1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Sáu Dân và những cuộc “đi trốn”

Mỗi năm, vào ngày sinh nhật 23/11, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường “đi trốn”, bỏ sang một bên những việc hàng ngày để có nhiều thời giờ hơn cho những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Dưới đây là hồi ức của ông Nguyễn Trung, nguyên là trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

 

Trong những năm được giúp việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thường lệ khi còn sinh thời vào ngày 23/11, mọi việc tôi thường tìm cách giải quyết sớm một ngày, hoặc bố trí sẵn một việc gì đó ngoài Hà Nội, để thủ trưởng “đi trốn” những lời chúc mừng sinh nhật của mình.

 

Đi trốn với nghĩa bỏ sang một bên những việc hàng ngày, để có nhiều thời giờ hơn cho một vấn đề hệ trọng nào đó.

 

Mọi chuyện thường bắt đầu từ những câu hỏi, những vấn đề ông nêu sẵn cho những người ông sẽ gặp trong lúc đi trốn như vậy. Tùy hoàn cảnh, có lúc là những vấn đề quốc nội, có lúc là những vấn đề đối ngoại, và đôi khi cũng tùy các đối tượng đàm đạo với ông trong những cuộc đi trốn như thế - ví dụ có khi thuần túy là vấn đề báo chí, vấn đề tôn giáo...

 

Có thể nói, cuộc sống có bao nhiêu lĩnh vực, Thủ tướng có bằng ấy nhóm để đàm đạo, mọi người rất tự nguyện, ngôn ngữ giàu trí tuệ và đượm màu sắc bằng hữu. Ấn tượng nhất đối với tôi là Thủ tướng nói chuyện với ai cũng đậm đà, chân tình và có những câu hỏi sâu sắc. Tôi tấm tắc với mình: “Rất Sáu Dân!” “C’ est le charme Võ Văn Kiệt!”

 

Nét chung nhất là đã cùng nhau “đi trốn” như thế thì không còn phân ngôi giữa người đứng đầu chính phủ với người đối thoại nữa, tất cả đối với nhau đều là thường dân, hay nói tình cảm hơn, tất cả đối với nhau đều là người với người... Nghĩa là rất bình đẳng, bộc lộ tim gan, tranh luận tới cùng, không giữ kẽ... - trong một bữa “nhậu” ngay trên sân bóng ở xa thành phố, hay trong một cuộc dã ngoại...

 

Một nét chung nữa của các cuộc đi trốn như thế là các cuộc đàm đạo hình như bao giờ cũng kết thúc bằng cách ra đầu bài mới cho các cuộc đàm đạo tiếp theo vào một dịp nào đó. Bởi lẽ Thủ tướng thường nêu ra những câu hỏi quả là không dễ trả lời. 

 

Ông Sáu Dân và những cuộc “đi trốn” - 1
 Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm Cà Mau. (Ảnh: camau.gov.vn)

 

Ví dụ, một lần bàn về chuyên đề nhà ở cho người dân vùng lũ đồng bằng Nam Bộ, ra về Thủ tướng nêu câu hỏi: Sống chung với lũ và khai thác lũ ở đồng bằng Nam Bộ thế nào là tối ưu nhất? Mọi người cùng đàm đạo lúc này mới ớ ra, song cũng hiểu ngay cách nhìn vấn đề và mạch suy nghĩ của ông. Mọi người chỉ còn cách xin khất cho các cuộc đi trốn tiếp. Quả thật sau đó là cả một chuỗi các cuộc đàm đạo tiếp theo như thế, năm này qua năm khác, vấn đề quá lớn và nan giải...

 

Thủ tướng nhớ dai và không thấy ông bỏ giữa chừng, mặc dù trăm việc bề bộn.

 

Công việc dang dở cuối cùng của ông là tìm hiểu việc sống chung với biển của Hà Lan, một quốc gia có nhiều nơi bình độ thấp hơn mặt biển. Chương trình khảo sát đã được nước bạn bố trí, hành lý lên đường cũng đã sẵn sàng... Thế rồi... chuyến đi này không bao giờ thực hiện được nữa!

 

Hôm nay là ngày sinh nhật ông. Tôi phần nặng lòng, phần bâng khuâng không còn được xắp xếp, không còn được cùng ông đi trốn như thế, trong thâm tâm tự hỏi: Bộ óc thương dân thương nước Võ Văn Kiệt vào những ngày này sẽ nghĩ gì, sẽ nêu ra những câu hỏi gì cho một cuộc đi trốn như thế vào những ngày này?

 

Ôi, có thể sẽ là: Lụt Hà Nội vừa qua cần được xem xét như thế nào? Hiện tượng Obama nói gì với thế giới? Với nước ta? Thời đại có G20 là thời đại gì đây? Chúng ta nhìn nhận nó thế nào?...

 

Làm việc với ông, tôi hiểu: Nêu ra câu hỏi là ông đã nhìn thấy vấn đề và đã có câu trả lời của riêng mình. Nhưng, bao giờ ông cũng muốn nghe trước tiên những câu trả lời đưa ra từ chung quanh...

 

...Anh Sáu ơi, hôm nay anh sẽ còn nêu câu hỏi gì nữa, thưa anh?

 

Theo Nguyễn Trung
Tuanvietnam.net