1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa dự kiến chi gần 2.300 tỷ đồng xây dựng “tỉnh thông minh”

(Dân trí) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo khoa học đề án “Triển khai xây dựng mô hình Thanh Hóa thành tỉnh thông minh giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, dự thảo về kinh phí bố trí cho đề án này là 2.280 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong những năm qua Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, trong đó có việc đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, theo ông Xứng thì lĩnh vực này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học “Triển khai mô hình xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh thông minh giai đoạn 2017-2020”
UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học “Triển khai mô hình xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh thông minh giai đoạn 2017-2020”

Hiện nay, Thanh Hóa đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, việc triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh là yêu cầu cần thiết để thực hiện mục tiêu trên.

Tại hội thảo các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến vào đề án như việc khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, trung ương đã triển khai, tỉnh Thanh Hóa cần tranh thủ kế thừa và phát huy nhằm giảm chi phí nguồn lực. Khi triển khai xây dựng các dự án, Thanh Hóa cần áp dụng CNTT hiện đại và tập trung nguồn lực để đầu tư dứt điểm, bởi Công nghệ thông tin thay đổi rất nhanh, không triển khai sớm sẽ bị lạc hậu.

Một số ý kiến khẳng định sự cần thiết của việc khai thác nguồn lực, kế thừa và khai thác các chương trình, đề án, cơ sở dữ liệu của trung ương; việc lựa chọn thứ tự ưu tiên trong triển khai thực hiện. Đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề trí tuệ nhân tạo trong xây dựng thành phố thông minh; ứng dụng thành tựu khoa học CNTT tiên tiến để xây dựng các dịch vụ thông minh để cải thiện đời sống của người dân và xây dựng địa phương phát triển bền vững. Một số vấn đề có liên quan đến dịch vụ công trên thiết bị di động, an toàn và bảo mật thông tin, nguồn nhân lực tại chỗ, cơ chế chính sách… cũng được các đại biểu đề cập, làm rõ.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xác định đây là vấn đề lớn, lâu dài, do đó cần phải có lộ trình phù hợp, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; phải bảo đảm kế thừa được hạ tầng, tài nguyên CNTT, cơ sở dữ liệu dùng chung của trung ương. Theo đó, việc thực hiện đề án sẽ tập trung vào 3 nội dung lớn, đó là xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng trung tâm đào tạo chuyển giao ứng dụng CNTT của tỉnh và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh.

Để triển khai xây dựng mô hình tỉnh thông minh, Thanh Hóa sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, chính quyền điện tử, công dân điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT kết hợp với công nghệ tự động hóa, kết nối, tích hợp các dữ liệu, phân tich tổng hợp dữ liệu… nhằm phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính. Mô hình cũng tạo ra môi trường sống thân thiện, tiện lợi nhất cho người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đối với lĩnh vực CNTT, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, xã đảm bảo kết nối liên thông nhằm tiếp nhận xử lý, trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo, sẽ đầu tư các trang thiết bị xây dựng các trường học thông minh gồm: Trường THPT chuyên Lam Sơn, trường Đại học Hồng Đức, trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức trưng bày mô hình và phối cảnh công viên Văn hóa xứ Thanh để người dân tham quan và đưa ra ý kiến
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức trưng bày mô hình và phối cảnh công viên Văn hóa xứ Thanh để người dân tham quan và đưa ra ý kiến

Trong lĩnh vực Y tế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, công tác khám chữa bệnh của ngành y. Trong lĩnh vực môi trường, xây dựng trung tâm điều hành và hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, tại Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của tỉnh. Trong lĩnh vực An toàn, an ninh, trật tự thông minh sẽ xây dựng một số hệ thống giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông trên các tuyến đường chính, khu vực trọng điểm của thành phố Thanh Hóa và các thành phố, thị xã khác trong tỉnh…

Theo dự thảo về đề án này thì khái toán kinh phí triển khai là 2.280 tỷ đồng cho giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, phân kỳ vốn đầu tư năm 2017 là 504 tỷ đồng; giai đoạn 2018 - 2020 là 1.776 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức trưng bày mô hình và phối cảnh công viên Văn hóa xứ Thanh để người dân tham quan và đưa ra ý kiến. Nếu được phê duyệt, công trình sẽ được xây dựng nhiều hạng mục trên diện tích rộng hơn 500.000 m2, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm