Quảng Bình: Phá rừng di sản để lấy phong lan?

(Dân trí) - Chiều 11/8, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, thời gian gần đây người dân địa phương đã chặt hạ nhiều cây gỗ trong khu vực trong rừng Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng để lấy phong lan.

Theo đó, trong khoảng vài tháng trở lại đây, nhiều cây gỗ lớn tại khu vực Mộ Nghĩa – Nước Vàng, Mộ Nghĩa – Khe Chạc và Khe Chạc – Cá Cân – Trạm 7 thuộc sự quản lý trực tiếp của Trạm Kiểm lâm Khe Gát bị người dân chặt hạ, trong đó có nhiều cây táu, sến, bời lời... và nhiều loại cây chưa được xác định.

Số lượng gỗ mà đoàn công tác kiểm lâm kiểm đếm được là 29 cây với khối lượng hơn 36m3, trong đó có những cây có đường kính trên 60 cm, nhiều cây gỗ thuộc nhóm II và nhóm III.

Để xảy ra tình trạng trên, lãnh đạo VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã tiến hành tổ chức kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm đối với Trạm trưởng, Trạm phó và các kiểm lâm viên phụ trách địa bàn. “Hiện lãnh đạo Vườn đang xem xét trách nhiệm và sẽ có hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan trong vụ phá rừng này”, ông Tịnh cho hay.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ông Tịnh lý giải thêm, những cây gỗ bị chặt hạ trái phép chủ yếu là cây rỗng ruột, có dấu hiệu già cỗi, chết đứng và có phong lan đeo bám nên người dân đã chặt hạ để lấy phong lan đem về bán. Hơn nữa, khu vực này nằm sâu trong rừng rất hiểm trở nên việc chặt cây lấy gỗ là rất khó khăn.

Cũng theo ông Tịnh, lúc nhóm người đi vào khu vực nói trên, các kiểm lâm viên thuộc Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng đã biết nhưng kiểm tra không có dấu hiệu gì khả nghi nên cứ nghĩ họ vào rừng tìm gỗ huê, trầm nên đã chủ quan không báo cho Trạm Kiểm lâm Khe Gát mới xảy ra tình trạng trên.

Trước khẳng định của Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng rằng, người dân chỉ chặt hạ cây để lấy phong lan đem về bán, PV Dân trí đã đặt vấn đề xin cung cấp hình ảnh hiện trường về những cây gỗ bị chặt hạ và dấu vết minh chứng cho việc chặt cây để lấy phong lan thì ông Tịnh nói rằng, trong báo cáo của đoàn công tác đã viết rất rõ ràng và chi tiết nên sợ anh em không chụp lại hình ảnh! Nếu có sẽ cung cấp sau cho phóng viên.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của PV Dân trí thì việc chặt phá rừng ở những khu vực nói trên là để lấy gỗ chứ không chỉ đơn thuần là để lấy phong lan.

Được biết, từ khi lên nắm giữ chức danh Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng vào năm 2013, ông Tịnh đã “trảm” rất nhiều vị Trạm trưởng các Trạm Kiểm lâm vì để xảy ra tình trạng lâm tặc chặt phá rừng di sản. Trong những năm qua, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng luôn là điêm “nóng” về nạn chặt phá rừng trái phép và săn bắt động vật hoang dã quý hiếm, nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Đặng Tài – Tiến Thành