Thái Nguyên:

Đột kích điểm nóng “nghiến tặc” tàn sát khu bảo tồn

(Dân trí) - Thời gian qua, cơ quan chức năng huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã liên tiếp tổ chức lực lượng truy quét, giải tán hàng trăm đối tượng “nghiến tặc” ngang nhiên dựng “đại bản doanh” trong khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng để “xẻ thịt” rừng già.

Cung đường sinh tử

Xuất phát từ sáng sớm tại thị tứ xã Cúc Đường thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cửa ngõ khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đột kích một trong những điểm “nóng” nhất về nạn lâm tặc hoành hành tại các điểm rừng xã Nghinh Tường nhiều năm qua. 

Vượt qua khoảng trên dưới 30 km theo con đường lớn độc đạo dẫn vào vùng lõi khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng,đập vào mắt chúng tôi là rất nhiều thanh gỗ nghiến bị lâm tặc tàn sát trong khu bảo tồn, cắt xẻ vuông vắn, còn lấm bùn đất, được vứt ngổn ngang tại trạm kiểm lâm xã Nghinh Tường ngay sát con đường độc đạo. Một cán bộ kiểm lâm cho biết: “Số gỗ này lâm tặc khai thác rồi cất giấu trong rừng, anh em đi tuần phát hiện bắt được. Dạo này anh em làm gắt, lâm tặc thấy động nên vứt gỗ lại đợi khi nào êm sẽ đưa ra. Mỗi thanh gỗ nghiến khi đưa được ra ngoài chúng bán với giá vài trăm ngàn”.

Những cung đường sinh tử đột kích đại bản doanh lâm tặc tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng.
Những cung đường sinh tử đột kích đại bản doanh lâm tặc tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng.
Đột kích "đại bản doanh" lâm tặc tại KBT Thần Sa Phượng Hoàng.

Phải mất tiếp hơn chục cây số “đánh vật” cùng con đường gập ghềnh khó đi với những con suối nước ngập ngang thân xe liên tục vắt qua đường, chúng tôi mới chính thức đến cửa rừng - điểm bắt đầu cuộc đột kích vào “đại bản doanh” của lâm tặc. Đó là khu bản Mùn, xóm Thượng Lương thuộc xã Nghinh Tường.  

Đến đoạn này chúng tôi buộc phải cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ. Ở trong KBT, chỉ lâm tặc và lực lượng kiểm lâm mới có thể “cưỡi” được xe máy. Loại xe Yamaha Sirius được coi là những con “chiến mã” duy nhất có thể “xé rừng”.

“Loại xe “ớt” của lâm tặc đã được chúng cải tiến hết công suất. Chúng thường đôn máy, nâng gầm. Riêng bánh sau phải chế riêng thành loại bánh lớn với những thanh nan hoa khủng để đặt phía trên một giá đèo có thể chở được một lúc mấy thanh gỗ chạy vèo vèo trong rừng. Những chiếc xe “ớt” của anh em kiểm lâm mới “bóc tem” cho đi canh rừng cũng chỉ chưa đầy 1 năm đã hỏng. Anh em kiểm lâm nhiều khi phải tận dụng những xe của lâm tặc bị bắt giữ mới đấu được với chúng” - người dẫn đường là Phó Ban quản lý KBT Thần Sa Phượng Hoàng Phan Quốc Thụ tiết lộ.

Dọc đường lên núi, những thanh gỗ cỡ lớn đã được cắt xẻ vuông vắn được vứt la liệt khắp nơi. Anh Thụ cho biết đó là gỗ tận thu trong khu vực rừng khai thác. Người dân được phép khai thác nhưng theo quy định phải báo cáo và có quy trình. Tuy nhiên, nhìn những thanh gỗ lớn nằm ngổn ngang rải rác như đã bị “lãng quên” trong phạm vi khu bảo tồn, bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa. 

Một con ớt chế đã được cải tiến hết cỡ của lâm tặc bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.
Một con "ớt" chế đã được cải tiến hết cỡ của lâm tặc bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.

Chỉ cách cửa rừng chừng vài trăm mét, vượt qua mấy con suối, một khu đất rộng đã hiện ra với những dấu vết còn lại đủ để cho thấy cách đây không lâu, đây là một khu bản doanh của lâm tặc. Phó ban Thụ chỉ một khung lán nói: “Nhiều lâm tặc ngang nhiên lập trại tại đây. Chúng ngụy trang bằng việc lập lán trồng ngô để qua mặt cơ quan chức năng. Ngoài việc lấy nơi ăn nghỉ thì nơi đây còn là điểm trung chuyển và mua bán gỗ lậu đưa từ rừng xuống. Thời điểm đó, luôn có hàng chục đối tượng đóng chốt tại đây. Đa phần là những thành phần cộm cán, dân vác gỗ thuê… từ các tỉnh đổ về”.

Lâm tặc tuồn gỗ từ núi xuống bằng xe “ớt” chế hay vác bộ đến khu lán thì bán trao tay hoặc đổi cách vận chuyển ra ngoài. Bởi từ khu lán muốn ra đường lớn chỉ có vác bộ hay dùng ngựa kéo. Nhưng lâm tặc gian xảo ở chỗ, ngựa được chúng huấn luyện không cần yên cương mà chỉ có một sợi dây kéo gỗ. Khi bị truy đuổi, chúng lập tức chặt đứt dây vứt gỗ lại, ngựa và người chạy trốn thoát thân. 

Sau một thời gian hoạt động, khu bản doanh này đã bị đội liên ngành của huyện Võ Nhai tổ chức triệt phá. Nhưng sau một thời gian nằm im nghe ngóng, lâm tặc tiếp tục tụ tập, lập một “đại bản doanh” mới trên đỉnh núi Thần Sa Phượng Hoàng. 

Cung đường đi tiếp của chúng tôi giống như cung đường sinh tử với độ dốc có thể lên đến 60 độ, liên tục vào cua. Cài số 1, lấy đà, lên “dây cót” tinh thần, vặn hết tay ga qua được mỗi đoạn dốc, trán ai cũng vã mồ hôi hột. Dốc cao không đáng sợ bằng thứ đất sét pha đất mối rừng trơn hơn đổ mỡ ở đây. Đường mòn chỉ nhỉnh hơn bánh xe chút ít, chỉ một đường cua lệch là xe sẽ nằm gọn dưới vực. Chỉ cần một trận mưa nhỏ thì ngay cả những con “ớt” chế hoàn hảo cũng bất lực hoàn toàn. “Nếu như biết có kiểm lâm đi kiểm tra mà lâm tặc đón đường đổ mấy xô nước xuống những đoạn dốc thì vô cùng nguy hiểm”, một cán bộ thuộc đội kiểm lâm cơ động Hạt kiểm lâm Thần Sa Phượng Hoàng chia sẻ.

Sau cả tiếng đồng hồ quần nhau với cung đường sinh tử, chúng tôi cũng lên được đỉnh núi, tận mắt chứng kiến cả một “đại bản doanh” của lâm tặc ngày đêm “hút máu” rừng già. 

Mục sở thị “đại bản doanh” của lâm tặc

Lán trại tiền tiêu của lâm tặc nằm giữa lưng chừng núi, cách khu “đại bản doanh” chừng vài trăm mét. Đây là điểm báo tin của các “chim lợn” mỗi khi phát hiện người lạ hay lực lượng chức năng. Lán được tận dụng bởi 2 tảng đá lớn để ngụy trang. Phía sau lán là sườn dốc lao thẳng xuống vực sâu. Mỗi khi thấy động, lâm tặc sẵn sàng lao mình xuống dưới trốn thoát.  

“Đại bản doanh” nằm giữa một khu đất bằng phẳng khá rộng, lọt thỏm giữa những ngọn núi đá tai mèo và bạt ngàn rừng già. Lâm tặc chọn điểm dựng trại là đỉnh ngọn núi cao, tiếp giáp địa phận tỉnh Lạng Sơn. Mỗi khi “có biến”, các đối tượng lập tức rút chạy bằng con đường mòn sâu hun hút sang địa phận Lạng Sơn.

Một con ớt chế đã được cải tiến hết cỡ của lâm tặc bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.
Một con ớt chế đã được cải tiến hết cỡ của lâm tặc bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ.
Khu "đại bản doanh" của lâm tặc "hút máu" từng già còn lại ngổn ngang giữa KBT Thần Sa Phượng Hoàng.

Chim lợn xuất hiện tại đại bản doanh của lâm tặc ngay khi thấy lực lượng chức năng và người lạ.
"Chim lợn" xuất hiện tại "đại bản doanh" của lâm tặc ngay khi thấy lực lượng chức năng và người lạ.

Hàng chục lán trại được dựng khá chắc chắn bởi khung gỗ được lấy ngay từ rừng bảo tồn sau những cuộc “tàn sát” rừng. Lâm tặc lập trại ngay giữa khu bảo tồn ngoài việc “hút máu” rừng già còn là nơi dung nạp những thành phần lưu manh, những tên tội phạm mang lệnh truy nã…để lập sới cờ bạc, nuôi gái điếm bán dâm. Vì vậy, suốt quãng thời gian lập trại, nhóm đối tượng cộm cán này đã gây náo động, bất ổn cả một vùng rừng già. 

Tại khu lán trại của lâm tặc, một người phụ nữ mang theo con nhỏ phóng ánh nhìn dò xét về phía chúng tôi. Một lát sau, thêm một “chim lợn” là một cô gái khoảng trên dưới 20 tuổi từ trong rừng qua đường mòn của lâm tặc đi xuống, tất cả tỏ vẻ khá đề phòng. Khi cán bộ kiểm lâm hỏi lên tận đỉnh rừng làm gì, mấy người phụ nữ đều trả lời: đi chơi (!) rồi nhanh chân thu dọn đồ “chuồn” vội.

Các lán trại dù đã bị lực lượng chức năng phá dỡ hay đốt thiêu hủy nhưng gần như bộ khung vẫn còn nguyên vẹn. Cùng với những thanh gỗ còn vứt lại vương vãi là những đống vỏ lon bia chất cao. Luồn qua phía sau khu lán, chúng tôi bàng hoàng phát hiện cả một xưởng mộc với la liệt những khúc gỗ vứt lại và những đống mùn cưa dày hàng chục cm chạy dài vào rừng sâu.  

Men theo con đường lâm tặc vào “hút máu” rừng, lần lượt những gốc cây, cũ có, mới có bị hạ sát hiện ra trước mắt. Một thân cây nghiến giữa chóp núi đá tai mèo đang bị lâm tặc “gặm” dở dù đã khô lại vẫn còn nguyên một thứ màu như màu máu. 

Những cây đại thụ bị tàn sát không thương tiếc trong khu bảo tồn.
Những cây đại thụ bị tàn sát không thương tiếc trong khu bảo tồn.
Những cây đại thụ bị tàn sát không thương tiếc trong khu bảo tồn.

Đứng giữa hẻm núi, tận mắt chứng kiến “bãi chiến trường” còn lại của cuộc tàn sát, giữa một bên là những lâm tặc hung tợn với cưa xăng và một bên là những cây cổ thụ trăm, nghìn năm tuổi bất lực tuyệt vọng, bất cứ ai có lương tri cũng không khỏi nhói lòng.  

Để có thể lên hạ sát được những cây cổ thụ trên lưng trừng núi đá, lâm tặc sử dụng phương án “bắc cầu”. Mỗi khi hạ sát xong nhưng cây gỗ phía dưới, chúng lấy luôn gỗ và những cành cây lớn đó bắc thành đường leo dần lên phía trên.  

Từ khu lán trại, lâm tặc mở nhiều con đường xuyên vào sâu trong rừng vừa để chặt phá vận chuyển gỗ, vừa để tháo chạy mỗi khi bị phát hiện. Chỉ tay về phía những cây cổ thụ lấp ló sâu trong đại ngàn, Phó ban Thụ cho biết, những điểm rừng bị phá nằm sâu phía trong, rải rác khắp nơi. Lâm tặc không chọn kiểu tàn sát cả vạt rừng mà chọn từng cây lớn để “đánh tỉa”.

Những cây đại thụ bị tàn sát không thương tiếc trong khu bảo tồn.
Những cây đại thụ bị tàn sát không thương tiếc trong khu bảo tồn.
Những cây đại thụ bị tàn sát không thương tiếc trong khu bảo tồn.
Dấu vết còn lại của những cuộc "hút máu" rừng già 

Ngày 22/6/2012, lực lượng liên ngành của huyện Võ Nhai với nòng cốt là lực lượng kiểm lâm đã huy động gần 30 người trang bị vũ khí súng đạn truy quét, phá dỡ “đại bản doanh” của lâm tặc. Tuy nhiên, từ thông tin của “chim lợn”, các đối tượng đã kịp tẩu thoát lên núi.

“Sau khi lán trại bị phá dỡ khoảng 1 tuần, các đối tượng đã manh động quay trở lại tiếp tục sửa lán hoạt động. Chúng tôi tiếp tục truy quét, chúng lại bỏ điểm lán này. Có thể, chúng sẽ chuyển sâu vào trong núi lập trại. Mỗi lần bị truy quét như là một trận chiến, đã có máu đổ nhưng không đủ để cản đường lâm tặc, giữ rừng vì chúng rất gian manh và xảo quyệt” - cán bộ kiểm lâm đau đáu than thở.

Rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (khoảng 40.000 ha rừng) là khu vực hiện còn nhiều loại gỗ quý hiếm: Nghiến, Trai, Lý, Sến... với trữ lượng khá lớn, nằm giáp ranh với huyện Đồng Hỷ, Chợ Mới, Na Rì (Bắc Kạn), Bắc Sơn (Lạng Sơn), địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Chính vì thế mà nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành địa bàn hoạt động sôi động của các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ trái phép.

Tại các khu vực như: xã Thần Sa, gỗ được khai thác và vận chuyển trái phép bằng ngựa, xe máy ra hướng xã Như Cố - Chợ Mới (Bắc Kạn); tại khu vực xã Thượng Nung, gỗ được vác bộ ra ngoài, sau đó được vận chuyển vào hướng Sảng Mộc qua đèo Sang - Nghinh Tường đi Tân Tri, Bắc Sơn (Lạng Sơn); tại xã Nghinh Tường, gỗ được vác bộ xuống đường, sau đó được vận chuyển bằng xe máy đi Tân Tri - Bắc Sơn (Lạng Sơn), một bộ phận lại được vác bộ và chuyển bằng ngựa đi đường rừng men theo xã Tân Hòa - Bình Gia về Tân Tri - Bắc Sơn (Lạng Sơn)...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PVDân trí thì “điểm nóng” lâm tặc tại xã Nghinh Tường là đáng chú ý hơn cả. Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng địa phương chưa có được một công bố chính thức nào về số lượng gỗ nghiến bị tàn sát trong khu bảo tồn Thần Sa Phượng Hoàng mà lâm tặc mang tiêu thụ trót lọt mà chỉ có số liệu báo cáo về kết quả bắt giữ gỗ và các phương tiện vi phạm từ các đơn vị kiểm lâm nhưng cũng ở mức độ rất nhỏ lẻ và không chi tiết.

Ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết: “Với quan điểm quyết liệt đấu tranh với lâm tặc, nhiều năm qua Thái Nguyên đã liên tục có nhiều biện pháp như luân chuyển cán bộ kiểm lâm, mở nhiều đợt truy quét lâm tặc nhưng do việc buôn lậu gỗ nghiến tại đây có lợi nhuận ngang với ma túy nên chặt phá rừng trái phép vẫn còn là vấn nạn dai dẳng…”.

(Còn nữa…)

Quốc Đô - Anh Thế