Hà Tĩnh:

Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra đập nước có cá chết hàng loạt

(Dân trí) - Sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại một đập nước ở huyện Vũ Quang, Trung tâm Quan trắc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh được điều động từ KCN Vũng Áng đến đập này lấy mẫu nước làm rõ nguyên nhân.

Như Dân trí đã đưa tin, những ngày gần đây, tại đập Ươi có diện tích trên 5ha ở thị trấn Vũ Quang, nguồn nước bỗng sủi bọt, đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cùng với sự thay đổi này là cá mè, cá trắm, cá chép, rô phi chết trắng bụng, nổi phình trên mặt nước. Chỉ trong vòng 1 tuần, gần 4 tạ cá sắp xuất bán của người dân bị chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Hàng loạt cá có trọng lượng từ 1,5-3kg của gia đình anh Cảnh chết trắng hồ.
Hàng loạt cá có trọng lượng từ 1,5-3kg của gia đình anh Cảnh chết trắng hồ.

Trước tình hình trên, nhiều người dân sống quanh hồ tỏ ra rất lo ngại. Theo ông Trần Văn B. (một người dân sống gần đập Ươi) cho biết, trước đây đập nước này trong veo nhưng khoảng 2 năm trở lại đây bỗng nhiên nước đổi màu đen ngòm, sủi bọt trông rất sợ.

Nước đập Ươi đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối.
Nước đập Ươi đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối.

Theo ghi nhận của PV, tại vị trí đầu nguồn của đập nước này có 1 trang trại lợn xả thải ra, bên cạnh đó còn có một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng xả thải trực tiếp xuống đập. Ngoài ra quanh khu vực đập Ươi người dân cũng khai thác keo và đốt thực bì rất nhiều.

Một số hộ dân làm chuồng chăn nuôi ngay bên mép đập.
Một số hộ dân làm chuồng chăn nuôi ngay bên mép đập.

Ngày 8/6, trao đổi với PV Dân trí về vấn đề cá chết tại đập Ươi, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vũ Quang cho biết, đơn vị đang chờ kết luận của Sở về sự việc trên.

“Ngay sau khi xảy ra sự việc, Trung tâm quan trắc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh được điều động từ KCN Vũng Áng đến đập này lấy mẫu nước làm rõ nguyên nhân” - ông Nghĩa nói.

Còn về việc nước đen ngòm, sủi bọt ô nhiễm trầm trọng, ông Nghĩa cho biết, có thể do 2 nguyên nhân chính là người dân chăn nuôi xả thải và xác bèo trên mặt đập thối rữa.

Về việc chăn nuôi, ở quanh khu vực đập này có trại lợn của anh Trần Văn Hiển với quy mô 1.200 con, các quy trình xử lý thải đều được anh Hiển làm đúng quy trình, thải được lọc qua các bể lắng rồi mới xả xuống đập. Ngoài ra còn có một số hộ chăn nuôi chưa được cấp phép như hộ anh Lê Văn Đình nuôi 18 con lợn nái cũng xả thải trực tiếp xuống đây.

Bể lắng của trang trại anh Hiển nước đen ngòm, đặc quánh nằm ngay bên đập Ươi.
Bể lắng của trang trại anh Hiển nước đen ngòm, đặc quánh nằm ngay bên đập Ươi.

Về việc vớt bèo tây, do chủ thầu đập Ươi đã vớt tất cả lượng bèo trên mặt hồ tập trung lại 1 góc chứ không đưa lên bờ nên dẫn đến việc bèo thối rữa, gây ra sự ô nhiễm trên.

Ngoài 2 nguyên nhân chính trên, việc người dân khai thác keo rồi đốt thực bì ở xung quanh đập cũng khiến đập bị ô nhiễm bởi khi trời mưa, nước cuốn theo những rác thải xung quanh xuống đập.

“Đó là những nguyên nhân có thể dẫn tới sự ô nhiễm của đập Ươi. Còn cá chết trong hồ có phải vì các vấn đề trên hay không thì chúng tôi đang chờ kết luận của Sở”, ông Nghĩa nói thêm.

Hà Phương