1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo làm rõ vụ lâm tặc “hút máu” rừng già

(Dân trí) - Sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải loạt phóng sự phản ánh tình trạng rừng phòng hộ KBT Thần Sa Phượng Hoàng tại Võ Nhai (Thái Nguyên) bị lâm tặc tàn sát, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Sở NN&PTNT và UBND huyện Võ Nhai vào cuộc làm rõ.

Trước thực trạng rừng phòng hộ KBT Thần Sa Phượng Hoàng bị tàn sát không thương tiếc, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có công văn số 1311/UBND - KTN gửi Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên và UBND huyện Võ Nhai chỉ đạo kiểm tra, báo cáo và làm rõ thông tin báo Dân trí đăng tải.


Công văn do ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ký ngày 13/7/2012 nêu rõ: Liên tiếp các ngày 9-10/7/2012, trên Báo Dân trí có đăng các bài: "Đột kích điểm nóng “nghiến tặc” tàn sát khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng", "Cận cảnh hiện trường còn lại sau cuộc “hút máu” rừng già""Lâm tặc đã “qua mặt” được kiểm lâm". Kèm theo bài còn có các hình ảnh minh họa và ý kiến giải thích của cán bộ kiểm lâm với phóng viên Báo Dân trí.


UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo làm rõ vụ nghiến tặc “hút máu” rừng già

UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo làm rõ vụ nghiến tặc “hút máu” rừng già
Hình ảnh  PV Dân trí ghi lại tình trạng nhiều cây gỗ rừng bị tàn sát trong KBT Thần Sa Phượng Hoàng thuộc địa bàn huyện Võ Nhai - Thái Nguyên.

UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với UBND huyện Võ Nhai chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng và các địa bàn khác trong huyện, trong đó làm rõ trách nhiệm của cấp, ngành, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng; những cá nhân liên quan; lưu ý đến trách nhiệm báo cáo và đề xuất các biện pháp ngăn chặn lâm tặc có hiệu quả theo quy định.


Công văn khẳng định, việc kiểm tra rà soát phải hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên trước ngày 25/7. Việc làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan và đề xuất xử lý vi phạm phải được báo trước ngày 10/8.

UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo làm rõ vụ nghiến tặc “hút máu” rừng già

Báo cáo công tác quản lý bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên không có con số thống kê cụ thể về số lượng gỗ nghiến bị "lâm tặc" tiêu thụ trót lọt.
Công văn của UBND tỉnh Thái Nguyên thừa nhận việc bảo vệ rừng tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn mặc dù trong những năm qua UBND tỉnh đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt cả về tổ chức, bộ máy, con người của lực lượng kiểm lâm để bảo vệ, ngăn chặn và truy quét lâm tặc.

Tình trạng nghiến tặc “tàn sát” rừng già tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng đang là vấn nạn nhức nhối, chưa có biện pháp giải quyết triệt để mang lại hiệu quả tốt. Những cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc khiến cho những vạt rừng bạt ngàn trở thành những “bãi chiến trường” tan hoang. Bằng sự manh động, táo tợn và các “thủ thuật” khác, lâm tặc đã “qua mặt” được lực lượng kiểm lâm.


Trước tình hình đó, UBND huyện Võ Nhai đã nhận định về những nguyên nhân bất cập trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013-2015 như sau: “Tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép gỗ ở khu vực rừng giáp ranh trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tương đối phức tạp ở một số xã thuộc huyện Võ Nhai - Đồng Hỷ, huyện Bắc Sơn - Lạng Sơn, huyện Yên Thế - Bắc Giang. Một số đối tượng thuộc tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn cấu kết với người huyện Võ Nhai đầu tư phương tiện để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, chúng dùng mọi thủ đoạn tinh vi xảo quyệt để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, mặc dù đã có quy chế phối hợp nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ dẫn đến việc đấu tranh ngăn chặn vi phạm hiệu quả chưa cao”.


Gỗ rừng được tập kết trong Khu Bảo tồn.

Gỗ rừng được tập kết trong Khu Bảo tồn.

Theo báo cáo, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, 6 tháng đầu năm 2012, Hạt Kiểm lâm tại đây đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 123 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, 13 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 1 vụ phá rừng trái phép, 51 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 53 vụ cất giữ lâm sản trái pháp luật, 4 vụ mang công cụ cơ giới vào rừng… Tổng khối lượng lâm sản bị tịch thu (quy tròn): 390,178m3. Trong đó, gỗ tròn các loại là 312,657m3, gỗ xẻ các loại là 48,451m3, tịch 6 cưa xăng, 52 xe máy…


Tuy nhiên, theo thông tin mà PV Dân trí có được, cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa công bố được số lượng gỗ nghiến bị lâm tặc chặt hạ trong Khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng và đã mang đi trót lọt mà chỉ nắm được số liệu về lượng gỗ bị bắt giữ, thu hồi.


Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn tiến tiếp theo đến bạn đọc.

Quốc Đô - Anh Thế