1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Vào chung cư ở Linh Đàm, đi thang máy lên tầng 20 mất… 25 phút”

(Dân trí) - Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ trải nghiệm của ông khi từng vào một tòa chung cư cao tầng giá rẻ tại khu Linh Đàm, đi thang máy từ tầng 1 lên tầng 20 mất… 25 phút, khi xuống thì cũng mất… 15 phút chen chân. Riêng việc đi lại như vậy, theo Bộ trưởng, đã là “quá khổ” với cư dân ở đây.


Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng gia tăng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM có một phần nguyên nhân do việc phát triển ồ ạt các khu nhà ở, chung cư cao tầng trong nội đô. (Ảnh minh họa: Quang Phong)

Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng gia tăng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM có một phần nguyên nhân do việc phát triển ồ ạt các khu nhà ở, chung cư cao tầng trong nội đô. (Ảnh minh họa: Quang Phong)

Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị là vấn đề “nóng” được thảo luận tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức hôm nay, 6/1/2017.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn giải thích, tình trạng gia tăng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn nhất cả nước làm nóng dư luận hiện nay có một phần nguyên nhân do việc phát triển ồ ạt các khu nhà ở, chung cư cao tầng. Điểm bất cập nằm ở chỗ, dù có chính sách phát triển nhà ở nhưng các đô thị lại chưa có chương trình phát triển hạ tầng tương xứng.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Trần Ngọc Chính chỉ ra 2 xu hướng diễn biến đều không có lợi cho tổ chức đô thị.

Trước hết, tại 2 thành phố lớn nhất, bệnh viện, trường học không những không được di dời ra khỏi trung tâm mà còn tiến hành xây dựng thêm, tăng khối nhà, tăng tầng, tăng giường bệnh vì áp lực phục vụ trước mắt. Ngược lại, những cơ sở xác định chắc chắn được di dời thì nhà đầu tư cũng rất… nhanh tay, đã trực sẵn, đổ tới lập dự án xây nhà mà dự án sau thì xây cao hơn, mật độ nhiều hơn dự án trước.

“Cứ dồn người vào những vành đai lịch sử của thành phố như vậy, không hạ tầng giao thông nào đáp ứng được” – ông Chính nói.


Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà (đứng) chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của ngành.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà (đứng) chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của ngành.

Ông Chính cũng than, làm Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị, thường xuyên tiếp xúc với báo chí, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không bao giờ ông có cơ hội nói về những điều tốt đẹp, tâm huyết về Hà Nội mà chỉ luôn để giải đáp những câu hỏi vì sao: vì sao có nhà siêu mỏng siêu méo, vì sao trong nội đô mà nhà cao tầng nhiều thế, vì sao nhà cao tầng phải 3 tầng hầm… Điều đó phản ánh bức xúc thực tế, sự quan tâm thực tế của người dân khi mà ai cũng vật vã vì tan sở cả tiếng đồng hồ vẫn chưa về được đến nhà.

“Lỗi” ở đây, theo ông Chính là do vấn đề quản lý thực hiện quy hoạch. Ông dẫn chứng, 10 năm trước, khi vẽ nên khu đô thị Linh Đàm, những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được 1 bán đảo rất đẹp, đáng sống. “Nhưng chỉ một vài năm gần đây quy hoạch khu vực bị buông lỏng, để một doanh nghiệp vào làm thì tình hình giờ… khủng khiếp quá rồi. Chỉ có 3ha mà có tới 12 toà nhà mọc lên, phá nát khu bán đảo” – ông Chính than.

Điều hành phiên thảo luận, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng hỏi lại: “Đường về nhà anh ở đấy có tắc không?”. Ông Hùng ta thán, tắc gấp 3 lần trước đây. Các toà nhà cao tầng mới xây, số hộ dân nhiều đến mức thậm chí mất nửa tiếng chờ thang máy mới xuống được mặt đất.

“Ta không thể làm nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, làm nhà ở xã hội kiểu như vậy được” – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị thở dài nói thêm, ông cũng không thể tưởng tượng ở khu Giảng Võ đông đúc vậy mà được duyệt dự án xây dựng gần chục khối nhà cao đến 50 tầng/khối.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát việc quy hoạch các đô thị cũng như việc xây dựng một số dự án lớn trong nội đô 2 thành phố lớn. Riêng những dự án đang gây bức xúc tại Hà Nội, trực tiếp Bộ trưởng Xây dựng đã chỉ đạo kiểm tra ngay trong tuần sau.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, đô thị hoá là quá trình tất yếu nhưng nếu không tính toán từ đầu, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.

Từ ví dụ về dự án tại khu Giảng Võ, Bộ trưởng Xây dựng xác nhận: “Một khu đất mà xây chừng ấy khối nhà 50 tầng cho thấy sức nén của dân số sẽ rất lớn. Thực tế là đô thị nào cũng phải có những khu vực có sức nén rất cao nhưng vấn đề là phải giải quyết bài toán nén dân số đồng thời với nén hạ tầng thế nào. Mà việc này, về lý luận, ta cũng còn chưa giải quyết được thấu đáo”.

Ông Hà cũng đánh giá, quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị vừa qua đã bộc lộ những lỗ hổng, khiếm khuyết, bất cập dẫn tới những hệ luỵ như dư luận đã đề cập. Có thể nói, Việt Nam chưa có một công cụ tốt để kiểm soát việc thực hiện quy hoạch. Theo đó, quy hoạch ban đầu được xây dựng từ sự góp ý của cả xã hội, thường là một sản phẩm rất tốt nhưng khi điều chỉnh quy hoạch lại chỉ có một nhóm nhỏ tham gia và chất lượng quy hoạch sau điều chỉnh không đảm bảo, không được như ban đầu nữa.

“Như chuyện về bán đảo Linh Đàm, đúng là 10 năm trước đây là một khu đô thị kiểu mẫu mà nếu giữ gìn tốt, khu này không thua kém gì ở những nước phát triển nhất nhưng vấn đề là những năm sau này, nhà nước có sự điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến hệ quả như vậy” – Bộ trưởng Xây dựng chia sẻ trải nghiệm của ông khi từng vào một toà chung cư cao tầng giá rẻ tại khu Linh Đàm, đi thang máy từ tầng 1 lên tầng 20 mất… 25 phút, khi xuống thì cũng mất… 15 phút chen chân nữa.

“Riêng việc đi lại như vậy, theo Bộ trưởng, đã là “quá khổ” với người dân, đừng nói đến những bất cập, quá tải khác về hạ tầng. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta cần tiếp tục có những mô hình đổi mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp khác chứ không thể tiếp tục nhét dân vào những khu nhà như vậy” – Bộ trưởng Xây dựng chốt lại.

P.Thảo