“Anh Sáu Dân” trong hồi ức NSND Phùng Há

(Dân trí) - Nghe tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần, bà sững sờ không nói được một lời. Trong ký ức lúc nhớ, lúc quên của người nghệ sĩ 98 tuổi này, những hình ảnh đẹp về ông chợt ùa về, rất rõ nét…

“Sinh nhật lần thứ 98 của tôi hồi 30/4 năm nay, anh bận rộn không tới được, nhưng vẫn gửi lẵng hoa và lời chúc mừng. Tôi không thể ngờ anh đã ra đi trước tôi. Anh vẫn còn khỏe, làm việc và được dân thương yêu, kính trọng mà. Tôi không muốn tin đó là sự thật.

 

Năm nào cũng vậy, anh luôn nhớ ngày sinh của tôi, dù đó là dịp kỷ niệm ngày Giải Phóng Miền Nam. Một chính khách như anh, trong ngày này anh luôn bận rộn với những cuộc mít tinh, chào mừng, nhưng anh vẫn nhớ ngày sinh nhật của tôi. Anh luôn quan tâm đến giới nghệ sĩ, bằng tình cảm của một người anh, người chú…

 

Sinh nhật lần thứ 97 của tôi, anh có đến dự. Thấy mái tóc bạc trắng, dáng đi có vẻ chậm chạp hơn của anh trong những lần gặp trước, tôi rất ngậm ngùi.

 

Tôi và giới nghệ sĩ luôn mang ơn anh. Trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, những tuồng tích bị kiểm soát gắt gao về nội dung, có một số tuồng cổ không được trình diễn. Lúc anh làm Bí thư Thành ủy TPHCM, anh đã chỉ đạo, những chi tiết nào trong các vở tuồng không phù hợp thì cắt bỏ, hay sửa lại. Anh nói: “Viết được một vở tuồng, tác giả phải bỏ ra rất nhiều chất xám. Mình không nên lãng phí…”. Một lãnh đạo có một suy nghĩ “thoáng” như anh, đã “cứu” rất nhiều soạn giả, tạo cho họ một niềm tin để sáng tác nhiều vở tuồng khác.

 

Những ngày tháng khó khăn nhất, thấy sức khỏe tôi yếu, lại đi xe đạp do đứa cháu gái chở, anh biết được, đã đề xuất cho tôi một chiếc xe hơi cũ để đi truyền nghề cho các học trò, đi làm từ thiện.

 

Năm 1992, anh được Quốc hội bầu làm Thủ tướng. Ngày tiễn anh đi, có rất nhiều nghệ sĩ đến dự. Trong chương trình văn nghệ, tôi có lên sân khấu biểu diễn cho anh xem Lã Bố trong vở tuồng Lã Bố hý Điêu Thuyền. Vai tuồng này tôi đã đóng nhiều lần và được khán giả rất yêu thích, nhưng không hiểu sao, lần diễn này tôi rất hồi hộp. Bằng những vũ điệu mạnh mẽ, tôi đã hóa thân hoàn toàn vào vai một dũng tướng oai phong lẫm liệt.

 

Anh làm một động tác mà trên sân khấu nhìn xuống tôi rất cảm động: Anh lịch sự bật đứng dậy và đứng xem suốt cả buổi diễn của tôi. Hiếm có một vị Thủ tướng nào giản dị như anh, rất gần gũi, đời thường đến như vậy. Khi màn trình diễn của tôi vừa kết thúc, anh vỗ tay, rồi đến bên tôi chìa tay bắt, anh cười nói: “Chị Bảy phải sống tới 100 tuổi…”. Tôi cười, đùa: “Năm nay tôi đã 82 rồi, già mà sống như vậy để làm nghèo đất nước hả anh?”.

 

Anh cười xòa, siết chặt tay tôi. Và câu nói “trăm tuổi” ấy, lần nào gặp tôi, anh cũng đều nói thế. Cũng trong lần này, tôi cũng nói với anh ý nguyện xây một khu dưỡng lão dành cho anh em nghệ sĩ già, neo đơn. Nghe tôi nói, anh trầm ngâm và gật đầu.

 

Riêng tôi, đã 4 lần được gặp ông. Lần cuối cùng cách đây vài tháng, tôi có ngỏ ý xin một bài phỏng vấn. Tôi nghĩ ông sẽ từ chối, vì tôi là một nhà báo “nhỏ”, còn ông là một chính khách có tầm vóc lớn. Nhưng ông từ tốn: “Con cứ liên lạc với anh thư ký của chú để sắp xếp thời gian…”. Tôi chưa kịp liên lạc với ai. Tất cả đã muộn rồi…

Bẵng đi một thời gian, tôi nghĩ anh bận trăm công nghìn việc của đất nước, anh đã quên lời đề nghị ấy. Nhưng không ngờ, năm 1997, tôi nhận được một lá thư, thông báo đề xuất xây viện dưỡng lão cho nghệ sĩ già của tôi đã được đồng ý. Lúc này anh không còn làm Thủ tướng nữa, mà đương chức Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

 

Năm 1998, viện dưỡng lão nghệ sĩ khánh thành, nằm khuất trong một con hẻm nhỏ đường Âu Dương Lân (Q.8, TPHCM), trong sự vui mừng của anh em nghệ sĩ già, suốt đời chỉ biết hoạt động nghệ thuật: Ngọc Đáng, Thiên Kim, Trường Sơn, Ngọc Thẫm… Từ giờ phút đó, anh em nghệ sĩ già yếu, neo đơn không còn lo lắng về những ngày cuối đời của mình nữa. Tất cả đã có chỗ để nương tựa lúc về chiều. Chúng tôi cám ơn anh đã quan tâm đến chúng tôi, những người chỉ biết suốt đời mang lời ca, tiếng hát của mình cho cuộc đời.

 

Lúc anh làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, anh có đến chùa Nghệ sĩ Gò Vấp thăm tôi một lần. Lần đó, vào dịp áp tết năm 2000. Anh đến không hề báo trước. Lúc tôi nghe người nhà báo tin, tôi vẫn chưa kịp thay một bộ đồ đàng hoàng tiếp anh, thì anh đã bước vào tới cửa. Anh cười rất tươi tắn, rộng mở, tay cầm hai quả dưa hấu trao cho tôi, nói: “Dưa hấu này là nông dân mình trồng, bón bằng phân tôm nên ngọt lắm…”. Cầm món quà tình nghĩa của anh, tôi thấy lòng sao ấm áp quá.

 

Dù đương giữ một trọng trách rất lớn, là một người quan trọng, nhưng trong lần tới thăm tôi, anh không mang theo nhiều vệ sĩ. Rất đơn giản và giản dị. Dường như đối với anh, sự nguy hiểm luôn rình rập không bao giờ hiện diện, vì anh luôn được mọi người yêu mến.

 

Anh đã ra đi. Những lần sinh nhật sau của tôi, sẽ không còn nhận đựơc bó hoa tươi thắm và lời chúc của anh nữa.

 

Đảng, Nhà nước, toàn dân mất đi một người con ưu tú. Riêng giới nghệ sĩ chúng tôi mất đi một người anh, người cha….”.

 

Dương Cầm (ghi)