theo cam kết của lãnh đạo Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình, sẽ chi trả tiền hỗ trợ đến tận tay các hộ, có sự giám sát của chính quyền địa phương. Theo đó, thời gian thanh toán, bàn giao tiền cho các hộ chậm nhất là đến ngày 18/5/2016.

Người dân chờ đợi nhận tiền hỗ trợ
Người dân chờ đợi nhận tiền hỗ trợ

Trước đó, vào chiều ngày 11/5, Tổ công tác do Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình chủ trì đã tiến hành kiểm tra ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tổ công tác cũng đã tiến hành làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình thừa nhận việc xả thải của công ty là có và cam kết sẽ bồi thường những thiệt hại do việc xả thải gây nên, theo đúng kết luận của cơ quan chức năng. Theo lãnh đạo Công ty, nguyên nhân là do thời gian xây dựng nhà máy quá gấp, nên công ty chưa kịp xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Ông Nguyễn Khắc Chuyện - Giám đốc Công ty mía đường Hòa Bình cho biết thêm, sau khi sự việc cá chết xảy ra, phía công ty đã có đoàn vào thăm làng chài ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Theo lãnh đạo nhà máy đường thông tin, đơn vị này sản xuất từ 15/3, đến 25/4 thì kết thúc. Những hóa chất của công ty sử dụng đều được cho phép. Lãnh đạo nhà máy cũng đề nghị các cơ quan chức năng 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa điều tra làm rõ, liệu có phải chỉ mỗi nhà máy đường của họ xả thải?

Người dân nhận tiền hỗ trợ
Người dân nhận tiền hỗ trợ

Đoàn công tác đề nghị Công ty tạm dừng ngay mọi hoạt động của nhà máy để khắc phục, khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình, mặc dù chưa có thông tin chính xác, nhưng phía công ty cũng đã xác nhận là có xả thải và cũng đã đồng ý bồi thường cho những người bị hại; đồng thời, đề xuất các cơ quan tỉnh Thanh Hóa chứng minh được việc cá chết là do nhà máy đường Hòa Bình hay do đâu. Phía các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng phải tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm; đồng thời, cần rà soát trên địa bàn, ngoài việc xả thải của công ty, còn có đơn vị nào khác, bởi ngoài khắc phục hậu quả, còn phải khắc phục ô nhiễm.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm