1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh tra Chính phủ: Ngành đường sắt có dấu hiệu tiêu cực trong giao cấp đất

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ khẳng định ngành đường sắt đã giao cấp đất cho 81 hộ cán bộ công nhân viên trái thẩm quyền, trong đó có 14 hộ giao ngoài ngành đường sắt có dấu hiệu tiêu cực. Trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và thủ trưởng nhiều đơn vị.

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Theo kết luận thanh tra, chủ trương mở rộng ga Sóng Thần là cần thiết để tăng cường năng lực vận tải đường sắt cho khu vực. Từ khi được giao đất, bãi hàng An Bình đã góp phần chia sẻ sự quá tải, tăng cường năng lực xếp dỡ vận tải cho ga Sóng Thần. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của nhà nước còn hạn hẹp, trước nhu cầu vận tải đường sắt tăng cao, ngành đường sắt đã mạnh dạn đề ra chủ trương xã hội hóa đầu tư kho, ke, bến bãi đường sắt. Với chủ trương này, tại bãi hàng An Bình đã thu hút được sự hợp tác đầu tư của một số đơn vị để hình thành bãi để xe, tổng kho bia trung chuyển Sài Gòn - Đường sắt.

Tuy nhiên cơ quan thanh tra cho rằng công tác quản lý, sử dụng đất, hạ tầng đường sắt tại bãi hàng An Bình của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị tổ chức liên quan còn bộc lộ một số tồn tại, sai phạm.

Cụ thể, công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng chưa được quan tâm thỏa đáng. Ngành đường sắt sau khi tiếp nhận đất cho đến nay chưa trình duyệt được quy hoạch chi tiết ga An Bình cũng như chưa có dự án để đầu tư và kêu gọi đầu tư. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý (kiểm soát, định hướng nguồn lực tài chính, đất đai) mà còn là nguy cơ lãng phí nguồn vốn đầu tư do việc đầu tư không có kế hoạch dài hạn, khó khăn trong việc sắp xếp xử lý nhà đất.

Cơ quan thanh tra đánh giá việc tổ chức quản lý bãi hàng An Bình chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả và không rõ ràng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Sài Gòn trực tiếp quản lý và hỗ trợ cho việc quản lý là Phân ban hạ tầng Đường sắt Khu vực 3. Tuy nhiên do ở xa, việc quản lý của hai đơn vị này thực tế là quan hệ với chính quyền địa phương để giải quyết các thủ tục pháp lý đất đai, tham gia giải quyết tranh chấp khiếu nại đất đai và tham mưu cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về sử dụng đất. “Điều này đã dẫn đến việc để xảy ra các vi phạm trong quá trình quản lý sử dụng đất như lấn chiếm (trong và ngoài ngành đường sắt), giao cấp đất ở trái phép, không phát hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất được giao… Quân đoàn 4 giao cấp đất, xác nhận cho một số hộ không phù hợp với quy định, thực tế quản lý và các tài liệu pháp lý về quản lý sử dụng đất của Quân đoàn 4”- kết luận chỉ rõ.

Theo kết luận thanh tra, những tồn tại trên chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hàng loạt các sai phạm. Đó là không kịp thời lập phương án sắp xếp nhà, đất theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ để xử lý và sử dụng nhà, đất có hiệu quả; trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

“Giao cấp đất cho 81 hộ cán bộ công nhân viên trái thẩm quyền, trong đó có 14 hộ giao ngoài ngành đường sắt có dấu hiệu tiêu cực. Sau giao cấp không tiến hành quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép của các hộ. Trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và thủ trưởng các đơn vị: Công ty TNHH MTV Đường sắt Sài Gòn; Xí nghiệp vận dụng Toa xe hàng Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đường sắt Sài Gòn, ga Sóng Thần. Quản lý thiếu chặt chẽ để xảy ra tình trạng lấn chiếm (2 hộ bà Hồng, ông Sáng), trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam”- kết luận nêu rõ.

Việc cho thuê cơ sở hạ tầng đường sắt nhưng không tiến hành thẩm định giá theo quy định, không làm hợp đồng cho thuê đã làm thất thu ngân sách. Cơ quan thanh tra cho rằng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An (Bình Dương) có trách nhiệm khi không kịp thời có ý kiến ngăn chặn để việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất được giao.

Lý giải nguyên nhân của những sai phạm trên, cơ quan thanh tra cho biết bãi hàng An Bình nằm gọn trên phần đất của Căn cứ 301 của chế độ cũ. Sau ngày 30/4/1975 Quân đoàn 4 tiếp quản đưa vào đất quốc phòng. Tuy nhiên năm 1987, Quân đoàn 4 và chính quyền một số địa phương giáp ranh đã có sơ đồ định ranh phần đất quốc phòng và đất Quân đoàn 4 quản lý sử dụng. Nhưng khi một số người dân lấn chiếm phần đất ngoài ranh sơ đồ 1987 (nhưng vẫn trong phạm vi Căn cứ 301) đến đề nghị Quân đoàn 4 xác nhận và vẫn được xác nhận cho phép sử dụng. Điều này đã gây khó khăn phức tạp cho công tác quản lý của chính quyền cũng như việc sử dụng của ngành đường sắt là người được giao đất trên phần đất trước kia thuộc Căn cứ 301.

Tuy nhiên cơ quan thanh tra cho rằng nguyên nhân chủ quan nằm ở chỗ mô hình tổ chức bộ máy quản lý đất đai thiếu chặt chẽ, rõ ràng: Đơn vị chịu trách nhiệm quản lý ở xa khu đất được giao quản lý, trong khi đơn vị của ngành đường sắt trong địa bàn khu đất bãi hàng lại không được giao chính thức nhiệm vụ quản lý bảo vệ đất.

“Ý thức chấp hành pháp luật đất đai của một số cán bộ có trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất chưa cao dẫn đến việc giao đất trái phép, sai thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích”- Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Thế Kha